Nga cho rằng trong cuộc gặp giữa Biden và Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ hôm 15/11, vấn đề của Nga đã được Trung Quốc đặt lên bàn cân và có thể Bắc Kinh sẽ đánh đổi mối quan hệ với Moscow bằng một lợi ích thiết thực hơn với họ.
Cuộc gặp giữa Biden và Tập Cận Bình tại ngoại ô San Francisco hôm thứ Tư rõ ràng không phải là một nguồn cảm hứng cho các tờ báo cũng như các nhà phân tích Nga trông ngóng. Thay vào đó, người Nga có lý do để đưa cái nhìn thăm dò và cảnh giác về Tập Cận Bình và Trung Quốc sau cuộc gặp này.
Trước hết nói về nội dung cuộc hội đàm vừa diễn ra giữa Biden và Tập Cận Bình trên đất Mỹ. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh ông Biden đang thua tơi tả trước cựu tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò trước tổng tuyển cử; và cá nhân ông cũng đang bị chỉ trích nặng nề với các quyết sách về khủng hoảng Trung Đông. Còn Tập Cận Bình cũng đang rối bời với nền kinh tế Trung Quốc đang chìm trong khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Hai bên mang theo cuộc gặp này với đầy phiền não và toan tính, và mục đích chỉ là tìm cách gói ghém lợi ích cho mình. Ngoài các ngôn ngữ ngoại giao, thì sự tin tưởng nhau trở thành xa xỉ.
Điều này được thừa nhận trên chính ACB News – một tờ báo phương Tây, khi tờ báo này tường thuật lại rằng:
Lúc Tập và Biden bước ra khỏi nơi hội đàm là Di sản Filoli lịch sử ở Woodside, Phóng viên cấp cao của ABC News, cô Selina Wang, đã hỏi Tập nhiều lần bằng tiếng Quan thoại: “Chủ tịch Tập, ông có tin tưởng Biden không?”
Ông Tập lấy tai nghe phiên dịch ra nghe cô hỏi, nhìn cô mỉm cười nhưng không đáp. Sau đó, nữ phóng viên hỏi cả hai nhà lãnh đạo bằng tiếng Anh: “Các ngài có tin tưởng lẫn nhau không?”
Kết quả là Biden và Tập, cả hai đều không trả lời.
Dù rằng trong họp báo sau đó, theo Reuter, Biden đã nói rằng có ‘tiến bộ thực sự’ đã đạt được trong các cuộc đàm phán với Tập với các thỏa thuận được thực hiện về quân sự, fentanyl”. Ông Biden như muốn nhấn mạnh rằng, sau 4 giờ bên cạnh Tập Cận Bình, ông đã đem chiến thắng về cho người Mỹ. Tuy nhiên, không khó cho ngoại giới nhìn ra rằng, cách ông Biden nói đã hội đàm với ông Tập ở “một trong những cuộc đàm phán hiệu quả nhất” chỉ là điều ông Biden huyễn tưởng. Thực tế, hàng loạt vấn đề mà Biden đặt ra cho Tập Cận Bình có mức độ khả thi rất mong manh.
Ví dụ, theo CNN, Biden đã nói với Tập Cận Bình về hành động của Trung Quốc liên quan đến công dân Mỹ bị giam giữ, nhân quyền và “các hoạt động cưỡng bức ở Biển Đông” trong cuộc gặp. Nhưng khẩu khí của ông Biden đã sớm cho thấy kết quả rất hạn chế như ông đã thừa nhận sau hội đàm rằng “không có thỏa thuận về điều đó”.
Cũng cần nhớ rằng, trên đường ông Tập tới gặp ông Biden, tại San Francisco, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối các chính sách tàn bạo của chính quyền Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Một trong số đó, theo BBC và The Epoch times, tại các góc phố, các học viên Pháp Luân Công – một môn tu luyện tinh thần bị chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999, đã giương cao biểu ngữ có nội dung “thế giới cần Chân Thiện Nhẫn”, ‘chấm dứt cuộc bức hại’. Những câu hỏi cũng được người biểu tình đặt ra với ông Tập Cận Bình: “Hãy chấm dứt cuộc đàn áp”. “Tại sao lại bức hại người ta chỉ vì người ta muốn làm người tốt?”
Thêm nữa, khi động chạm đến các vấn đề nhạy cảm, ông Biden còn mất đi lợi thế sân nhà và để cho Tập Cận Bình tấn công ngay trên đất khách. Cụ thể, khi ngồi đối mặt với Biden, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu Hoa Kỳ “không lên kế hoạch đàn áp hoặc kiềm chế Trung Quốc” và Hoa Kỳ cần ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan. Và ngay lập tức, phát biểu biểu này của ông Tập được hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã công bố còn trước cả cánh truyền thông nước Mỹ.
Có thể thấy, khi động chạm đến các vấn đề trực diện trong quan hệ Mỹ – Trung, ông Biden vẫn luôn bị ông Tập nắn gân. Và điều này, vốn đã quen thuộc như một phần của lịch sử. Thêm một điều hài hước ở chỗ, suốt quá trình hội đàm với ông Tập, ông Biden luôn thể hiện ra sự mơ màng và nhún nhường. Chỉ khi ông Tập đã khuất dạng, thì đứng ngay trên đất Mỹ, ông Biden cũng phát biểu được mấy lời hăng hái. Cụ thể, vài giờ sau khi hội đàm với Tập Cận Bình, khi được phóng viên MJ Lee của CNN hỏi liệu ông có còn mô tả Tập là một nhà độc tài như trước đây hay không, Biden mới trả lời: “Nhìn xem, ông ấy đúng như vậy.”
Vẫn có lý do đề người Nga lo lắng
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong những vấn đề không được hai bên công bố, có thể giữa Mỹ – Trung đã đạt được những thỏa thuận ngầm trên một số phương diện. Trong đó, có những vấn đề liên quan đến các bên thứ ba như Nga hay Triều Tiên. Bởi lẽ, dù Biden yếu nhược, nhưng Nhà Trắng không muốn chuyến đón tiếp Tập Cận Bình lần này làm một hành động không công, nhất là khi Mỹ đang có những con át chủ bài trước Trung Quốc
Cụ thể, theo tờ News-front của Nga, trong hội đàm, Washington đưa ra cảnh báo Bắc Kinh về việc hỗ trợ Iran. Ngoài ra, Biden cũng yêu cầu Tập Cận Bình hạn chế Tehran hỗ trợ Hamas và quan trọng nhất là hợp tác với Moscow, trước hết là liên quan đến nguồn cung cấp quân sự. Cuối cùng, Bắc Kinh, với tư cách là đồng minh chính của chế độ Triều Tiên, theo yêu cầu của người Mỹ, phải ngăn chặn sự tương tác đang diễn ra giữa CHDCND Triều Tiên và Liên bang Nga. Và điều này cũng áp dụng cho việc cung cấp vũ khí, điều mà phương Tây rất lo lắng.
Song song đó, Hoa Kỳ cũng đưa ra các hạn chế hơn nữa đối với việc cung cấp vi mạch và các lệnh trừng phạt lớn đối với các công ty Trung Quốc. Các nhà quan sát cho biết, sự leo thang kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư lớn như Black Rock đều đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc. Kết quả là đất nước này đang chứng kiến dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài mạnh nhất trong một phần tư thế kỷ qua.
News-front nhận xét: Nhìn chung, Washington có những con át chủ bài trước Bắc Kinh. Vấn đề là liệu Tập có tính đến việc bắt tay với Mỹ để chơi ván cờ vây Nga hay không, điều này sẽ phải chờ một khoảng thời gian nữa. Tờ báo Nga này nhìn nhận thẳng thắn rằng: Rõ ràng là Bắc Kinh chỉ nghĩ đến bản thân và lợi ích của chính mình…. Nhưng hãy hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không chèn ép chúng ta…
Vì vậy, tờ báo này cảnh cáo Trung Quốc về hậu quả nếu như nước này bị Mỹ ‘tống tiền’ và có ý định tham dự vào ván cờ vây với Mỹ để cô lập Nga, đó là: Có quá nhiều thứ [của Trung Quốc] đang bị đe dọa, bao gồm cả nguồn cung cấp tài nguyên chưa từng có của Nga và sự gia tăng cán cân thương mại, chưa kể đến việc hình thành một mặt trận thống nhất dưới ngọn cờ của BRICS.