Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối mặt với rủi ro lớn vì phải gánh trách nhiệm cho thất bại của chính sách zero-Covid.
Theo chỉ đạo của ông Tập, Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phỏng tỏa nghiêm ngặt, làm tê liệt các hoạt động kinh tế và khiến hàng chục triệu người dân khốn khổ vì thiếu nhu yếu phẩm.
Bài bình luận ngày 5/5 của CNA (Channel News Asia) đề cập đến việc ông Tập từng khoe khoang “đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng minh tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”.
“Nhưng chủ nghĩa hiếu thắng của ông Tập đang trở lại ám ảnh ông ta. Chính sách zero-COVID đang sụp đổ”.
Theo chính sách này, 26 triệu dân ở Thượng Hải đã bị nhốt trong nhà suốt 5 tuần. Dân đói, biểu tình, tự sát, phẫn uất…. là thực tế diễn ra tại Thượng Hải. Nhưng biện pháp phong tỏa không ngăn chặn được virus. Trong khi các biện pháp phong tỏa ở Thượng Hải đang dần được nới lỏng, thì Bắc Kinh có nguy cơ tái diễn kịch bản của Thượng Hải.
Nhiều khu vực đô thị khác cũng đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Xét tổng thể, có “khoảng 345 triệu người hiện được cho là đang sống trong tình trạng bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, tại 46 thành phố khác nhau” ở Trung Quốc, theo CNA.
Hãng tin này bình luận: “Những tác động xã hội, tâm lý và kinh tế của các cuộc phong tỏa kiểu Thượng Hải là rất thảm khốc. Nhưng những tác động chính trị có thể khiến ông Tập lo lắng nhất.”
Tập Cận Bình lo lắng vì hậu quả của zero-Covid
Theo CNA, ông Tập đang “phải đối mặt với viễn cảnh u ám” trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp tới, vì khủng hoảng kinh tế và căng thẳng xã hội do các cuộc phong tỏa liên tục.
Ông Tập có thể chuyển sang chính sách sống chung với virus như hầu hết các quốc gia. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận chính sách trước đó của ông ta đã thất bại.
Ông Tập sẽ tìm cách tránh bị đổ lỗi cho sự thất bại của chính sách zero-Covid. Các quan chức địa phương có thể sẽ bị quy trách nhiệm cho những thiệt hại vì việc đóng cửa kéo dài ở Thượng Hải. Nhưng các cuộc phong tỏa trên quy mô cả nước “chắc chắn sẽ đặt ra nghi vấn về giới lãnh đạo quốc gia”, theo CNA.
Trung Quốc phải trả giá vì zero-Covid
“Cái giá kinh tế mà Trung Quốc phải trả cũng có khả năng tăng lên trong những tháng tới”, theo CNA.
Hàng loạt nhà đầu tư đã chuyển rời sang các quốc gia khác. Các nhà vận hành chuỗi cung ứng cũng tìm kiếm nguồn cung khác và đã đi vào ổn định. Họ rời bỏ Trung Quốc vì không biết các cuộc phong tỏa khi nào mới kết thúc.
Những khó khăn chồng chất sẽ khiến giới quan chức Trung Quốc đặt ra câu hỏi: Liệu việc kéo dài sự cai trị của ông Tập có hợp lý không?
Cơ quan tình báo Đài Loan mới đây đưa ra một báo cáo cho thấy rằng chưa có dấu hiệu thách thức nào đối với sự lãnh đạo của ông Tập.
Tuy nhiên, đại hội ĐCSTQ sẽ diễn ra trong sáu tháng nữa. Các cuộc phong tỏa liên tiếp vì mục tiêu zero-Covid sẽ thách thức sự chịu đựng của xã hội và nền kinh tế Trung Quốc hơn bao giờ hết. “Việc tiếp tục nắm quyền của ông Tập Cận Bình không còn được coi là điều hiển nhiên”, theo CNA.