Dù làm quan to tới đâu, dù cuộc sống giàu sang tới đâu thì cuối cùng chúng ta vẫn phải chết. Nhưng chúng ta được lựa chọn cách sống cho mình và sự lựa chọn cách sống của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã để lại sự tiếc nuối lớn trong lòng người dân Nhật Bản cũng như thế giới, khi ông ra đi.
Thành tựu của Thủ tướng Abe Shinzo khi đương chức
Ông Abe Shinzo là cựu nhà lãnh đạo được người dân Nhật Bản kính trọng nhờ những công lao to lớn của ông đóng góp cho đất nước.
Về vấn đề đối nội
Cố Thủ tướng Abe Shinzo thực hiện một cuộc đại thử nghiệm kinh tế mang tên “Abenomics”, với 3 mũi tên chính là gói nới lỏng tiền tệ, gia tăng chi tiêu chính phủ, và cải cách cơ cấu nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Chính sách này đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó.
Ông Abe Shinzo đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết, phục hồi nền kinh tế khu vực đông bắc của Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Về chính sách đối ngoại
Thủ tướng Abe đã nhận được đánh giá cao từ Viện Chỉ số Quyền lực châu Á Lowy, khi cho rằng Nhật Bản “là lãnh đạo về trật tự tự do của châu Á”. Khảo sát về tình hình Đông Nam Á 2020 của Viện ISEAS-Yusof Ishak có cùng kết luận này, khi đánh giá Nhật Bản là quốc gia đáng tin cậy nhất trong khu vực.
Sự tham gia của Nhật Bản vào an ninh bộ tứ (Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ) làm nổi bật vai trò điều phối hợp tác giữa các khu vực. Nhật Bản đang nhấn mạnh vai trò tích cực về an ninh và kinh tế khu vực khiến vị thế nước này tăng mạnh trong khu vực và thế giới.
Cố Thủ tướng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời, ông nỗ lực hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách đoàn kết các đồng minh ở Thái Bình Dương. Ông cũng tuyên bố luôn ủng hộ Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Cuối cùng, không thể không nhắc tới việc ông Abe đã thành công giúp Nhật Bản đăng cai thành công Thế vận hội Tokyo 2020.
Đây là những thành quả của Thủ tướng Abe Shinzo mang lại trong nhiệm kỳ Thủ tướng.
Cả một đời sống trong bình dị
Trên trường quốc tế, ông Abe Shinzo là một nhà lãnh đạo tài ba nhưng trong lòng dân chúng Nhật Bản, hình ảnh của ông lại gần gũi và đời thường.
Nếu xem lại tư liệu về ông Abe, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh quen thuộc của ông trong những chuyến về thăm dân ở các vùng động đất, thiên tai. Ông luôn cúi đầu xuống thấp hơn khi hỏi thăm những người cao tuổi. Ông Abe Shinzo thực sự giống như câu thành ngữ “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”.
Người dân Nhật Bản tương tác với vị Thủ tướng trên mạng xã hội qua những bức hình sinh hoạt ngày thường của ông. Điều đó cho thấy quan hệ của ông và người dân Nhật Bản là gần gũi và tốt đẹp.
Trên Intergram lan truyền một clip ngắn: ông Abe đóng cho vợ của mình chiếc gõ cửa bằng gỗ. Và phu nhân vui vẻ “test” thành quả của chồng. Ngoài chức danh Thủ tướng, nhiều người công nhận, trong gia đình ông cũng là một người chồng chu đáo và ấm áp. Sau 35 kết hôn, tuy họ không có con nhưng mọi người có thể cảm nhận được sự hoà hợp mỗi khi ông bà xuất hiện.
Hiếm có chính trị gia nào lại gần gũi với người dân của mình như vậy. Người ta có thể bắt tay và tặng hoa cho ông mà không có hàng rào ngăn cản. Vào các ngày trọng đại mang tính chất quốc gia, tâm trạng những nhân viên bảo vệ ông cũng không quá căng thẳng.
Thế nhưng, tất cả đều bàng hoàng trước tiếng súng nổ và cảnh vị Thủ tướng đáng kính ngã gục. Không ai có thể ngờ rằng điều đó sẽ xảy ra trên đất nước Nhật, càng không thể ngờ đích đến lại là ngài Thủ tướng.
Sự ra đi đột ngột của ông khiến người dân Nhật Bản và thế giới đau buồn, tiếc thương
Ông Abe Shinzo đã từ chức vào năm 2007 vì căn bệnh viêm đại tràng mãn tính. Tháng 8/2020, một lần nữa ông lại lui về hậu trường vì lý do sức khoẻ. Tuy nhiên, ông luôn thể hiện mình là một người có trách nhiệm với người dân và đất nước Nhật Bản bằng tình yêu thuần tuý. Ông Abe vẫn đứng ra vận động tranh cử cho đảng của mình, nhưng tiếng súng lạnh lùng đã tước đi sinh mệnh của ông.
Ngẫm về ý nghĩa nhân sinh
Người xưa từng nói: “Sinh có hạn, tử bất kỳ” (tuổi thọ của con người thì có hạn mà cái chết thì bất chợt). Và trong cõi hồng trần ấy, không ai biết được chính xác sự sống của mình còn lại bao lâu. Cũng không ai có thể biết trước được cái chết của mình sẽ như thế nào.
Bởi vậy, cho dù người đó làm quan chức to tới đâu, hay giàu có tới mức nào thì cũng phải chấp nhận cái chết. Con người cho rằng, họ có thể nắm bắt được cuộc đời của họ. Họ có thể tính toán, tiên liệu mọi điều. Thế nhưng với cái chết, họ không hề biết trước.
Phật gia có giảng: “Tuổi thọ của sinh mệnh chỉ dài như một hơi thở. Không còn thở nữa thì đã là sang đời sau rồi. Chỉ có nhận thức như vậy mới thực sự trải nghiệm được sự tinh tuý của sinh mệnh. Các đệ tử! Các con chớ nên thảnh thơi lười biếng, cho rằng đời người rất dài giống như kiếp phù du, như cỏ hoa, hay dài đến mấy chục năm. Nhưng tuổi thọ của con người chỉ như một hơi thở mà thôi, vậy nên phải trân trọng mỗi phút giây của sinh mệnh…”
Kỳ thực, đời người chỉ ngắn ngủi như một hơi thở mà thôi. Cho nên với những người hiểu được điều này, họ hết sức trân quý những gì đang có ở hiện tại. Họ làm việc hết mình, sống hết mình với cuộc đời bằng sự tử tế. Chính vì thế mà khi họ ra đi thì người đời tưởng nhớ tới họ, luyến tiếc họ và thể hiện sự tôn trọng đối với họ.
Trong văn hoá phương Đông có câu: “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Ngụ ý rằng cách con người ta sống sẽ lưu lại tiếng thơm cho đời. Như cố Thủ tướng Abe Shinzo – di sản của ông cũng chính là những thành tựu ông đã đóng góp cho đất nước và người dân Nhật Bản. Ông đã chọn cách sống bình dị, gần gũi với nhân dân, khiêm nhường, làm việc hết mình và có tinh thần trách nhiệm. Tất cả những điều này đã gây dựng lên một hình ảnh về một chính trị gia mẫu mực trong con mắt của người dân trong nước và thế giới.
Có thể bạn quan tâm: