Cuộc sống là một hành trình dài. Ở đây không nói về chiều dài của những năm tháng tồn tại trên thế gian, mà về chuỗi muôn vàn sự kiện nối tiếp nhau. Ta không thể nào biết chắc điều gì sẽ đến vào ngày mai, cũng chẳng thể đếm hết mọi thứ đã đến và đi trong đời mình. Cho nên, lòng người cứ thường xuyên bất ổn như con thuyền chênh chao giữa muôn trùng sóng vỗ…

Làm thế nào để tâm bất động?

Có câu nói “Nếu bạn không thể thay đổi được hoàn cảnh, hãy thay đổi tâm thái của mình”. Sự thay đổi ấy về bản chất là chọn thái độ phù hợp và bình tĩnh đón nhận hoàn cảnh.

Điều này không dễ, bởi “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Làm sao có thể học cách bình thản tiếp nhận mọi hoàn cảnh chỉ trong một sớm một chiều? Nhưng chắc chắn một điều rằng, tâm lượng đủ lớn sẽ giúp chúng ta vượt qua giông bão cuộc đời.

Nhìn từ một góc độ khác, điều này cũng không quá khó khăn. Nếu như mỗi ngày thực hành mở rộng tâm lượng một chút thì khả năng thiện giải hoàn cảnh sẽ được củng cố dần dần. Đến khi lòng đủ lớn, gặp sự việc chỉ cần ung dung tiếp nhận, tâm bất biến.

Thực ra, tấm lòng sẽ rộng ra khi ta dám buông xuống lợi ích của bản thân để nghĩ cho người khác.

Có người cho rằng làm như vậy thì thiệt thòi, không thể thực hiện được. Nhưng xét cho cùng, cái mất đi là lợi ích trước mắt, cái được lớn hơn là một tâm lượng không giới hạn, có thể đủ sức đương đầu với bất kỳ khó khăn nào trong dài lâu.

Ta sẽ mãi mãi có được bình yên trong đời. Cái được ấy cũng là Đức dày nâng đỡ vạn vật. Bởi thế mà người xưa mới khuyên rằng ”chịu thiệt là Phúc”.

Với tinh thần “ôn cố tri tân”, hãy học xem người xưa dùng tấm lòng rộng đối đãi với vạn vật ra sao.

Ngạn ngữ có câu: bị thương bởi đao thương thì dễ nhẫn chịu, còn bị lời nói xấu làm tổn thương thì khó tiêu giải nhất. Vậy cổ nhân đối đãi với người và việc gây tổn thương mình như thế nào? Thực tế, họ đã ở trong cảnh giới “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Không tự biện giải, không tự minh oan

Thời Bắc Tống, có ông Thái Tương từng uống rượu ở Đông Viên Hội Linh, trong lúc đó có một vị khách bắn tên nhầm làm một người qua đường bị thương. Vị khách lập tức nói là mũi tên của Thái Tương đã làm thương người khách qua đường.

Trong kinh thành cũng đều xôn xao bàn tán sự việc này. Hoàng Đế nghe nói bèn hỏi Thái Tương rằng có việc này không? Thái Tương chỉ khấu đầu xin được tha thứ, thủy chung vẫn không biện bạch cho bản thân, sau khi từ trong cung trở về cũng không hề nói với người khác.

Ông Cao Phòng thời Đông Tấn từng đảm nhiệm chức phán quan của Trương Tùng Ân là quan Phòng ngự sử ở Thiền Châu. Lúc đó có một vị ở trường quân sự là Đoạn Hồng Tiến, đã ăn trộm đồ gỗ của phủ quan để làm gia cụ. Trương Tùng Ân biết việc xong rất tức giận, liền muốn giết Đoạn Hồng Tiến.

Vì để bảo toàn bản thân khỏi chết Đoạn Hồng Tiến đã khai dối: “Đó đều là Cao Phòng bảo tôi làm.” Trương Tùng Ân hỏi Cao Phòng để chứng thực lời của Đoạn Hồng Tiến, Cao Phòng đã thừa nhận việc này. Nhờ vậy, Đoạn Hồng Tiến đã được miễn tội chết.

Rất nhanh sau đó, Trương Tùng Ân lấy một vạn xâu tiền, một cỗ ngựa đưa cho Cao Phòng, rồi đuổi ông ta đi. Cao Phòng bình tĩnh rời đi, thủy chung không biện minh nỗi oan uổng của mình.

Sau này Trương Tùng Ân lại phái người đuổi theo đưa Cao Phòng trở về. Sau hơn một năm, thân tín của Trương Tùng Ân nói rằng Cao Phòng tự nhận tội, là vì để cứu mạng người. Trương Tùng Ân cảm thán không thôi, càng đối đãi với Cao Phòng thêm lễ độ.

***

Có thể làm được như Thái Tương không biện bạch cho bản thân và Cao Phòng không tự minh oan, thời nay có lẽ không còn nhiều. Khi con người đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu thì việc đầu tiên cũng là cố gắng bảo vệ mình, không quan tâm người khác bị tổn hại ra sao. Vì vậy họ dễ dàng “xung lên”, động theo hoàn cảnh.

Người xưa đặt lợi ích của người khác lên phía trước, nên họ có thể lùi mình lại phía sau, chấp nhận chịu thiệt thòi trước mắt để bảo toàn người khác. Họ không chỉ khiến lòng người cảm phục, mến mộ mà còn nhận được đền đáp Phúc báo về sau. Với tấm lòng rộng như thế, dù gặp hoàn cảnh thất kinh họ vẫn bình thản tiếp nhận, tâm bất động.

Thực ra, điều khiến chúng ta không bình yên không phải là hoàn cảnh mà là sự lo sợ mất mát lợi ích của bản thân. Càng lo nghĩ đến bản thân thì tấm lòng càng nhỏ hẹp, càng dễ biến động. Càng nghĩ cho người khác thì tâm lượng càng rộng mở, càng an yên.

Khi thực hành hàng ngày việc buông xuống lợi ích cá nhân và nghĩ cho người khác, ta sẽ mở rộng tâm lượng của mình không ngừng nghỉ, cuối cùng đạt đến cảnh giới “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.