Ngày 17/11, CNN và nhiều báo lớn của Mỹ đưa tin Tổng thống Joe Biden đã có một bước đi đầy táo bạo khi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ, trong đó có hệ thống tên lửa ATACMS với tầm bắn 300 km, để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga. Quyết định này đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi về động cơ chiến lược và rủi ro leo thang xung đột.

Không chỉ Mỹ, cùng ngày, báo Le Figaro đưa tin, Pháp và Anh cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của họ để tấn công bên trong nước Nga. Theo đó, Kiev được sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Động thái này đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của phương Tây, vốn trước đây khá dè dặt trong việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa cho Kiev.

Theo các nguồn tin, các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên của Ukraine sẽ tập trung vào Kursk, tỉnh biên giới Nga. Đây là khu vực chiến lược mà Moscow đang tìm cách giành lại trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.

Ukraine hiện vẫn nắm giữ hàng trăm km² lãnh thổ tại Kursk và đang nỗ lực duy trì thế trận phòng ngự trước sức ép từ Nga. Tại Washington, quyết định cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa được đưa ra với lý do nhằm đối phó trước thông tin Nga nhận sự hỗ trợ từ 100.000 binh sĩ Triều Tiên.

Trong bài phát biểu buổi tối 17-11, ông Zelensky nói rằng các tên lửa sẽ “tự nói lên điều đó”.

ông Zelensky tuyên bố. “Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng chúng tôi đã được phép thực hiện các hành động thích hợp. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những vấn đề như vậy không được công bố” 

Việc Biden và các nước châu âu “bật đèn xanh” cho Ukraine diễn ra chỉ hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Ông Trump, người từng chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Ukraine, đã cam kết sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine “nhanh chóng” mà không nêu rõ kế hoạch cụ thể.

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ xử lý chính sách này ra sao sau khi nhậm chức. Một số cố vấn của ông, như tỷ phú Elon Musk, đã lên tiếng chỉ trích quyết định nới lỏng hạn chế vũ khí của chính quyền Biden, cho rằng điều này có thể đẩy Mỹ vào thế đối đầu trực tiếp với Nga.

Ngày 17-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, nhấn mạnh lập trường cứng rắn của Moscow về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Theo bà, Tổng thống Vladimir Putin từ lâu đã lên án hành động này và cảnh báo rằng Nga sẽ đưa ra “những quyết định phù hợp” để đáp trả mọi mối đe dọa, đặc biệt là khi sự can dự của NATO ngày càng rõ ràng.

Tổng thống Putin đã không ít lần khẳng định rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa, mà còn ở mức độ can dự trực tiếp của phương Tây. Moscow coi đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng, có khả năng biến xung đột thành một cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga và NATO.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Biden cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga trong thời gian này? Tại sao Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn quyết định đẩy tình hình đến mức căng thẳng như vậy? Liệu họ có thực sự sẵn sàng đối mặt với nguy cơ leo thang xung đột đến mức không thể kiểm soát?

Một số nhà phân tích nhận định, động thái cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa có thể là nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm để lại dấu ấn trong chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình. Đây là cách Washington khẳng định vai trò dẫn đầu trong việc bảo vệ trật tự quốc tế trước điều mà họ gọi là “hành động gây hấn” của Nga.

Tuy nhiên, thời điểm ra quyết định lại khiến nhiều người đặt dấu hỏi lớn. Với chỉ hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, bước đi này có thể được xem như một chiến lược nhằm tạo áp lực cho chính quyền kế nhiệm. Ông Trump, người từng nhiều lần bày tỏ quan điểm muốn xây dựng mối quan hệ tốt với Nga, sẽ phải đối mặt với một tình thế đã được “bày trận” sẵn.

Theo các nhà quan sát, Mỹ dường như đánh cược vào giả định rằng Nga sẽ không phản ứng mạnh đến mức dẫn đến đối đầu trực tiếp với NATO. Lý do là: Điện Kremlin có thể đang chờ đợi một cơ hội khác khi chính quyền Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1. Ông Trump, người từng thể hiện thái độ cởi mở hơn với Putin so với các đời tổng thống Mỹ trước đó, từng tuyên bố muốn chấm dứt cuộc xung đột và xây dựng mối quan hệ tốt với Nga.

Động thái này không chỉ là toan tính chiến lược của chính quyền Biden trong giai đoạn chuyển giao quyền lực mà còn là bài kiểm tra lớn cho cả Nga và phương Tây về giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng trong một cuộc xung đột có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát. Liệu đây là “bước đi táo bạo” hay “canh bạc nguy hiểm”? 

Kết quả cuối cùng của nước cờ này sẽ phụ thuộc nhiều vào cách Nga đáp trả thế nào trong những tuần tới.