Tóm tắt nội dung
Máy bay không người lái do NATO viện trợ cho Kyiv được rao bán trên ‘chợ đen’
Trên các nền tảng giao dịch chuyên biệt tại “chợ đen” online, các quảng cáo bán máy bay không người lái (UAV) Switchblade-300 kamikaze đã xuất hiện.
Như bạn có thể thấy trong ảnh chụp màn hình gian hàng bán vũ khí được gọi là “Giảm giá lớn cho vũ khí”. Switchblade-300 UAV được chào bán với giá chỉ khoảng 232.002 rúp, trong khi giá chính thức là 6.000 USD (tương đương 342.000 rúp).
Vào tháng 6, có thông tin cho rằng một số lượng lớn vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine đã được bán trên thị trường chợ đen, bao gồm súng trường tấn công Kalashnikov, súng trường M4 của Mỹ, lựu đạn…
Ngoài ra, vũ khí hạng nặng cũng được chào bán như hệ thống chống tăng NLAW, hệ thống tên lửa chống tăng xách tay Javelin, hệ thống tên lửa phòng không di động Stringer.
Các chuyên gia quân sự châu Âu và Mỹ từ lâu đã cảnh báo về mối đe doạ khủng bố ngày càng tăng, do việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Vào tháng 4, Europol – Cơ quan thực thi pháp luật của EU đã cảnh báo rằng, các cuộc điều tra của họ cho thấy vũ khí đã được buôn lậu ra khỏi Ukraine, và tuồn ngược lại EU để cung cấp cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi NATO không kết nạp thêm các nước hậu Xô Viết
Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết trong một bài báo của Tạp chí Bảo thủ của Mỹ rằng, các quốc gia hậu Xô Viết sẽ không nên được chấp nhận vào NATO.
Các quốc gia từng thuộc về Liên Xô (cũ) đã gia nhập NATO bao gồm Latvia, Lithuania và Estonia sau khi khối này mở rộng lần thứ năm vào năm 2004.
Nghị sĩ Rand Paul nhấn mạnh: “Chúng ta không còn có thể buông lời vu vơ vì lợi ích chính trị và tình cảm nữa”. Ông cũng nói thêm rằng, Nga sẽ không tha thứ cho việc triển khai một số hệ thống vũ khí của NATO được triển khai ở Phần Lan.
Ngày 5/7, NATO thông báo khởi động quá trình phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Các đại diện thường trực của NATO đã ký các nghị định thư về việc hai nước gia nhập khối quân sự.
Điều đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ đang dọa sẽ chặn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, nếu Stockholm và Helsinki không trục xuất các nhà hoạt động người Kurd khỏi hai nước này.
Châu Âu ‘sốc nhiệt’: Nắng nóng kỷ lục gây nguy hiểm tính mạng, thiếu nước và cháy rừng lớn
Hôm 15/7, nhiều người phải sơ tán khỏi nhà trong bối cảnh cháy rừng xảy ở nhiều nơi tại Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các quan chức châu Âu đã đưa ra cảnh báo sức khỏe cho đợt nắng nóng phá kỷ lục trong những ngày tới.
Tây Ban Nha
Nhiệt độ đã được thiết lập trên 40 độ C ở khắp các khu vực rộng lớn của Tây Ban Nha trong tuần này ,khi bán đảo Iberia đối mặt với đợt nắng nóng thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng.
Phát ngôn viên của AEMET, Ruben del Campo cho biết, đợt nắng nóng bắt đầu từ Chủ nhật và có thể kéo dài 9 hoặc 10 ngày, khiến nó trở thành một trong ba đợt nắng nóng dài nhất mà Tây Ban Nha từng chứng kiến kể từ năm 1975.
Một vụ cháy rừng mới bùng phát ở miền nam nước này sau những trận cháy rừng ở miền tây trong tuần qua. Hơn 400 người đã được sơ tán khỏi các ngọn đồi của Mijas, một thị trấn nổi tiếng ở tỉnh Malaga.
Những người đi biển ở Torremolinos, cách đó khoảng 20km, có thể nhìn thấy những đám khói bốc lên phía trên các khách sạn dọc bờ biển.
Vào tháng 8/2021, Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay lên tới 47,4 độ C ở thị trấn phía nam Montoro. Các hồ chứa nước ở Tây Ban Nha đang ở mức 45,3% dung tích, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 65,7%.
Bồ Đào Nha
Nước này cũng hứng chịu đợt nóng đạt đỉnh 44 độ C vào cuối tuần, gây cháy rừng và những đám mây khói khổng lồ có thể nhìn thấy ở thủ đô Lisbon.
Các quan chức địa phương cho biết, các nhân viên cứu hỏa đã kiểm soát được ngọn lửa lớn nhất bùng cháy tại thành phố trung tâm của Ourem.
Mặc dù nhiệt độ ở Bồ Đào Nha đã giảm một chút, tuy nhiên nền nhiệt dự kiến vẫn đạt mức cao nhất 40 độ C ở một số nơi, dự kiến sẽ tăng trở lại trong những ngày tới với dự báo là 44 độ C cho thành phố Evora, miền đông nam nước này.
Theo các nhà chức trách, hơn 1.000 lính cứu hỏa đã được điều tới để dập tắt 17 vụ cháy rừng.
Pháp
Một đợt nắng nóng dữ dội và kéo dài đã xảy ra, với nhiệt độ hơn 38 độ C trên hầu hết các địa phương của nước Pháp.
Theo Meteo France, dự kiến đợt nóng có thể kéo dài tới 10 ngày. Chính phủ Pháp cảnh báo người cao tuổi, người khuyết tật, người vô gia cư, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là những đối tượng có nguy cơ “sốc nhiệt”.
Nước Pháp cũng đang phải đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài, và buộc nhiều cơ quan chính phủ phải ban ngành các biện pháp hạn chế sử dụng nước.
Vương quốc Anh
Nhiệt độ sẽ tăng trở lại vào cuối tuần này và vào cuối tuần tới, có thể đạt đỉnh vào Chủ nhật và Thứ hai. Các nhà khí tượng dự báo nhiệt độ đặc biệt cao có thể tiếp tục xảy ra, và gây ảnh hưởng rộng rãi đến con người và cơ sở hạ tầng của nước này.
Các nhà khoa học đánh giá, thời tiết nắng nóng tại Anh có thể dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Người dân có thể phải thay đổi cách làm việc và thói quen hàng ngày.
Trong bối cảnh cái nóng gay gắt quét qua lục địa, các quan chức châu Âu tỏ ra lo lắng về những ảnh hưởng đối với sức khỏe người dân và hệ thống chăm sóc y tế vốn đã bị thách thức bởi đại dịch Covid-19.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết đợt nắng nóng sẽ làm xấu đi chất lượng không khí, đặc biệt là ở các thị trấn và thành phố châu Âu.
Ukraine sở hữu hệ thống tên lửa uy lực M270
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết trên Twitter rằng hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Mỹ sản xuất đã đến nước này.
“Những chiếc MLRS M270 đầu tiên đã đến! Chúng sẽ là sự “kết hợp tốt” với các bệ phóng HIMARS trên chiến trường. Cảm ơn các đối tác của chúng tôi”.
Ông Reznikov không nói rõ nước nào cung cấp hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất này. Tuy nhiên trước đó Anh đã cam kết cung cấp ít nhất 3 hệ thống M270 cho các lực lượng Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng không tiết lộ số lượng chính xác các thiết bị do Anh cung cấp.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 14/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Kiev đang “sử dụng HIMARS trên mọi mặt trận”. Bà cũng cáo buộc Washington chia sẻ thông tin tình báo về các mục tiêu quân sự của Nga với Ukraine.
Nga cáo buộc các cuộc pháo kích của Ukraine thường xuyên tấn công vào các khu vực dân thường tại Donetsk. Ngày 14/7, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công vào trạm xe buýt ở trung tâm thành phố. Hậu quả của vụ pháo kích là 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương.
Tuy nhiên Ukraine cho biết họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự, kho đạn của Nga.
Nguyên nhân khiến vợ đầu của cựu Tổng thống Trump qua đời
Cảnh sát đang điều tra chuỗi sự kiện dẫn đến cái chết của bà Ivana Trump, vợ đầu của cựu Tổng thống Donald Trump.
Fox News đưa tin, bà Ivana Trump được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh “ở gần” chân cầu thang trong căn hộ ở khu vực thượng lưu Upper East Side (New York) hôm 14/7. Cảnh sát cho biết không rõ bà có bị ngã hay không.
Theo FoxNews, cảnh sát đã được gọi đến căn hộ của bà Ivana Trump để kiểm tra sức khỏe vào chiều thứ Năm.
Văn phòng Giám định Y khoa New York kết luận bà Ivana qua đời vì chấn thương do va đập sau cú ngã cầu thang tại nhà riêng.
Trong báo cáo về nguyên nhân tử vong chiều 15/7, Văn phòng Giám định Y khoa thành phố New York (OCME) ghi rõ bà Ivana qua đời do bị tác động mạnh lên thân trên. Cú ngã cầu thang của bà là do tai nạn.
“Sau khi đã công bố kết luận này, chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận nào khác nữa về cuộc điều tra”, phát ngôn viên Văn phòng Giám định Y khoa cho biết.
Theo New York Post , một người bạn của bà Ivana Trump cho biết gần đây bà đã phải hoãn chuyến đi đến Hamptons vì không cảm thấy khỏe.
Người bạn này cho biết, bà Ivana Trump đang bị đau ở chân và “bà ấy không thể ra khỏi nhà của mình”.
Trong một bài đăng trên nền tảng xã hội Truth Social, cựu Tổng thống Donald Trump đã gọi người vợ cũ quá cố của mình là “một người phụ nữ tuyệt vời, xinh đẹp và đã có một cuộc đời truyền đầy cảm hứng”.
“Niềm tự hào và niềm vui của bà ấy là ba người con Donald Jr., Ivanka và Eric. Bà ấy rất tự hào về các con, cũng như tất cả chúng tôi đều rất tự hào về bà ấy. Hãy yên nghỉ nhé, Ivana!”.
Cựu tổng thống đã hoãn một cuộc mitting dự kiến diễn ra vào thứ Sáu để tưởng nhớ bà Ivana Trump.
Tổng thống Pháp tắt đèn đường để tiết kiệm năng lượng
Theo Independent.co.uk, Tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo người dân Pháp rằng, chính phủ chuẩn bị tắt đèn công cộng vào ban đêm để tiết kiệm năng lượng.
Tổng thống Macron nói rằng “mùa hè, và đầu mùa thu sẽ rất khó khăn” đối với người dân Pháp, do cuộc chiến ở Ukraine, và khả năng Nga cắt giảm hoàn toàn khí đốt.
Người dân Pháp đang được cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng, và chuẩn bị cho giá thực phẩm thậm chí còn cao hơn, khi ông Macron thông báo sẽ tắt đèn chiếu sáng công cộng vào ban đêm ở một số nơi.
Tổng thống Macron nói: “Từ bây giờ, tôi sẽ yêu cầu các cơ quan công quyền và tất cả các công ty có thể tiêu thụ ít hơn. “Chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng ánh sáng ít hơn vào buổi tối”. Ông nói thêm: “Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản mà chúng ta phải từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga”.
Bất chấp những tuyên bố khá quyết liệt này, Tổng thống Maron vẫn khẳng định rằng “Pháp có rất ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.
Ông cũng tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng năng lượng không phải do các lệnh trừng phạt đối với Nga, vì “giá năng lượng bắt đầu tăng ngay cả trước chiến tranh”. “Tất cả chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế là chiến tranh sẽ kéo dài.”
Bầy châu chấu khổng lồ tàn phá mùa màng ở Nga
Ở Krasnodar Krai (Nga), một trận dịch châu chấu đang phá hủy mùa màng của vùng Primorsko-Akhtar gần Biển Đen.
Chính quyền địa phương cho biết, bầy châu chấu lên tới hàng triệu con đã tàn phá tới 80% diện tích cỏ khô được dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc ở một số vùng của Yakutia (miền đông bắc nước Nga).
Nông dân ở Krasnodar Krai rất lo ngại về tình hình bị châu chấu tấn công, với số lượng đang tăng lên theo cấp số nhân. Trong vòng 24h, một bầy châu chấu có khả năng phá hủy mọi thứ trên cánh đồng theo đúng nghĩa đen.
Bầy châu chấu đã phá hoại hoa màu ngô. Nhiều người cho biết, hàng chục triệu con châu chấu đã che phủ các cánh đồng ở Krasnodar Kai rộng 2.000 ha (tương đương 3.500 sân bóng đá).
Chúng có thể bay quãng đường dài vài trăm km trong một ngày để tìm kiếm thức ăn. Và sau mỗi đợt “tấn công”, cánh đồng chỉ còn trơ đất trống, gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp.
Nga chế tạo vũ khí laser ‘che mờ’ vệ tinh do thám của Mỹ
Nga đang phát triển một loại vũ khí chống vệ tinh mới có thể sớm làm gián đoạn các vệ tinh do thám của phương Tây đang bay trên lãnh thổ nước này.
Tạp chí Space Review đã công bố một báo cáo mới chỉ ra “bằng chứng mạnh mẽ cho thấy một tổ hợp giám sát không gian ở phía bắc Caucasus của Nga đang được trang bị một hệ thống laser mới gọi là Kalina. Kalina có mục đích hoạt động tương tự như một vũ khí chống vệ tinh có thể tấn công các hình ảnh vệ tinh nước ngoài bay trên lãnh thổ Nga”.
Sau khi Nga nhận thấy hiệu quả của vệ tinh tư nhân Mỹ trong việc giám sát việc di chuyển quân của nước này trong cuộc xung đột tại Ukraine, khiến lực lượng Nga bị tấn công, Moscow đang tăng cường nghiên cứu tia laser để đối phó với các vệ tinh giám sát này.
Việc xây dựng tổ hợp giám sát không gian ở vùng Bắc Caucasus này vốn bị đình trệ, nhưng gần đây đang được khởi động trở lại.
Dự án Kalina bắt đầu được xây dựng vào năm 2011. Mục đích của Kalina là “tạo ra một hệ thống ngăn chặn các hệ thống quang học và chụp ảnh của vệ tinh” bằng cách sử dụng các xung laser công suất cao.
Một tài liệu khác từ năm 2017 mô tả Kalina là “hệ thống laser dùng trong chiến tranh quang học”, và đang được phát triển bởi tập đoàn nhà nước Rosatom.
Tạp chí Space Review cho biết:“Vai trò chống vệ tinh của hệ thống Peresvet gần đây đã được xác nhận trong một bài thuyết trình của ông Yuri Borisov, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng. Ông ấy tiết lộ, tổ hợp này này có thể “làm mù” tất cả vệ tinh giám sát của ‘kẻ thù” ở độ cao lên đến 1.500 km, vô hiệu chúng khi chúng bay qua lãnh thổ Nga.”
Kalina có thể làm “mù” vĩnh viễn các cảm biến quang học trên vệ tinh, và điều này khác biệt so với các vũ khí laser khác có tác dụng gây “chói lóa” chỉ có thể làm mù tạm thời các hệ thống quang học.
Tin tức về vũ khí laser thế hệ tiếp theo của Nga được công bố khi Giám đốc điều hành Space X Elon Musk cho biết, công ty của ông có thể phóng nhiều vệ tinh hơn những gì mà đối thủ của Mỹ có thể bắn hạ.
Có vẻ như dự án vũ khí laser Kalina có thể sớm thách thức “chòm sao” vệ tinh của tỷ phú Musk, thông qua chùm ánh sáng giá rẻ hơn là tên lửa đắt tiền, giúp Moscow dễ dàng hạ gục nhiều vệ tinh hơn.
Có thể bạn quan tâm: