Chủ tịch Hạ viện Mỹ – bà Nancy Pelosi đã không đề cập đến Đài Loan trong chuyến thăm 4 nước châu Á của bà. Ít ai biết rằng, tình báo Nga từng tiết lộ Trung Quốc dự định tấn công Đài Loan vào mùa thu này. Liệu chuyến đi của bà Pelosi vào tháng 8 (nếu có), có phải là thời điểm chín muồi để ĐCSTQ đẩy nhanh tham vọng đó…

Pelosi chưa đến Đài Loan, Trung Quốc hô hào chiến tranh

Theo Theguardian, phái đoàn của bà Nancy Pelosi xác nhận tới thăm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trước đó, Reuters đưa tin bà Pelosi có ý định thăm Đài Loan, điều này đã gây ra phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Ngày 26/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức yêu cầu Mỹ hủy chuyến thăm. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng chuyến đi của “người đứng thứ ba trong chính phủ Mỹ” đến Đài Loan là vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc”.  

Hôm 29/7, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Thời báo Hoàn cầu đã đăng một thông điệp đặc biệt cứng rắn: “Hãy sẵn sàng cho chiến tranh!”, để đáp lại chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan.

Theo Thời báo Hoàn cầu, bài báo này đã khích lệ “tinh thần cao trong binh lính Trung Quốc”, và thu hút hơn 300.000 lượt thích chỉ trong vòng 12 tiếng. 

Trước đó, cựu TBT tờ Thời báo Hoàn cầu là ông Hồ Tích Tiến còn tweet rằng:

“Nếu máy bay chiến đấu của Mỹ hộ tống máy bay chở bà Pelosi đến thăm Đài Loan, đó sẽ là một hành động xâm lược. PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ) có quyền cưỡng chế xua đuổi máy chở bà Pelosi và máy bay chiến đấu của Mỹ, bao gồm bắn cảnh cáo để ngăn cản, xua đuổi. Nếu không hiệu quả, thì sau đó có thể bắn hạ chúng”. 

Bình luận hiếu chiến của cựu TBT Thời báo Hoàn cầu về việc Bắc Kinh sẽ xem xét “tất cả các lựa chọn, bao gồm cả các lựa chọn quân sự”. (Ảnh chụp màn hình)

Các tuyên bố hiếu chiến của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý từ dư luận Mỹ, về khả năng Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan. 

Theo Thehill, cựu Tổng thống Trump hôm thứ Sáu đã chỉ trích chuyến đi dự kiến ​​của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng, “bà ấy sẽ chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn”. “Tất cả những gì bà ấy đụng vào đều chuyển sang trạng thái Hỗn loạn, Gián đoạn và Tệ hại”.

Các nhà quan sát Mỹ còn đi tới nhận định chung rằng, nếu Trung Quốc đáp trả một cách quyết liệt – không chỉ giới hạn như các cuộc tập trận thông thường (đang diễn ra ở Biển Đông) – thì sẽ có rất ít khả năng chính quyền Joe Biden đối phó ngay được.

Bởi lẽ tình huống này liên quan đến việc Mỹ phải đối đầu trực tiếp với hai cường quốc, trên hai mặt trận chính Âu-Á, nếu xem xét đến tình hình Ukraine hiện nay.

Trung Quốc lên kế hoạch thôn tính Đài Loan sớm nhất có thể

Theo Newsweek,  một vụ rò rỉ thông tin tình báo của Nga vào năm 2021 hé lộ ĐCSTQ đã lên kế hoạch thôn tính Đài Loan sớm nhất vào mùa thu 2022.

Thông tin từ Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) hiện vẫn chưa được xác minh, nhưng lại trùng hợp với việc hải quân Trung Quốc đang tăng cường hoạt động trong khu vực, cùng với những lời lẽ gây hấn mạnh hơn mức bình thường đối với Đài Loan.

Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine có lẽ đã khiến kế hoạch xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ phải tạm thời dừng lại. Nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh hủy bỏ kế hoạch này.

Giới quan sát nhận định, việc Nga và Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận hải quân chung xung quanh Nhật Bản và Đài Loan gần đây, cho thấy Đài Loan có khả năng sẽ trở thành điểm nóng thứ hai sau Ukraine. 

Việc Nga-Trung ký thỏa thuận “hợp tác không giới hạn”, cho thấy các hoạt động của “liên minh” này có thể mở rộng về phía bắc đến Biển Nhật Bản, nơi Trung Quốc và Nga sẽ tìm cách vô hiệu hóa phản ứng của quân đội Mỹ đóng tại các căn cứ quân sự gần đó. 

Trung Quốc duy trì lực lượng hải quân chính thức và "hải quân ngầm" ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình video Youtube).
Trung Quốc duy trì lực lượng hải quân chính thức và “hải quân ngầm” ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình video Youtube).

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan như một sự phô trương lực lượng. 

Việc Mỹ cùng các đồng minh có quyết tâm bảo vệ Đài Loan đến cùng hay không, cũng phải xét đến các lợi ích của Mỹ và phương Tây ràng buộc với Trung Quốc ở mức độ nào, đặc biệt dưới thời chính quyền Joe Biden. 

Trung Quốc chờ thời điểm chín muồi

Chưa khi nào mà truyền thông ĐCSTQ lại hung hăng đến vậy trong vấn đề về Đài Loan. Có thể thấy hòn đảo này đang trở thành điểm nóng của thế giới. Giới quan sát cho rằng, ĐCSTQ đang chờ thời điểm thích hợp để ra tay thôn tính Đài Loan, khi hội tụ các điều kiện sau:  

  1. Thời tiết

Thời điểm là một vấn đề cần cân nhắc đối với Trung Quốc. Các chu kỳ thời tiết ở eo biển Đài Loan, với những cơn bão biển nguy hiểm thường xuyên quét qua khu vực này đã cản trở kế hoạch tấn công của hải quân Trung Quốc.

Thời tiết khắc nghiệt ở eo biển Đài Loan có thể gây nhiễu radar, làm gián đoạn thông tin liên lạc, hạn chế tầm nhìn ban đêm, gây khó khăn cho máy bay không người lái và hỗ trợ trên không… Tất cả những điều này khiến chuỗi tấn công xâm lược đảo Đài Loan của Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp và rủi ro hơn rất nhiều.  

Tuy nhiên tháng 9 và tháng 10 là thời điểm then chốt, khi thời tiết trên biển thuận lợi nhất cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc. 

Điều ngạc nhiên là bà Pelosi lại lên kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 8 và ĐCSTQ đã cảnh Mỹ không nên “đùa với lửa” trong cuộc điện đàm dài hơn 2 tiếng giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Joe Biden. Liệu đây có phải là cái cớ để Trung Quốc lấn lướt thu hồi Đài Loan?

Ngay cả tình báo Nga cũng tiết lộ là Trung Quốc có kế hoạch tấn công hòn đảo vào mùa thu này. Thời điểm này cũng rất gần với điều kiện thời tiết chín muồi cho một cuộc tấn công của Trung Quốc vào tháng 9 hoặc tháng 10.

2. Bất ổn kinh tế – xã hội tại Mỹ và châu Âu

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chơi trò mèo vờn chuột, thậm chí có thể “kiên nhẫn” bằng cách chờ đợi tình hình bất ổn tại Mỹ xảy ra. 

Hiện nay, kinh tế Mỹ và châu Âu đang đà suy giảm mạnh cùng với lạm phát nghiêm trọng, do hậu quả từ chính các lệnh trừng phạt Nga. 

Phải chăng các quan chức Mỹ và EU đang cố tình loại bỏ năng lượng giá rẻ của Nga, bất chấp người dân phải hứng chịu, để phục vụ cho mục đích chính trị hơn là sự an nguy của dân chúng? (Ảnh tổng hợp)

Thêm nữa, cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu với 4 chính phủ phải từ chức, cùng chỉ số tín nhiệm thấp của chính quyền Biden cũng khiến Mỹ và đồng minh khó có khả năng ứng phó với hai cuộc xung đột cùng lúc với 2 đối thủ mạnh là Nga và Trung Quốc. 

  1. Khoảng cách địa lý

Nếu Trung Quốc phát động cuộc xâm lược Đài Loan thì nó có thể sẽ tiến triển kịch bản giống như ở Ukraine.

Nhiều kênh truyền thông thế giới cho rằng, nếu phát động tấn công Đài Loan, Trung Quốc có thể sẽ bị Mỹ và châu Âu trừng phạt về kinh tế và răn đe về quân sự. 

Tuy nhiên có một thực tế, Trung Quốc nằm ngay cạnh hòn đảo Đài Loan, cũng như Nga tiếp giáp với vùng Donbass của Ukraine.

Trung Quốc nhiều lần đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, học giả Narang đã chỉ ra 8 lý do Trung Quốc không tấn công Đài Loan (ảnh chụp báo Nikkei Asia).
Trung Quốc nhiều lần đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực. (ảnh chụp báo Nikkei Asia).

Về mặt địa lý, cả Nga và Trung Quốc có lợi thế về thời gian hơn so với Mỹ và đồng minh. Ngoài ra, các nước châu Âu đang bị eo hẹp tài chính sau đại dịch Covid-19 và lạm phát cao do khủng hoảng năng lượng. Một cuộc chiến kéo dài tại Ukraine đã khiến châu Âu mệt mỏi, đồng thời cũng tiêu hao tiền bạc lẫn tinh thần của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của chính quyền Biden

Cho nên có thể nói ĐCSTQ đang nằm im “chờ thời”. Trung Quốc là một trong những quốc gia tạo ra nhiều cơn ác mộng nhất trên hành tinh, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Nỗi ám ảnh của ĐCSTQ về một Hồng Kông và Đài Loan tự do dân chủ là điều không thể chấp nhận được. 

Khi Mỹ đang bị tiêu hao nhiều tiền của tại chiến trường Đông Âu, việc Trung Quốc có khả năng giăng bẫy để lôi Mỹ vào ‘vũng lầy’ tại Châu Á-Thái Bình Dương là một thách thức cực lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. 

Bà Pelosi thăm Đài Loan vì mục đích gì?

Một nhóm tàu tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ đang di chuyển gần Đài Loan khi căng thẳng đang tăng cao sau những lời đe dọa của Bắc Kinh. 

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình)

Trớ trêu thay, chỉ mấy năm trước, các đảng viên Đảng Dân chủ đã từng chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì đã “làm đảo lộn” mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Và giờ đây chính họ đang đi vào “vết xe” đổ.   

Không rõ liệu chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có diễn ra hay không, hoặc có thể sẽ được giữ kín cho đến khi sự kiện diễn ra. 

Theo Theguardian, chính quyền Đài Loan sẽ không bình luận về chuyến thăm của bà Pelosi, vì họ vừa muốn duy trì sự an toàn của hiện trạng, đồng thời vừa muốn phát triển quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên một số các nhà phân tích Đài Loan cho rằng, bà Pelosi vẫn đến Đài Loan để tránh tỏ ra “sợ hãi” trước những lời đe dọa của Bắc Kinh.

Trong khi ấy, phóng viên tờ Washington Post – Josh Rogin cho biết, các nguồn ngoại giao “xác nhận” bà Nancy Pelosi sẽ đến Đài Loan.

Phóng viên này cho biết bà Pelosi coi chuyến đi là một cách ghi dấu ấn “di sản” của mình: “Đối với bà ấy, đó là nền tảng cho sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của mối quan hệ Mỹ-Trung. Bà ấy biết rằng bà ấy sẽ không trở thành Chủ tịch Hạ viện vào năm tới, có lẽ đúng, và thậm chí bà ấy có thể không tham gia Quốc hội vào năm tới. Vì vậy bà ấy coi đây là cơ hội cuối cùng của mình, coi đây là một dấu ấn di sản”.

Trong khi ấy, Cựu TBT tờ Thời báo Hoàn cầu – ông Hồ Tích Tiến đã tweet chế nhạo bà Pelosi:

“Có ai biết bà Pelosi hiện ở đâu không? Một số người nói rằng bà ấy sẽ đến Đài Loan bằng tàu ngầm, và một số khác nói rằng bà ấy đã lẻn đến Đài Loan bằng cách cải trang thành người khác, có phải vậy không?”

Liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ xử lý cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan này như thế nào?

Có thể bạn quan tâm: