Các nhà quan sát quân sự trên khắp thế giới đang chú ý theo dõi xem khi nào thì tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc mới sẵn sàng hoạt động.

Hôm 17/6, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay thứ 3 của nước này, được gọi là tàu sân bay Phúc Kiến. Nhưng hiện tại, con tàu vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc cần phải mất thêm nhiều tháng nữa để thử nghiệm các máy phóng điện từ của con tàu.

Theo SCMP, ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại viện khoa học công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết: “Nó cần khoảng 18 tháng thử nghiệm. Đó sẽ là một loạt các bài kiểm tra rất phức tạp.”

Ngoài việc thử nghiệm máy phóng điện từ, Hải quân Trung Quốc cho biết các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ bao gồm khả năng neo đậu và điều hướng của tàu Phúc Kiến.

Ông Henry Boyd, thành viên nghiên cứu phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, dự kiến ​​tàu Phúc Kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào khoảng giữa những năm 2020, nếu như không có vấn đề kỹ thuật hoặc hiệu suất nào phát sinh trong quá trình thử nghiệm trên biển.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh. Nó chỉ được đưa vào hoạt động vào năm 2012, sau khi Trung Quốc mua con tàu Liên Xô này từ Ukraine vào năm 1998. Bảy năm sau, Bắc Kinh cho ra mắt tàu sân bay Sơn Đông, tàu sân bay được chế tạo trong nước đầu tiên của Trung Quốc.

Các sĩ quan hải quân Mỹ trên tàu USS Mustin quan sát tàu sân bay Liêu Ninh trong vụ chạm trán ở Biển Đông vào tháng 4 năm 2021 (ảnh: Hải quân Mỹ).
Các sĩ quan hải quân Mỹ trên tàu USS Mustin quan sát tàu sân bay Liêu Ninh trong vụ chạm trán ở Biển Đông vào tháng 4 năm 2021 (ảnh: Hải quân Mỹ).

Theo ông Matthew Funaiole, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho rằng Trung Quốc sẽ thận trọng khi đưa tàu sân bay Phúc Kiến tới khả năng hoạt động ban đầu.

“Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Trung Quốc”, ông Funaiole nói. Ông cho biết, không giống như Mỹ, Trung Quốc chưa có hàng chục năm kinh nghiệm vận hành các hệ thống máy phóng máy bay hiện đại. Hơn nữa, Trung Quốc cũng cần đào tạo các phi công và người vận hành để sử dụng hệ thống mới trên tàu sân bay Phúc Kiến.