Nhà hoạt động nhân quyền, kiêm nhà báo Anh Quốc Benedict Rogers, đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực trước ngày Giáng sinh; trong khi gửi lá thư công khai tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Rogers đăng bức ảnh chup lá thư trên Twitter; và cho biết: “Tôi bắt đầu cuộc tuyệt thực 24 giờ trước ngày Giáng sinh, sẽ kết thúc vào ngày Giáng sinh”.

Trong thư, ông liệt kê hàng loạt vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người dân Trung Quốc và thế giới tự do.

10 yêu cầu đối với Tập Cận Bình và ĐCSTQ

Trong bức thư công khai bằng tiếng Anh và tiếng Trung, ông Rogers đã liệt kê 12 yêu cầu; trong đó có 10 yêu cầu đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ĐCSTQ. Ngoài ra, còn có 2 yêu cầu đối với thế giới tự do.

10 yêu cầu đối với giới chức Trung Quốc bao gồm:

  • Trả tự do cho Hồng Kông và tất cả các tù nhân chính trị ở Hồng Kông, đặc biệt là Jimmy Lai, Hoàng Chi Phong, Châu Đình, Ivan Lam và 12 thanh niên Hồng Kông bị giam ở Thâm Quyến.
  • Chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ
  • Chấm dứt các hành vi tàn bạo ở Tây Tạng
  • Chấm dứt đàn áp Cơ đốc nhân và Pháp Luân Công ở Trung Quốc
  • Chấm dứt thu hoạch nội tạng cưỡng bức
  • Trả tự do cho Quế Mẫn Hải, công dân Thụy Điển gốc Hoa bị bắt cóc từ Thái Lan và đang chịu án tù 10 năm ở Trung Quốc
  • Trả tự do cho Michael Kovrig và Michael Spavor, hai con tin Canada bị giam giữ ở Trung Quốc
  • Trả tự do cho Li Ming Che, một nhà hoạt động nhân quyền người Đài Loan bị cầm tù ở Trung Quốc
  • Chấm dứt sử dụng lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và “không được hoạt động thương mại theo kiểu diệt chủng”
  • Chấm dứt hoạt động tra tấn ở Trung Quốc

Trong danh sách, nhà hoạt động Rogers cũng đưa ra 2 lời kêu gọi dành cho thế giới tự do. Đó là “Hãy chấm dứt tình trạng bắt nạt của ĐCSTQ” và “chống lại thói bắt nạt của ĐCSTQ”.

Thư gửi “Tất cả những người phải chịu ách cai trị bạo ngược của ĐCSTQ”

Ông Rogers cũng công bố một lá thư khác gửi “Tất cả những người phải chịu ách cai trị bạo ngược của ĐCSTQ“.

Lá thư viết: “Ngoài tất cả các tù nhân lương tâm trên khắp Trung Quốc, còn có những bi kịch lớn khiến tâm hồn và lương tri của tôi thao thức mỗi đêm: Đó là cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ; sự tàn bạo ở Tây Tạng; các cuộc đàn áp đối với Cơ Đốc nhân, các học viên Pháp Luân Công và các tín ngưỡng khác; cuộc đàn áp đối với xã hội dân sự, các luật sư, các blogger, các nhà báo, những người tố giác và những người bất đồng chính kiến; những vi phạm lời hứa và việc phá hoại tự do ở Hồng Kông; nạn mổ cướp nội tạng tàn bạo; nạn tra tấn và lao động nô lệ. Tất cả những điều này phải chấm dứt”.

“Cuối cùng, tôi muốn thức tỉnh thế giới. Chế độ mà Tập Cận Bình lãnh đạo không chỉ đàn áp người dân của họ; mà còn đe dọa thế giới tự do. Nhưng chúng ta không thể cho phép điều này tiếp diễn”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICs tại Nam Phi ngày 26/7/2018 (ảnh: Flickr).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICs tại Nam Phi ngày 26/7/2018 (ảnh: Flickr).

Ông Rogers bình luận: “Chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc là một kẻ bắt nạt; và có một điều mà mọi đứa trẻ trên thế giới đều biết trong sân chơi trường học: Đó là cần đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt”.

Nam tước Alton: Nhiều người ủng hộ những ai phơi bày vi phạm của ĐCSTQ

Nam tước David Alton của Vương quốc Anh đã chia sẻ những lá thư của ông Rogers trên trang web cá nhân.

Nam tước bình luận: “Nhiều người sẽ ủng hộ Benedict Rogers và tất cả những ai phơi bày tình trạng vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Nhà hoạt động nhân quyền người Anh Quốc Benedict Rogers
Nhà hoạt động nhân quyền người Anh Quốc Benedict Rogers (ảnh: Website của Nam tước David Alton).

Ông Rogers là thành viên của Hiệp hội yêu cầu Trung Quốc “Chấm dứt Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ” và Liên hiệp quốc tế ETAC yêu cầu chấm dứt cấy ghép tạng phi pháp ở Trung Quốc.

Ông Rogers còn là nhà sáng lập Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh Quốc, thành viên ban cố vấn của Liên minh Liên Nghị viện đối phó với Trung Quốc (IPAC), Chủ tịch Tổ chức Theo dõi Hồng Kông, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Á tại Tổ chức Đoàn kết Cơ Đốc Toàn cầu (CSW).