Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông, tổng lượng dòng chảy trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 75% so với trung bình nhiều năm và lớn hơn so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 29%, nhưng tuần cuối tháng 7 lại thấp hơn so với năm 2019. Cùng với đó, hạ lưu vực sông Mê Kông mưa ít nên tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 54% của trung bình nhiều năm.
Theo báo Thanh Niên, lượng mưa trên lưu vực sông này nửa đầu tháng 8 sẽ duy trì ở mức xấp xỉ giá trị trung bình nhiều năm.
Tuy nhiên, do lưu vực vừa trải qua một mùa hạn lịch sử, các hồ chứa vẫn tăng cường tích nước nên dòng chảy tới Đồng bằng sông Cửu Long qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc dự báo hầu như không tăng, duy trì ở mức 5000 m3/s.
Tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông qua 2 trạm này trong nửa đầu tháng 8 cũng dự báo vẫn sẽ ở mức rất thấp, dự kiến chỉ đạt khoảng 30% giá trị cùng kỳ của trung bình nhiều năm và thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 44% nên chưa có tín hiệu của mùa nước nổi.
Không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long khát lũ, nhiều quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông mới đây đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục.
Theo kiến nghị của Ủy Hội Sông Mê Kông ngày 7/8, ngoài những yếu tố như lượng mưa ít còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.
Bởi vậy, Ủy hội cho rằng bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước, như họ đã làm trong năm 2016, để giảm bớt tình trạng thiếu nước tại lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi bản tin Audio