Phản ánh của báo Tiền Phong khiến dư luận đặt câu hỏi về việc cán bộ lạm thu tiền làm căn cước công dân gắn chip tại xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Theo Tiền Phong, tại xã Mễ Sở, nhiều ngày qua, khi làm căn cước gắn chip người dân bị thu phí cao hơn nhiều so với quy định.

Nội dung bài báo và video (đăng trên Tiền Phong) cho thấy, tại điểm thu phí, người phụ nữ không mặc sắc phục trên tay cầm sấp tiền lớn liên tục hướng dẫn người dân ký, ghi số điện thoại cá nhân và yêu cầu nộp tiền. Mức phí trung bình mà người dân đến chuyển hoặc thay thế chứng minh nhân dân 9 số là 45.000 đồng/căn cước gắn chip. Có trường hợp còn bị thu đến 65.000 đồng/căn cước.

Nhiều trường hợp, người dân phát hiện thông tin trên căn cước mới bị sai sót yêu cầu sửa cũng bị mất phí 20.000 đồng/lần sửa.

Khu vực làm CCCD gắn chip ở xã Mễ Sở (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).

Hiện xã Mễ Sở có hơn 10 nghìn nhân khẩu, một lượng lớn người trong đó đang làm căn cước công dân gắn chip.

Công an xã nói gì?

Vẫn theo Tiền Phong, để làm rõ ngọn ngành sự việc, phóng viên tòa báo đã gặp, trao đổi với trưởng Công an xã Mễ Sở – ông Chu Ngọc Quân.

Ông Quân giải trình, việc thu thêm 30.000 đồng/căn cước là chi phí trả cho bưu điện để trả kết quả đến tận tay người dân. Các trường hợp thu 65.000 đồng/căn cước có thể là nhầm lẫn do người dân nóng vội muốn về hoặc có quá đông người đến làm nên người thu tiền vội (?) “Người thu tiền phí là cán bộ bưu điện, thu xong họ sẽ bàn giao phí làm căn cước lại. Việc này thực hiện theo ký kết giữa công an tỉnh và bên bưu chính viễn thông”, ông Quân nói.

Theo báo Doanh nghiệp và Tiếp thị, sáng 12/4, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên khẳng định sẽ cho người ‘xem xét lại, xác minh, làm rõ đúng hay sai’ những phản ánh về sự việc trên của báo chí.

Người thu tiền là nhân viên bưu điện

Ở bản tin đăng tối 12/4, báo Tiền Phong dẫn lời Giám đốc Bưu điện tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Tư xác nhận, người thu tiền làm căn cước công dân mà Tiền Phong phản ánh là nhân viên của Bưu điện Văn Giang.

Theo ông Tư, việc phối hợp mà không có công cụ để người dân nắm được là sai sót, đơn vị này sẽ tập trung chấn chỉnh. ‘Vấn đề thu phí rất công khai nhưng cách làm thì lại không công khai’, ông Tư nói.

Về nguyên tắc, nhân viên bưu điện chỉ có trách nhiệm thu cước chuyển phát. Song, theo ông Tư, do mật độ người dân đến làm căn cước quá đông nên nhân viên bưu điện hỗ trợ thu toàn bộ các khoản phí. Cuối ngày hai bên sẽ có tổng hợp, bàn giao phí làm căn cước cho công an.

Theo quy định, trước ngày 30/6/2021, người dân chuyển từ chứng minh nhân dân (loại 9 số và 12 số) sang thẻ căn cước công dân mất 15.000 đồng/căn cước; đổi thẻ căn cước công dân; thay đổi thông tin mất 25.000 đồng/căn cước; cấp lại căn cước công dân (khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam) mất 35.000 đồng/căn cước.

Xem thêm: