Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ba Lan – ông Pavel Koval, nói với ấn phẩm Sestry rằng, Ba Lan sẽ không trục xuất những công dân Ukraine đang phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng sẵn sàng tạo điều kiện để họ tự rời đi.

Ông  Pavel Koval đề cập đến đến “một số dữ liệu” cho rằng mức giảm dân số hiện tại ở Ukraine là dưới mốc 30 triệu người. Vì vậy, theo quan chức Ba Lan, các nước châu Âu đã chấp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nên tạo ra các cơ chế để trả lại lính nghĩa vụ cho Ukraine và huy động họ ra mặt trận.

Ông này cho rằng, việc trục xuất những người Ukraine là bất hợp pháp, nhưng các cơ chế phải được sử dụng để mang về nước những thanh niên Ukraine “có thể chiến đấu”.

 Pavel Koval nói: “Hành động của các quốc gia có nhiều người Ukraina cũng nên hướng tới điều này. Nghĩa là, cần lưu ý khi xin giấy phép lao động, gia hạn thời gian lưu trú trên cơ sở quan hệ đối tác, kiểm tra xem liệu những người đang ở trên lãnh thổ các nước EU khác có thể được huy động đến Ukraine hay không”.

Nếu vậy, những người Ukraina đó có thể bị từ chối tuyển dụng, từ chối gia hạn tình trạng bảo vệ tạm thời và thanh toán các phúc lợi. Koval đã phát triển ý tưởng của mình rằng, một người không có việc làm, không có tiền và sống trong tình trạng bất hợp pháp sẽ không tồn tại được lâu ở nước ngoài và sẽ rời đi. Đó chính là cách không dùng lệnh trục xuất, nhưng Ba Lan có thể ‘đuổi’ những người Ukraine ra khỏi đất nước họ.

Hiện số phận của hàng triệu người gốc Ukraine đang lơ lửng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Hàng trăm nghìn người tìm cách ra khỏi đất nước. Lưu ý rằng vào tháng 12/2023, lãnh đạo cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine – ông Ihor Matviychuk công bố rằng: Trung bình có 6.000 nam giới trong độ tuổi quân sự rời Ukraine mỗi ngày. Theo ông, 45% trong số này là tài xế xe tải và 150-200 người đàn ông vượt biên với tư cách là tình nguyện viên.

Theo ấn phẩm The Economist, người Ukraine nghĩ ra đủ kiểu để trốn quân dịch. Chẳng hạn đăng ký làm người chăm sóc một thành viên khuyết tật trong gia đình; hoặc chủ động kết hôn với người khuyết tật. Một chiêu bài khác là “ly hôn”, trong đó người đàn ông được trao toàn quyền nuôi con cũng là biện pháp khả dĩ. Điểm chung của họ là sự chán ghét chiến tranh và những gì đang diễn ra.

Anh Oleksiy, 25 tuổi, một người dân ở Uzhhorod thị trấn của Ukraine gần biên giới Slovakia, tiếc nuối vì không rời khỏi đất nước từ khi cuộc chiến mới bắt đầu. Anh nói rằng: Chiến tranh là “sự giết người được hợp pháp hóa và tôi không muốn tham gia”. 

Ivan, một nhạc sĩ 42 tuổi cũng ở Uzhhorod, có ý định nhập ngũ, nhưng đã thay đổi quyết định khi nhìn thấy những chiếc quan tài hồi hương. Đối với anh, lo sợ bị bắt đi lính nghĩa vụ đang ám ảnh hằng ngày. Anh đau khổ kể: “Tôi thấy mình như con thuyền bập bềnh giữa hai dòng nước”.

Với việc ép quân dịch tại Ukraine ngày càng thô bạo nhằm phục vụ mục đích bù đắp số binh sĩ bị chết trên chiến trường, thì đàn ông nước này đành phải liều mạng hơn để vượt biên. Theo báo cáo vào ngày 10 tháng 1 trên kênh điện tín chính thức của Cục Biên giới Nhà nước Ukraine, ít nhất 19 người đàn ông cố gắng trốn khỏi sự huy động của Ukraine đã chết đuối trên sông Tisza ở biên giới Romania kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Một người đàn ông được vớt ra khỏi dòng sông băng giá, trong tình trạng hầu như không có dấu hiệu của sự sống. Anh được sơ cứu, đưa về đơn vị và ủ ấm.

Nạn nhân kể răng, anh ta tìm thấy một quảng cáo trên mạng xã hội về việc vượt biên “hợp pháp”, chi phí dịch vụ là 5 nghìn USD, tuy nhiên, kết quả là anh ta chỉ được đề nghị bơi qua sông Tisa trong bóng tối.

Mạo hiểm như vậy, nhưng nếu có sang được bên kia biên giới, thì với những động thái như kiểu của Hạ viện Ba Lan, những người vượt biên Ukraine sẽ phải tiếp tục sống trong sự thiếu thốn, cô đơn và thấp thỏm lo lắng việc bị đẩy ngược trở lại.