Theo thống kê, trước khi bị tẩy chay vì đăng ‘đường lưỡi bò’, trung bình người tiêu dùng Việt Nam bỏ ra ít nhất 3 tỷ đồng/ngày để mua sắm tại H&M.

Thống kê của VietnamFinance (Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam) cho hay, H&M bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên ở Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP. HCM) vào ngày 9/9/2017. Chỉ trong ngày đầu ra mắt, có khoảng 12.000 lượt khách hàng tới tham quan, mua sắm.

Hai tháng sau, H&M mở tiếp cửa hàng thứ hai, đặt tại Hà Nội. Ở ngày đầu khai trương, cửa hàng thu hút 14.000 lượt khách.

Trên đà thắng lợi, H&M đã nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên con số 12, bao gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 ở TP. HCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Hạ Long.

Cùng với đà tăng của số lượng cửa hàng, doanh thu H&M tại thị trường Việt Nam liên tục khởi sắc. Vẫn theo tin từ VietnamFinance, ban đầu đăng ký vốn điều lệ ở Việt Nam chỉ ở mức 22,75 tỷ đồng, chỉ sau 4 tháng, doanh số của H&M đã đạt 227 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017.

Ở năm kế tiếp, doanh thu hãng tăng hơn 3 lần cùng kỳ, vượt hơn 762 tỷ đồng; đến năm 2019, con số này đứng ở mức 1.116 tỷ đồng.

Tính trung bình người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ ra ít nhất 3 tỷ đồng mỗi ngày cho hoạt động mua sắm tại H&M (năm 2019).

Dù vậy, báo cáo tài chính của H&M cho thấy, với các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đắt đỏ, hãng thời trang này chỉ có lãi vẻn vẹn hơn 10 tỷ đồng trong năm đầu đến Việt Nam. Trong năm 2018, lãi 11,3 tỷ đồng. Năm H&M ghi nhận lãi gần 57 tỷ đồng tại thị trường Việt.

Cú ngã khó đỡ tại thị trường Việt

Ngày 2/4, chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc cho biết H&M đã đồng ý sửa đổi bản đồ Trung Quốc, sau khi chính quyền thành phố này đưa ra yêu cầu.

Phía chính quyền Trung Quốc cho rằng bản đồ của H&M đăng tải ban đầu “có vấn đề”. Sau khi bị phía Trung Quốc cảnh báo, H&M đã sửa lại.

Trên trang fanpage có 39 triệu người theo dõi của H&M, nhiều người Việt lên tiếng phản đối hành vi đăng bản đồ phi pháp của nhãn hàng. Ảnh chụp màn hình Facebook.

Trái với sự hài lòng của Trung Quốc, hành động cúi mình của H&M nhận phải sự phản ứng đồng loạt và mạnh mẽ từ người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, hàng loạt sao Việt, người nổi tiếng đã lên tiếng tẩy chay thương hiệu này.

Theo VTV, trên fanpage của H&M Việt Nam, hầu như các bài đăng gần đây đều có hàng chục nghìn lượt bày tỏ phẫn nộ.

H&M là một trong những thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng trên thế giới với các sản phẩm may mặc và phụ kiện thời trang, được thành lập tại Thụy Điển vào năm 1947. Ban đầu chỉ là một cửa hàng bán lẻ ở Västerås, Thụy Điển, nhưng sau một thời gian, thương hiệu này đã nhanh chóng phát triển thành một trong những tập đoàn thời trang lớn mạnh thế giới với nhiều chi nhánh và quy mô gần 4000. Thương hiệu này hợp tác với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới như như Karl Lagerfeld (Chanel), Stella McCartney… hay những ngôi sao nổi tiếng như Madonna, Kylie Minogue.