Cày nát 7 tuyến đường của người dân để xây cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá hơn 34.000 tỷ đồng, sau gần 10 năm, nhà thầu Trung Quốc vẫn chây ì việc sửa chữa bồi hoàn.
Khởi công từ năm 2013, với số vốn rất lớn – hơn 34.000 tỷ đồng; đến nay, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vẫn còn tồn đọng nhiều hạng mục chưa được giải quyết. Một trong những nguyên nhân đến từ thái độ thiếu trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án.
Gần 10 năm tráo trở của nhà thầu Trung Quốc
Vào năm 2014, khi làm đoạn tuyến đi qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi dài 12,3km (thuộc đoạn Km65 – Km139+204), nhà thầu thi công gói thầu A3 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) xin “mượn” 4 tuyến đường huyện và 3 tuyến đường xã của địa phương để chở vật liệu xây dựng. Lúc mượn, nhà thầu Trung Quốc hứa là hạn cuối vào năm 2017 sẽ sửa chữa, hoàn trả 7 tuyến đường dân sinh này cho địa phương và người dân.
Tuy nhiên, nhà thầu này sau khi thi công cao tốc xong đã rút đi, để lại “đống bầy hầy”- theo cách gọi của báo Tuổi Trẻ. 7 tuyến đường dân sinh bị phá nát, chi chít ổ gà, ổ voi…
Từ năm 2017-2019, VEC – chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn nhiều lần “xuống nước”, chấp nhận lùi thời gian, hỗ trợ phương tiện thi công để nhà thầu Trung Quốc làm lại đường, nhưng bị nhà thầu Giang Tô lờ đi.
Đường quá tệ, nên từ năm 2019 đến năm 2021, huyện nghèo này phải chi từ ngân sách 15,6 tỷ đồng làm mới gần 4km đường vì hư hỏng quá nặng, không thể sửa chữa.
Trách nhiệm của VEC
Trong một báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải mới đây, nhà thầu Giang Tô vẫn chưa hoàn thành việc sửa chữa, hoàn trả 7 tuyến đường nói trên.
Đến nay, nhà thầu Trung Quốc mới sửa chữa, hoàn trả 0,6km/1,0km của 01/07 tuyến đường, khối lượng còn lại chưa được thực hiện, báo cáo của Bộ GTVT cho biết.
Cả chủ đầu tư và lãnh đạo địa phương cũng không chắc chắn được rằng, bao giờ nhà thầu Giang Tô mới thực hiện tiếp phần trách nhiệm của mình. Trong khi nhà thầu này lấy cớ Trung Quốc đóng cửa phòng dịch Covid-19, chưa thể sang Việt Nam để làm lý do cho sự chây ì.
Về phía VEC – chủ đầu tư, đơn vị này đang được đặt câu hỏi về năng lực giải quyết vấn đề nêu trên trên, cũng như các vướng mắc khác trên tuyến cao tốc hơn 1 tỷ USD này.
Trong một bài viết trên báo Giao Thông, lãnh đạo VEC cho biết, sẽ cố gắng để cuối năm 2023, đầu năm 2024 giải quyết hết các vấn đề tồn đọng.
“Nếu thỏa thuận thành công, trường hợp nhà thầu chưa thể đến thực hiện công tác thi công hoàn trả và thực hiện các hạng mục liên quan, VEC sẽ bố trí vốn làm trước. Sau đó, nhà thầu chi trả phần vốn VEC đã ứng để hoàn thành công việc vốn thuộc trách nhiệm của họ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt, tránh sự bức xúc kéo dài trong dư luận”, vị lãnh đạo này nói.
Theo ước tính, chi phí hoàn thành các hạng mục còn tồn đọng tại tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Bạn đọc xem thêm: