Vào thời điểm các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19, và sự đồng lõa với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine có thể khiến Bắc Kinh bị cô lập hơn nữa; chiến dịch giải quyết bất bình đẳng kinh tế của ông Tập có nguy cơ bị ‘đổ vỡ’, theo nhận định của chuyên gia George Magnus trên tờ Channel News Asia.

Ông George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford và Đại học SOAS (London), bình luận rằng:

Đầu tháng 3, khi Nga pháo kích vào các thành phố của Ukraine và số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp chính trị thường niên quan trọng nhất. Đó là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân.

Tuy nhiên, cả 2 cuộc họp hầu như không đề cập đến đại dịch và hoàn toàn không nói gì đến cuộc chiến của Nga, trong khi Trung Quốc với nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn – chắc chắn đang bị rung chuyển bởi cả hai vấn đề trên.

Năm 2021, ông Tập thường xuyên đề cập đến chiến dịch “thịnh vượng chung” và mô tả nó là một “yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội”, nhưng cụ thể thế nào thì vẫn là điều bị bỏ ngỏ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ đưa ra những đề cập ngắn gọn và chắp vá về “sự thịnh vượng” và “sự thịnh vượng cho tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, trước những bất ổn do đại dịch Covid-19 và cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine khiến các nhà lãnh đạo nước này phải điều chỉnh lại các ưu tiên của họ.

Các chỉ tiêu tăng trưởng của Trung Quốc khó đạt được

Năm 2021, giới hoạch định Trung Quốc dự báo ‘lạc quan’ cho nền kinh tế và mục tiêu là “ổn định” trong năm 2022; nhưng cũng đưa ra các rủi ro như giảm nhu cầu, cú sốc nguồn cung và thị trường suy yếu.

Họ cũng đưa ra chính sách nhằm hạn chế sự lây lan từ lĩnh vực bất động sản đang suy yếu và chống lại sự kích thích quá mức nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong ba tháng qua, thách thức đã trở nên ghê gớm hơn rất nhiều. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 gây ra thiệt hại nặng nề cho các ngành dịch vụ và tiêu dùng vốn đã trì trệ.

Trong khi đó, cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã đẩy giá năng lượng, hàng hóa và thực phẩm tăng cao. Điều này sẽ khiến lạm phát tăng nhanh và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc khi nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc trong năm 2022 là điều không thể; thậm chí tăng trưởng 2,5% đến 3% cũng sẽ khó đạt được.

“Thinh vượng chung” của ông Tập nguy cơ đổ vỡ

Do những khó khăn về kinh tế nên chiến dịch “thịnh vượng chung” đã bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, nó có khả năng vẫn là tham vọng của ông Tập khi theo đuổi mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại” với nền kinh tế tiên tiến vào năm 2049.

Theo quan điểm của ĐCSTQ, chiến dịch muốn thành công đòi hỏi phải giải quyết hậu quả của 40 năm chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế; khiến mất cân đối lớn về kinh tế và ngành, cũng như gây ra bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch sâu sắc giữa các vùng miền. Nếu nó bị bỏ qua, chính quyền Trung Quốc lo ngại những vấn đề này có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội và chính trị.

Nhưng thay vì thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội thì chính phủ Trung Quốc lại tiến hành một chiến dịch chính trị nhằm mở rộng miếng bánh kinh tế và tạo ra một phân phối thu nhập công bằng hơn.

Sự thịnh vượng chung phủ nhận các chính sách định hướng thị trường đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc và đánh dấu sự kết thúc chính thức của kỷ nguyên cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình phát động.

Nhưng vào thời điểm kiểm soát biên giới do Covid-19 và sự đồng lõa trong cuộc xâm lược của Nga đang đe dọa làm trầm trọng thêm sự cô lập của Trung Quốc, thì chiến dịch thịnh vượng chung có nguy cơ bị đổ vỡ.

Công ty tư nhân nằm trong “tầm ngắm” của ĐCSTQ

Theo ông Magnus, điểm đáng chú ý trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của ông Tập là tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với các công ty tư nhân và quy định về “mở rộng vốn” có trật tự hơn.

Kể từ năm 2020, các công ty tư nhân và doanh nhân đã phải đối mặt với sự can thiệp chính trị nhiều hơn. Họ phải đối mặt với một loạt các quy định ngày càng xâm phạm và các cuộc điều tra mới như liên quan đến chống độc quyền, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Nền tảng công nghệ, dữ liệu và tài chính là những mục tiêu chính.

Các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở cũng nằm trong tầm ngắm của chính phủ. Các doanh nghiệp bị ‘ép buộc’ từ thiện hàng tỷ USD cho các chương trình của ĐCSTQ.

Chính quyền Trung Quốc khao khát quyền kiểm soát chính trị. Điều đó có nguy cơ phá hủy các động lực cho sự đổi mới và năng suất mà Trung Quốc cần, nhà nghiên cứu Magnus kết luận.