Sau 2 năm sáp nhập vào huyện Trà Bồng, nhiều trụ sở của huyện miền núi Tây Trà cũ trị giá hàng trăm tỷ đồng nay bị bỏ hoang, người dân đành tận dụng nuôi gà, nhốt bò…
Ngày 1/4/2020, tỉnh Quảng Ngãi quyết định sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng. Lãnh đạo và nhân viên các nhiệm sở ở Tây Trà cũ chuyển về làm việc tại trung tâm huyện Trà Bồng. Hai nơi này cách nhau khoảng 40km; do đó hầu hết trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc huyện Tây Trà cũ phải đóng cửa, theo báo Dân Trí.
Một thời gian sau sáp nhập, chỉ một số trụ sở như Huyện ủy Tây Trà, trụ sở Mặt trận và các hội đoàn thể… được chuyển cho một đơn vị sử dụng. Số còn lại chỉ chuyển giao trên giấy tờ mà không được sử dụng, quản lý nên xuống cấp trầm trọng.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, hiện nhiều trụ sở bỏ hoang, cửa đóng then cài, cây dại mọc um tùm. Tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà, cánh cổng gỉ sắt bị mở toang, phía sân cây dại mọc um tùm. Nhiều bồn cây cảnh được người dân tận dụng trồng chuối.
Những phòng chức năng các cán bộ ngồi khi xưa, giờ là nơi “đi dạo” của đàn bò. Nhìn số lượng phân bò, có thể thấy con bò này đã ở đây rất lâu.
Người dân cho biết, họ thấy bỏ hoang quá lâu nên tận dụng. “Chỗ này nhốt bò sướng lắm, rộng rãi và không lo mưa gió”, một người dân kể trên Tuổi Trẻ.
Trụ sở của Tòa án nhân dân huyện Tây Trà cũng rơi vào cảnh hoang tàn, la liệt vỏ chai bia – tàn dư của những cuộc ăn nhậu rải khắp hành lang và phòng xử án.
“Ngoài ngủ, một số thanh niên còn lấy sắt vụn trong công trình đem bán, đổi tiền mua rượu”, bà Hồ Thị Nga, một người dân địa phương cho biết trên báo VnExpress.
Tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý gồm hàng chục nhà công vụ với diện tích 589.000 m2, tổng giá trị 516 tỷ đồng; cùng 12 ô tô, máy móc, trang thiết bị hơn 72 tỷ đồng.
Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện Trà Bồng, cho biết: “Dù đã cố gắng nhưng không thể sử dụng hết vì các trụ sở từng là nơi làm việc của một huyện giờ chỉ còn là nơi làm việc của một xã”.
Theo ông Thảo, các tài sản này khó đấu giá vì cách xa TP Quảng Ngãi 100km, đời sống khó khăn, việc bán đất và tài sản trên đất đều khó.
Huyện bố trí một số trụ sở cho các trường, nhưng nơi đây địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, học sinh không thể đi xa, tới các trụ sở này để sử dụng. Huyện cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí thuê người trông coi nên nhiều trụ sở đóng cửa lâu ngày đã xuống cấp. Thật sự bế tắc!