Trải qua nhiều khó khăn, người đàn ông bại não ở đông nam Trung Quốc đã trở thành chủ một doanh nghiệp sản xuất giấy đạt doanh thu hàng năm 1,5 triệu USD.

Có trụ sở tại Tô Châu, Giang Tô, Công ty Sản phẩm Giấy Yuanyue của ông Lu Hong (Lục Hồng) 42 tuổi, đạt doanh thu hàng năm là 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu đô la Mỹ). Trong số 42 công nhân của công ty, 24 người bị các khuyết tật thể chất khác nhau.

Một khởi đầu khó khăn

Sau một cơn sốt khi mới 10 tháng tuổi, ông Hồng đã mắc chứng bại não, đây là chứng bệnh mà trong đó một hoặc nhiều phần của bộ não bị tổn thương khiến người bệnh không thể cử động các cơ của mình một cách bình thường.

Khi đi trên đường, cậu bé Hồng phải vật lộn để di chuyển và duy trì trạng thái cân bằng khiến cho người đi đường chỉ trỏ, bàn tán. Ông Hồng nhớ lại “Tôi nhận ra rằng họ đang nhìn tôi với thái độ khinh thường và chế giễu”.

Ông Hồng khi còn nhỏ (ảnh chụp màn hình SCMP).

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, cha mẹ Hồng đã gửi ông đến một trường dạy nghề. Nhưng sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, ông vẫn không xin được việc vì lý do ông là người khuyết tật. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn này, ông kể “Một giám đốc nhà máy nói với mẹ tôi, khi tôi đang có mặt [ở đó]. ‘Hãy nhìn cậu ấy kìa. Cậu ấy có thể làm gì? Tôi nuôi con chó tốt hơn cậu ấy.’ Lúc đó đang là mùa hè, nhưng tôi cảm thấy giá lạnh vì những gì ông ấy nói”.

Lần khác, ông Hồng đến nộp đơn xin vào một nhà máy khác, người bảo vệ ở lối vào đã tưởng nhầm ông là một người ăn xin. Lúc đó, ông Hồng cảm thấy bị sỉ nhục.

Nhưng cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, ông cũng tìm được công việc làm tại một xưởng gói bánh trung thu. Vài năm sau, khi nền kinh tế tư nhân bùng nổ, ông Hồng bỏ công việc này để thành lập doanh nghiệp của riêng mình, đó là một quầy sửa chữa xe đạp trên phố.

Bước trên con đường thành công vẫn không quên giúp đỡ người khác

Giỏi về thời cơ kinh doanh, nên sau đó ông Hồng bắt tay vào nhiều công việc khác nhau như bán báo và tạp chí, cho thuê điện thoại cố định, cho thuê đĩa phim, sửa chữa máy tính và mở quán internet. Ngoài ra ông còn mở studio và mở một cửa hàng trực tuyến.

Ông Hồng cho biết mình thích trò chuyện với khách hàng trên internet vì họ sẽ không để ý đến tình trạng khuyết tật của ông. “Họ có thể nghĩ rằng họ đang trò chuyện với một doanh nhân thành đạt,” ông cười nói.

Năm 2017, ông thành lập công ty chuyên sản xuất máy tính xách tay và văn phòng phẩm. Từ một xưởng vài nhân công, giờ đã trở thành nhà máy rộng 1.000m2, với 42 nhân viên.

Ông Hồng đánh giá rất cao những nhân viên khuyết tật. Ông nói: “Họ rất khó để tìm được việc làm, [nên] họ sẽ cống hiến 120/100 để nỗ lực làm việc. Họ có vấn đề ở một số khía cạnh, nhưng ở một số khía cạnh khác, họ thể hiện không tệ chút nào”.

Ông nêu ví dụ về một công nhân bị liệt cánh tay phải: “Sau những nỗ lực không ngừng, ông ấy có thể gõ 80 ký tự [tiếng Trung] mỗi phút [bằng tay trái],” Ông Hồng nói và cho biết thêm người này là nhân viên dịch vụ khách hàng được đánh giá cao nhất tại công ty của ông.

Trong đại dịch COVID-19, công ty ông Hồng đã bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên ông cho biết mình đã dẫn dắt công ty thoát khỏi thời kỳ suy thoái bằng cách phát triển các sản phẩm mới.

Ông Hồng chia sẻ “Tôi nghĩ rằng ông Trời đã có an bài tuyệt vời dành cho tôi. Tôi có cuộc sống tuyệt vời hơn những người khác. Ông trời không chỉ cho tôi kiếm tiền mà còn cho tôi đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ mình là một người có ích”.

Theo SCMP