Chiều tối ngày 7/12, ga Cát Linh xảy ra sự cố về tín hiệu, khiến các đoàn tàu không thể hoạt động tại ga này trong khoảng hơn 30 phút.
- Nhiều người mất khứu giác, vị giác sau khi khỏi Covid-19
- Xe đầu kéo làm rơi nhiều khối bê tông lớn, đè chết người đi đường
- Thủ quỹ “lỡ đánh rơi hơn 6 tỷ đồng” bị bắt vì tham ô tài sản
Liên quan đến sự việc trên tối cùng ngày chia sẻ với VTC NEWS, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, đây là sự cố đầu tiên kể từ khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác trong 1 tháng qua.
“Sự cố bất ngờ xảy ra từ 18h30 đến 19h10. Thời điểm đó, ở ga Cát Linh có một chuyến tàu chuẩn bị khai thác với khoảng 30-40 hành khách đã mua vé và chuyến tàu phải dừng vận hành để khắc phục. Sau đó, chúng tôi đã thông báo ở nhà ga về việc trả lại tiền vé cho hành khách, đồng thời gọi xe buýt hỗ trợ vận chuyển đi lại cho hành khách” – ông Trường nói.
Trong quá trình khắc phục sự cố, ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút, vì vậy tàu chỉ khai thác theo các giao lộ nhỏ, chặng ngắn và quay vòng từ ga Yên Nghĩa tới ga Thượng Đình, hành khách không thể di chuyển bằng tàu điện tới ga Cát Linh.
Tuy nhiên, theo Dân Trí đến 20h30, cập nhật sự việc trên, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho rằng sự cố mất tín hiệu ở ga Cát Linh là “một trong 63 tình huống diễn tập mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khai thác”.
“Sự cố này được Sở GTVT Hà Nội kích hoạt bất ngờ mà không thông báo trước cho Metro Hà Nội hay bên Tổng thầu Trung Quốc. Nên khi xảy ra sự cố, chúng tôi tưởng là sự cố thật nên đã kích hoạt phương án xử lý theo đúng kịch bản đã được tập dượt trước đó” ông Trường cho biết thêm, thông tin từ Thanh Niên.
Nguồn tin từ VnExpress, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (dài 13 km) có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018. Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội đã chính thức ký kết bàn giao, tiếp nhận và vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên.