Site icon MUC News

Nguyễn Đức Cần: Lương y siêu phàm mà khoa học vẫn chưa thể lý giải

lương y

Ảnh cụ Nguyễn Đức Cần chữa bại liệt cho ông Vũ Hữu Hiếu (bác sĩ bệnh viện Quân y 108).

Khoa học thực chứng hiện đại sau 400 năm phát triển đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. Nhưng cũng có vô số vấn đề mà khoa học thực chứng không thể giải thích. Để tìm hiểu những vấn đề đó, cần có một thái độ cởi mở và khiêm tốn học hỏi. Lần đầu nghe thông tin về khả năng chữa bệnh siêu phàm của cụ Nguyễn Đức Cần, rất nhiều người coi đó là mê tín, nhưng trước những bằng chứng thuyết phục, họ đã phải thay đổi quan điểm của mình.

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin – Bộ VHTT và Du lịch đã tái bản lần thứ 3 cuốn sách “Nguyễn Đức Cần  – Nhà văn hóa tâm linh”. Cuốn sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và Nguyễn Đức Tài là tác giả, đã hé lộ những thông tin kỳ lạ nhưng cũng vô cùng chân thực về lương y Nguyễn Đức Cần (1909 – 1983) – một người có khả năng trị bệnh siêu phàm.

Gia thế giàu sang nhưng lại thích cuộc sống thanh bần

Cụ Nguyễn Đức Cần sinh vào đêm 30 Tết Kỷ Dậu (1909), tại Làng Đại Yên, thuộc Tổng Nội của kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Cụ là con thứ năm của cụ bà Hoàng Thị Khế và cụ ông Nguyễn Đức Nhuận – một thương nhân có tiếng ở Hà Thành, phó Chánh tổng Thập tam trại (13 làng nghề phía tây Kinh thành Thăng Long).

Các cụ già trong làng kể lại rằng: Khi bà cụ Khế sinh người con trai thứ năm này vào đêm 30 Tết, thì đêm hôm ấy trời bỗng sáng trưng như có trăng rằm.

Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, cậu bé Nguyễn Đức Cần đã tỏ rõ thiên hướng của mình, không thiết gì đến dinh cơ cũng như sự giàu sang của gia đình mà bao người khác mơ ước.

Cụ Nguyễn Đức Cần (ảnh: Internet).

Người thầy đầu tiên

Năm 1923, cụ Tổng ông Nguyễn Đức Nhuận lâm bệnh nặng, trong bụng nổi lên một cái u to như quả trứng, chạy lung tung trong bụng và gây đau đớn, chữa chạy thế nào cũng không khỏi.

Sau bao ngày lặn lội ngược xuôi, cụ Tổng bà đã mời được một vị Thầy về làng. Không hiểu ông thầy đó chữa bệnh như thế nào, nhưng chỉ sau vài hôm thì cụ Tổng ông đã khỏi bệnh. Thật là một sự thần kỳ. Nhưng điều mà gia đình cụ càng thêm khâm phục là vị Thầy đó không nhận tiền thù lao chữa bệnh, mà chỉ nói là chữa bệnh làm phúc.

Thấy vị thầy là một người tài giỏi, lại là một người đạo cao đức trọng, gia đình quyết định xin cho con theo thầy, vừa để trả ơn thầy, vừa để con theo thầy học Đạo, lúc đó cậu học sinh Nguyễn Đức Cần đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

Mười bốn tuổi, Nguyễn Đức Cần khăn gói theo thầy học Đạo. Cậu được thầy truyền dạy võ nghệ, xem thiên văn – địa lý, các phép hấp thụ khí trời đất và cách chữa bệnh bằng khí công…

Nguyễn Đức Cần từ giã thầy và “xuống núi” năm 1934.

Cụ Nguyễn Đức Cần và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (ảnh: Internet).

Người thầy thứ hai

Giai đoạn sau năm 1946, cụ Nguyễn Đức Cần gặp người thầy thứ hai từ pháp môn Phật gia ở Thái Nguyên. Vị thầy thu nhận 7 đệ tử, 3 nữ, 4 nam – trong đó có Nguyễn Đức Cần.

Vị sư phụ này có đến 79 môn tuyệt kỹ khác nhau như võ thuật, thuật xem số, di chuyển giữa các không gian, chữa bệnh… nhưng ông chỉ truyền cho các đệ tử mỗi người một số môn khác nhau tùy theo sở thích hay lựa chọn của họ.

Trước khi các học trò xuống núi, vị thầy tổ chức thi “tốt nghiệp”, Nguyễn Đức Cần là người đứng đầu trong tất cả các đệ tử.

Khả năng trị bệnh siêu phàm

Cuốn sách “Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh” (ảnh: Internet).

Từ năm 1940, Nguyễn Đức Cần đã bắt đầu chữa bệnh, lúc đầu chủ yếu dành cho người trong họ. Sau năm 1950, cụ bắt đầu nhận bệnh nhân rộng rãi. Nhiều người đã biết đến danh cụ, người bệnh từ nhiều nơi tìm đến cụ để xin chữa.

Cụ chữa nhiều loại bệnh như: điên, ung thư, đau dạ dày, xơ gan cổ trướng, máu trắng, thấp khớp, vẩy nến, phù thận, méo mồm, trĩ, uốn ván, cao huyết áp, tim, liệt tay, câm, điếc, hen, đẻ ngược, viêm não…

Điều đặc biệt là cụ Nguyễn Đức Cần có thể chữa bệnh mà không cần dùng thuốc và không động chạm vào cơ thể bệnh nhân. Người bệnh trực tiếp đến gặp cụ, trình bày bệnh tật của mình, nếu cụ nhận lời hoặc cụ cho một mảnh giấy có chữ ký của cụ, bệnh có thể khỏi mà không cần thuốc.

Có trường hợp người bệnh nằm ở nhà hay đang điều trị tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân đến gặp cụ xin chữa, nếu cụ nhận lời, bệnh nhân cũng có thể khỏi. Cụ có thể chữa bệnh từ xa hàng trăm km, thậm chí hàng ngàn km. Qua những năm tìm hiểu và theo dõi kết quả việc chữa bệnh của cụ, các nhà nghiên cứu thấy có 3 phương pháp chữa bệnh mà cụ thường sử dụng:

Cụ Nguyễn Đức Cần đã dùng kết hợp cả 3 phương pháp trên một cách tài tình và đạt được nhiều kết quả trong việc trị bệnh cứu người. Theo các nhà nghiên cứu, cách chữa của cụ có thể so sánh với Ấn – Phù – Chú trong Mật tông – một Pháp môn bên Phật Giáo.

Ngoài ra, cụ cũng nói rằng mình có con mắt “hai tròng”. Theo giải thích của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, cụ có con mắt thứ ba, có thể nhìn được những thứ ở không gian khác. Tác dụng của nó như máy siêu âm hoặc máy chụp X-quang, giúp cụ có thể nhìn thấu bệnh tật của bệnh nhân. Ngoài ra, nó cũng giúp cụ nhìn thấu các thông tin về người đến coi bệnh, thậm chí đọc ý nghĩ của người khác.

Có thể kể một vài ví dụ trong hàng ngàn trường hợp bệnh nhân được cụ Nguyễn Đức Cần chữa bệnh:

Bà An Thị Phú, sinh 1924, ở làng Hữu Tiệp, Hà Nội là một người cháu gọi cụ Nguyễn Đức Cần bằng chú, kể lại: “Tôi còn nhớ lúc tôi độ 15, 16 tuổi (khoảng năm 1939), tôi bị một trận sốt thương hàn, tôi bị sốt hơn 20 ngày, người gầy và mệt lắm. Chú tôi (cụ Nguyễn Đức Cần) đến nhà chữa bệnh cho tôi. Lúc đó tôi ốm nằm quay mặt vào trong, ông cụ đến chữa bệnh, không thấy cho thuốc gì cả, chỉ thấy ông cụ nói thứ tiếng gì đó. Sau đó thì tôi khỏi bệnh”.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, ở xóm Hồng, xã Khương Đình ngoại thành Hà Nội kể: vào năm 1951, vợ ông (Bà Nguyễn Thị Sở) sau khi sinh đứa cháu gái đầu lòng bị chết thì bị điên, nói năng lảm nhảm, leo cả lên cây, lội cả xuống sông Tô Lịch, gia đình đi chữa hết cả mọi nơi đến khi hết tiền mà vẫn không khỏi. Gia đình đã tìm được cụ Cần, cụ cho một mảnh giấy để làm tin và dặn để trong người bệnh nhân cho thần kinh ổn định. Ngay sau khi về nhà thì vợ ông không nói linh tinh nữa, tuy vậy người còn ngơ ngẩn. Ông Nhâm lại lên xin cụ chữa tiếp, khoảng bốn tháng sau thì vợ ông tự đi lên xin cụ chữa và chưa đến một năm thì vợ ông khỏi hẳn.

Ảnh chụp một “Tờ đạo” để chữa bệnh của cụ Cần.

Ông Nguyễn Quang Chiểu, giám đốc nhà máy cơ khí nông nghiệp, tháng 2/1982 lâm bệnh nặng phải đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chẩn đoán ông bị tắc mật, ung thư gan, di căn lên não, chỉ đợi chết mà thôi. Ngày 7/2/1982, ông Dụ, một bệnh nhân cũ của cụ Cần, đến chơi nhà ông Chiểu. Thấy tình thế khẩn cấp, ông Dụ liền cùng con ông Chiểu tới cầu xin cụ Cần cứu chữa. Cụ Cần cho một tờ giấy có chữ ký của cụ mang về. Gia đình ông Chiểu đã hóa tờ giấy đó ngay trước phòng hồi sức. Vừa hóa xong thì ông Chiểu hé mở được mắt và cơ thể ấm dần lên. Nhờ ơn cụ Cần, ông Chiều từ chỗ chẳng còn hy vọng nào sống được, đã bình phục, đã ăn được cơm, đi lại được…

Trong bức ảnh dưới, cụ Nguyễn Đức Cần đang điều khiển chữa bệnh liệt tay cho trung tá, bác sĩ Vũ Hữu Hiếu ở Viện quân y 108, bị bệnh nhũn não, một bên cánh tay bị liệt, đã đi chữa tại Liên Xô (cũ) nhưng không khỏi. Khi ông Hiếu lên gặp Cụ Nguyễn Đức Cần xin chữa bệnh, cụ đã điều khiển ngay tại chỗ cho ông Vũ Hữu Hiếu giơ bên tay bị liệt lên.

Ảnh cụ Nguyễn Đức Cần chữa bại liệt cho ông Vũ Hữu Hiếu (bác sĩ bệnh viện Quân y 108).

Thiếu tướng quân đội – nhà văn Hồ Phương, có một cô con gái 4 tuổi bị khối u ở chân, rất đau và chữa không khỏi. Ông chở con lên gặp cụ Nguyễn Đức Cần xin cụ giúp, cụ chỉ bảo: “Dăm hôm nữa cháu sẽ khỏi cái u thôi. Cứ về đi!…” Quả thật sau đó cháu bé đã khỏi bệnh.

Nguyễn Đức Cần cả đời tuân theo tiêu chuẩn của người tu Đạo

Cụ Nguyễn Đức Cần kể lại: Khi học đạo, vị Thầy dạy muốn thành đạo cứu đời, có thể phải chịu ba điều: nhất bần, nhị yểu, tam vô tự. Nhất bần, là phải chịu cảnh nghèo khó, phải rèn luyện, phải chịu khổ, có khổ cực thì mới biết thương đến người dân nghèo.

Nhị yểu là gì? Yểu là đoản mệnh, chết non, chết bất đắc kỳ tử. Đó là một việc kinh hãi trong tu đạo. Vì phàm làm người ai cũng cầu sống lâu. Nhưng Tạo Hóa chẳng cho ai không điều gì. Nhân-quả là quy luật, muốn giúp người bệnh khỏi đau đớn, thì người giúp phải gánh thay những đau đớn đó. Trong quá trình tu đạo để cứu người, cụ Nguyễn Đức Cần đã phải trải qua biết bao đau đớn của những căn bệnh, để tìm ra căn nguyên của bệnh và có phương pháp điều trị. Đó là một việc vô cùng nguy hiểm, có thể đánh đổi cả mạng sống của mình.

Tam vô tự là gì? Vô tự là trong gia đình không có người kế tự, hương khói. Đó cũng là một việc vô cùng đau đớn. Người ta nói tu là việc để phúc cho con cháu. Nhưng muốn cứu đời là phải xả thân, phải hy sinh bản thân và gia đình.

Tuy vậy, cụ Nguyễn Đức Cần vẫn sống đến 74 tuổi và có nhiều con cháu. Điều này chứng tỏ cụ đã thực hiện rất nghiêm túc yêu cầu của một người tu Đạo.

Gia đình cụ Nguyễn Đức Cần (ảnh: Internet).

Trong suốt nhiều năm, cụ Nguyễn Đức Cần đã cứu giúp hàng nghìn người, nhưng cụ chưa từng lấy một đồng tiền thù lao hay một món quà nào từ bệnh nhân. Cụ luôn tự lao động để nuôi sống bản thân và gia đình, hoàn toàn không dựa vào sự hỗ trợ của bất kỳ ai.

Không chỉ luôn hết lòng vì bệnh nhân mà cụ Nguyễn Đức Cần còn luôn dặn dò bệnh nhân:

Cụ chữa bệnh cho có sức, khỏe thì về làm ăn lương thiện, chân chính, đừng làm các việc phi pháp, cần phải sống cho có đạo đức.

Đi xa hơn nữa, cụ Cần nói kết quả chữa bệnh còn tùy thuộc vào đạo đức người bệnh. Cụ chỉ nhận chữa giúp những người có đạo đức, những người không có đạo đức, cụ đều không nhận giúp. Cụ Cần cho rằng vốn tồn tại “thân bệnh” và “nghiệp bệnh”. “Thân bệnh” (là các biểu hiện bệnh tật phát ra ở thân thể) thì có thể chữa khỏi, nhưng “nghiệp bệnh” (nghiệp là các khối vật chất tích tụ ở sinh mệnh con người do làm việc xấu trong quá khứ) thì không thể, nên cụ thường không nhận trường hợp “nghiệp bệnh”. Cụ cũng cho rằng “chữa được bệnh, không chữa được mệnh”, cụ chỉ giúp kéo dài thêm ngày nào hay ngày ấy, và tốt là bớt đau đớn, “đi” thanh thản.

Ngay cả vào năm 1955-1956, khi bị đấu tố, bị quy kết là địa chủ, bị quy kết là phản động và phải đi cải tạo oan, cụ Nguyễn Đức Cần vẫn luôn nhẫn nhịn, không ca thán và thản nhiên vượt qua hoạn nạn vì cụ biết rằng đó là “nghiệp” trong quá khứ mà mình cần phải trả.

Sự công nhận của chính quyền và giới khoa học

Cụ Nguyễn Đức Cần được coi là “Nhà ngoại cảm’’ đầu tiên của nước ta. Đầu năm 1974, được phép của Ủy ban khoa học nhà nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã đến Đại Yên gặp cụ Cần để nghiên cứu phương pháp chữa bệnh bằng khí công của cụ.

Ngày 26/4/1974, ông Hải đã báo cáo vấn đề này theo yêu cầu của Bộ Công an. Tại buổi báo cáo, bộ trưởng Bộ công an Trần Quốc Hoàn đã phát biểu: “Việc chữa bệnh của cụ là có cơ sở khoa học, trước đây tôi cũng có khả năng này, nhưng do tham gia cách mạng, nếu không tôi cũng có khả năng chữa một số bệnh như cụ Cần”.

Ngày 30/4/1974 có thể gọi là ngày đánh dấu của Khoa học ngoại cảm ở Việt Nam, các cơ quan chức năng đã tiến hành quay phim hai ca chữa bệnh của cụ, các bác sĩ phản biện đã phát biểu công nhận việc chữa bệnh của cụ đã có kết quả ban đầu. Sau này, ngày càng có nhiều người nghiên cứu và công nhận về khả năng trị bệnh siêu phàm của cụ:

Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, Chủ nhiệm khoa đầu tiên của Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp đã phát biểu: “Cụ Nguyễn Đức Cần có một khả năng kỳ diệu và phương pháp chữa bệnh hoàn toàn mới và rất thần tình, mặc dầu chưa giải thích được, là một tồn tại khách quan, không thể phủ nhận được.”

Giáo sư triết học Vũ Khiêu, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, người từng cho rằng hiện tượng của cụ Cần là “mê tín” đã phải rút lại nhận xét của mình và nhận định:

“… Cụ đã để lại cho dân tộc ta sự nhận thức về sức mạnh kỳ lạ của tâm linh. Thành công của Cụ nếu được các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu có thể khẳng định tiềm năng vô tận của con người Việt Nam… Xã hội loài người là một xã hội kép, một xã hội có thể phân đôi thành hai xã hội cùng tồn tại và tác động qua lại với nhau: một xã hội tâm linh và một xã hội trần thế. Loài người từ xưa hoặc không thấy được hoặc thấy không sâu sắc sự tồn tại song song và mối quan hệ giữa hai xã hội ấy trong tổng thể đời sống của con người…”

“Có những người đứng trước những hiện tượng lạ kỳ ấy đã không giải thích được sự thần bí của nó và ngày càng bổ sung vào tính chất thần bí ấy những ảo tưởng của chính mình. Còn có những người nhân danh chủ nghĩa duy vật, đã tầm thường hóa chủ nghĩa duy vật, rồi dựa vào nó để phản bác mọi hiện tượng coi như thần bí ấy và cản đường những ai muốn tìm hiểu tâm linh. Do đó, họ đã bỏ qua và làm lãng phí những tiềm năng vô tận của con người và gạt bỏ những di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta.”

Lăng mộ của Nguyễn Đức Cần ở Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội (ảnh: Internet).
Lăng mộ và tượng của cụ Nguyễn Đức Cần (ảnh: linhnghiem.vn).

Theo quyển “Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh” – Nguyễn Phúc Giác Hải, Nguyễn Tài Đức, NXB Văn Hóa Thông tin, 2009”.

Theo Trí Thức VN/Thiện Tâm tổng hợp