Trang Zee News dẫn dữ liệu của các cơ quan chính phủ Nepal cho biết, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép lãnh thổ của Nepal tại ít nhất 7 huyện giáp biên giới và ngày càng lấn chiếm thêm nhiều diện tích đất của nước này.
Các chuyên gia về quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Nepal nói rằng chính phủ của Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli (thường được gọi là KP Oli) coi trọng quan hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hơn việc bị lấn chiếm lãnh thổ bất hợp pháp.
7 huyện thuộc các tỉnh ở Nepal bị Trung Quốc chiếm đất bao gồm: Dolakha, Gorkha, Darchula, Humla, Sindhupalchowk, Sankhuwasabha và Rasuwa.
Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ Nepal
Zee News cũng đặt ra vấn đề rằng thực tế việc xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc còn tồi tệ hơn các dữ liệu được công bố vì Đảng Cộng sản Nepal (ĐCSNP) đang cố gắng che giấu sự phụ thuộc của mình và hành động bành trướng của ĐCSTQ. Người dân tin rằng Trung Quốc đã xâm nhập và chiếm giữ những vùng đất rộng lớn khác của Nepal.
Theo Cục Đo đạc và Bản đồ Nepal, Trung Quốc đã đẩy cột ranh giới hai nước số 57 tại khu vực Dolakha lùi 1.500m về phía Nepal. Đồng thời Trung Quốc đã chiếm các ngôi làng của Nepal ở các huyện Gorkha và Darchula. Tương tự như Dolakha, Trung Quốc đã di dời Cột mốc ranh giới số 35, 37 và 38 ở huyện Gorkha và Cột mốc ranh giới số 62 ở Solukhumbu. Trung Quốc đã chiếm làng Rui và sáp nhập nó với Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc vào năm 2017. Mặc dù trên thực tế làng Rui đang thuộc Nepal và dân làng vẫn đang nộp thuế cho chính phủ Nepal.
Việc xác định cột mốc ranh giới là vấn đề lớn chưa được thống nhất giữa hai quốc gia. Bởi Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng để tiếp tục vi phạm và thực hiện các hành vi lấn chiếm, theo Zee News.
Ủy ban Nhân quyền Nepal cũng đưa ra báo cáo rằng một phần làng Jiujiu thuộc Darchula cũng bị Trung Quốc lấn chiếm. Trung Quốc đã tiếp quản và đồng hóa vào lãnh thổ của mình nhiều ngôi nhà từng là một phần lãnh thổ của Nepal.
Bộ Nông nghiệp Nepal gần đây báo cáo về nhiều trường hợp Trung Quốc chiếm đất của Nepal ở ít nhất 11 khu vực thuộc 4 quận của Nepal. Hầu hết các khu vực bị chiếm đóng thuộc lưu vực của các con sông Bhagdare ở Humla, sông Karnali, sông Sanjen và sông Lemde ở Rasuwa; Sông Bhurjug, sông Kharane…
Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli gặp, hội đàm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (ảnh chụp màn hình video: https://www.youtube.com/watch?v=arIw3DBIRGA). |
Zee News cho rằng, chính phủ Nepal không tiến hành cuộc đàm phán biên giới với Trung Quốc kể từ năm 2005 do lo ngại làm mất lòng Trung Quốc và để né tránh những chỉ trích trong nước vì để mất lãnh thổ vào tay nước này. Chính phủ Nepal cũng đã đình chỉ các cuộc đàm phán biên giới năm 2012 để tránh bị đánh giá là thiếu quyết đoán.
Cạm bẫy vay nợ
Gần đây các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc được triển khai nhanh chóng tại các khu vực hẻo lánh phía bắc Nepal.
Bên cạnh đó Nepal và Trung Quốc cũng ký các thỏa thuận hợp tác về thủy điện, xi măng và kho thực phẩm nông nghiệp với tổng trị giá 2,4 tỷ USD vào tháng 6/2018. Theo Bộ Công nghiệp Nepal, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại quốc gia này chiếm khoảng 80% và liên tục đứng đầu trong ba năm liên tiếp.
Cả Mỹ và Ấn Độ đều lên tiếng cảnh báo Nepal về những rủi ro trong các khoản đầu tư và điều kiện tài chính béo bở mà Trung Quốc đưa ra. Giới chuyên gia cũng cho rằng những động thái này là nhằm dẫn dụ các quốc gia đang phát triển vào bẫy nợ, cho phép ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát nhiều tài sản trọng yếu.
Theo Zee news, trong vài năm qua ĐCSTQ chi phối việc ra quyết định và điều khiển chính phủ Nepal như một con rối.
Một số nhà phân tích nhận định “tình hữu nghị và sự giúp đỡ” của ĐCSTQ đối với Nepal nằm trong kế hoạch bành trướng của nước này.