Việc tòa án New Zealand cho phép dẫn độ cư dân sang Trung Quốc cho thấy họ “quá ngây thơ” trước những lời hứa hẹn của Bắc Kinh, theo nhận định của ông Gabriël A. Moens, giáo sư luật tại Đại học Queensland (Úc).
Trong bài bình luận đăng trên The Epoch Times ngày 17/4/2022, ông Moens đề cập đến phán quyết của Tòa án Tối cao New Zealand vào ngày 4/6/2021. Theo đó, ông Kyung Yup Kim, người đàn ông sinh tại Hàn Quốc và hiện là cư dân thường trú tại New Zealand, sẽ bị dẫn độ sang Trung Quốc để bị xét xử về cáo buộc giết hại một cô gái trẻ ở Thượng Hải vào tháng 12 năm 2009.
Tòa án Tối cao New Zealand đưa ra phán quyết này dựa trên lời hứa của của giới chức Trung Quốc rằng ông Kim sẽ không bị tra tấn và được xét xử công bằng.
“Thật đáng kinh ngạc và đáng báo động khi các thành viên trong giới tinh hoa tư pháp và chính trị New Zealand chấp nhận lời hứa của Trung Quốc về việc tiến hành một phiên tòa công bằng”, giáo sư Moens viết.
Ông cho rằng, xét đến những vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì lời hứa hẹn của họ là không đáng tin. Người ta không thể trông chờ vào việc ĐCSTQ đảm bảo nhân quyền trong khi điều đó được thực thi một cách tồi tệ ở quốc gia này, theo giáo sư Moens.
Tòa án New Zealand “quá ngây thơ” với Trung Quốc
Việc Tòa án Tối cao New Zealand ra phán quyết dựa trên lời hứa của ĐCSTQ là một điều “ngây thơ đến mức đau lòng”, theo ông Jerome A. Cohen, giảng viên kỳ cựu của Viện Luật Hoa Kỳ-Châu Á thuộc Trường Luật của Đại học New York (Mỹ).
Trong bài bình luận trên The Diplomat vào tháng 6 năm 2021, ông Cohen nhận định rằng Tòa án Tối cao New Zealand đã không hiểu được sự tàn bạo mà ĐCSTQ đã gây ra trong suốt lịch sử; như nạn đói trong thời kỳ Đại nhảy vọt; Cách mạng Văn hóa; việc đàn áp và mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công; chính sách hà khắc với người Duy Ngô Nhĩ… Ở Trung Quốc, tình trạng giam giữ không xét xử hoặc xét xử bất công là chuyện “thường thấy”. Trong khi các luật sư bị hạn chế đến mức khó có thể đưa ra hỗ trợ đáng kể nào đối với thân chủ của mình.
Theo ông Cohen, việc New Zealand cho dẫn độ cư dân sang Trung Quốc chỉ bằng lời hứa hẹn của Bắc Kinh chẳng khác nào “cho phép con cáo ở trong chuồng gà mái vì con cáo đã hứa sẽ không làm hại gà mái”.
Ông Cohen cho biết Trung Quốc thường tìm cách dụ dỗ, ép buộc một số người nước ngoài bất đồng ý kiến vào Trung Quốc, từ đó lấy cớ để truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc thậm chí là giam giữ phi pháp, vô thời hạn đối với những người này.
Hiện chưa có gì đảm bảo ông Kim, cư dân thường trú của New Zealand, có được xét xử công bằng tại Trung Quốc theo các yêu cầu của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) hay không. Trung Quốc đã ký Công ước này nhưng chưa bao giờ được phê chuẩn nó, theo giáo sư Moens.
Điều 14 của Công ước quy định rằng bị cáo “sẽ được quyền xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập và khách quan được thành lập theo luật định.”
Tuy nhiên, trong hệ thống tư pháp của Trung Quốc, tòa án hình sự phải chịu sự giám sát của các cơ quan chính trị. Giáo sư Moens cho biết, các vụ việc nhạy cảm không phải do tòa án quyết định mà do “ủy ban tư pháp” của tòa án (và các ủy ban giám sát khác) quyết định.
Theo giáo sư Moens, có “đủ lý do để không đồng ý với lập luận và phán quyết của Tòa án Tối cao New Zealand” về việc cho phép dẫn độ ông Kim sang Trung Quốc.
Giáo sư lưu ý rằng việc Trung Quốc bành trường quyền lực chính trị và kinh tế sẽ khiến các nước ngày càng khó khăn hơn trong việc từ chối yêu cầu dẫn độ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Moens hy vọng rằng những điều đúng đắn sẽ được thực thi, và ý chí chống lại tham vọng của ĐCSTQ cuối cùng sẽ thắng thế.