Cùng điểm qua những thói quen dạy con tưởng như yêu thương nhưng lại là âm thầm “hại con”; càng dùng càng “giúp” hủy hoại nhanh hơn cuộc đời của đứa trẻ.
- Cha dạy con kiểm soát sự nóng giận qua những chiếc đinh
- Dạy con cách đối xử tốt với các thành viên trong gia đình và những người khác
Tóm tắt nội dung
Con được ưu tiên đặc biệt
Khi một đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều thái quá, được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, được xem là “bảo bối” và ưu tiên hơn những người khác, thì trẻ thường có xu hướng cảm thấy mình là người “độc nhất”; chúng sẽ hình thành thói quen xem mình là người có đặc quyền vượt trội; điều này sẽ tạo ra tính cách hiếu thắng, ích kỷ, không biết cảm thông nhường nhịn người khác; những đứa trẻ này đã được cha mẹ định hình lối nghĩ: “Thứ gì tốt đẹp nhất đều phải thuộc về mình.”
Bênh vực con trước mặt người lớn
Lúc trẻ làm việc sai trái, người lớn trong gia đình thường dạy dỗ uốn nắn con cái; nhưng có những người mẹ vẫn thường bênh vực con theo kiểu: “Đừng khắt khe quá, con nó còn nhỏ chưa biết gì” hoặc “Con nó lớn lên sẽ tự động biết thôi, bây giờ con nó còn nhỏ lắm”. Tất nhiên, những đứa trẻ được người lớn bênh vực như thế sẽ khó dạy dỗ hơn; chúng sẽ không biết được mình sai ở đâu vì luôn có những “chiếc ô” bảo hộ khi bị người lớn la mắng. Bênh vực con công khai không chỉ khiến đứa trẻ ngày càng trở nên hư hỏng; đây còn là một trong những nguyên nhân gây ra sự bất hòa trong không ít gia đình.
Cha mẹ quan tâm con thái quá
Cha mẹ luôn bên cạnh quan tâm, theo sát từng bước đi của con một cách thái quá, bao bọc quá mức, muốn giữ con cái bên mình, để con tránh khỏi những tác động ảnh hưởng từ bên ngoài. Những điều này vô tình trở thành rào cản đối với sự phát triển và trưởng thành đối với con.
Dễ dàng được đáp ứng nhu cầu
Con muốn điều gì thì được nấy, sẵn lòng cho con rất nhiều tiền để mua những gì chúng yêu thích, được thỏa mãn tất cả những gì chúng đòi bố mẹ mua cho… Đa phần những đứa trẻ như vậy ít biết quý trọng điều gì; chúng không biết tiết kiệm, ngược lại còn tiêu xài rất hoang phí.
Ngoài ra, khi lớn lên trẻ sẽ có xu hướng hình thành thói thích hưởng thụ vật chất; không muốn làm việc nhưng lại muốn có được những thứ tốt nhất; chúng không quan tâm đến sự vất vả, cực khổ của cha mẹ; lại càng không biết cách rèn luyện sự kiên nhẫn và chăm chỉ trong học tập, làm việc.
Không nghiêm khắc kỷ luật
Cha mẹ không nghiêm khắc kỷ luật để con tự do vui chơi một cách không kiểm soát; họ để con thức khuya chơi game, xem tivi, chơi điện thoại tùy theo ý muốn của chúng; dẫn đến một điều, khi lớn lên, trẻ sẽ trở nên thiếu tính tự giác kỷ luật, không ham học hỏi. Chúng chỉ sống theo những gì mà chúng muốn và cứ mãi rơi vào “vòng tròn vô kỷ luật”; khi trưởng thành thì cuộc sống cũng chỉ dậm chân tại chỗ mà không thể phát triển hơn được.
Năn nỉ, ra điều kiện để con thực hiện một việc nào đó
Khi trẻ có thói “ăn vạ”, không chịu làm, cha mẹ thường có thói quen năn nỉ, treo thưởng để ra điều kiện cho trẻ thực hiện một việc nào đó mà không phải do trẻ tự nguyện. Ví dụ, cha mẹ hứa sẽ cho con đồ chơi khi làm xong bài tập hay được điểm mười; cho con tiền khi hoàn thành làm xong việc nhà…
Đa phần, những đứa trẻ được cha mẹ giáo dục như vậy khi lớn lên thường không có tinh thần tự giác, thiếu trách nhiệm; chúng không biết chủ động làm việc và khó có thể nhận được sự yêu mến của mọi người.
Cha mẹ ôm đồm công việc mà không san sẻ cho con
Một số người mẹ thường có suy nghĩ thế này: “Con còn nhỏ, có nên để con phụ giúp những công việc của mình không?”; một số khác cho rằng: “Việc này nhỏ, con không biết làm, để cha mẹ làm cho nhanh”. Với suy nghĩ như vậy của phụ huynh, trẻ ba bốn tuổi vẫn không biết tự ăn cơm, tự mặc quần áo; trẻ năm sáu tuổi vẫn không biết làm những công việc trong gia đình. Cha mẹ ôm đồm tất cả công việc to nhỏ trong nhà, khiến trẻ không có cơ hội để cảm nhận được niềm vui của lao động; những đứa trẻ có tư duy không cần giúp đỡ người khác cũng từ đó mà được sinh ra.
Chuyện bé xé ra to
Dân gian có câu “vốn dĩ bê con mới sinh không sợ hổ”. Con trẻ vốn dĩ không sợ nước, không sợ bóng tối, không sợ té ngã. Con té ngã xong có thể tự mình đứng dậy mà không cần người lớn giúp đỡ và chơi tiếp.
Vậy tại sao có trẻ lại rụt rè, khóc lóc, sợ sệt như thế? Là do ông bà, cha mẹ của chúng hay sợ hãi, chuyện bé xé ra to; không cho con trẻ chạy nhảy vui chơi, tìm tòi, khám phá. Những đứa bé khi được nuôi dưỡng trong môi trường này sẽ dần hình thành tính rụt rè, nhút nhát khi lớn lên.
Không cho trẻ tự do
Cha mẹ kiểm soát con chặt chẽ, “ấp” con trong lòng, dang tay để con tự lớn thì sợ con “bay” đi mất… Cha mẹ có thói quen này thường khiến trẻ nhỏ trở nên rụt rè, kém cỏi, dễ thất bại trước những khó khăn. Cha mẹ không thể nào che chở con cả đời; vì thế mai này khi tự mình bước ra xã hội chúng sẽ khó đứng vững trước những khổ nạn; một người luôn tìm cách dựa dẫm và ỷ lại vào người khác thì có lẽ khó lòng mà trở nên mạnh mẽ, thành công.
Những đứa trẻ được bảo bọc quá mức sẽ nghĩ rằng mình là trung tâm; từ đó chúng sẽ ỷ lại, mất đi tính tự lập tự cường của bản thân. Việc bảo bọc con cũng làm cho đứa trẻ mất đi cơ hội hình thành khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh; chỉ số cảm xúc của trẻ cũng bị ảnh hưởng; khả năng tư duy, óc sáng tạo chắc chắn sẽ hạn chế hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi được phụ huynh hướng dẫn học cách sống tự lập.
Cha mẹ lo lắng thái quá khi thấy con khóc
Do từ nhỏ cha mẹ đã nuông chiều con, nên khi con “ra điều kiện uy hiếp” cha mẹ bằng cách ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ chỉ còn cách vỗ về, đầu hàng, thuận theo con để chúng nín khóc. Những đứa trẻ như thế khi lớn lên rất khó dạy dỗ; chúng dễ trở nên bướng bỉnh, cứng đầu, nổi loạn; thậm chí còn dùng điều kiện để “đe dọa” cha mẹ, buộc họ đáp ứng mọi yêu cầu của chúng.
Cha mẹ nào chẳng yêu thương và muốn dành những điều tốt đẹp cho con mình; nhưng yêu thương con cũng cần có lý trí. Thực tế, có vô số bậc cha mẹ có thói quen chiều chuộng, bảo bọc con quá mức; hay nói cách khác là làm hư con vì yêu thương không đúng cách.
Hãy luôn nhớ rằng, những thói quen khiến trẻ được nuông chiều quá mức trong dạy dỗ con cái chính là “liều thuốc độc” có thể hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ.