Các nhà lập pháp Hoa Kỳ mới đây đã thông qua đạo luật ủng hộ người dân Tây Tạng, miền đất bị Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1950 tới nay.
North East Now đưa tin, Thượng viện Hoa Kỳ hôm 22/12 đã thông qua Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng (TPSA) năm 2020; trong đó khẳng định các quyết định liên quan đến việc chuyển sinh của Đạt Lai Lạt Ma là thuộc thẩm quyền của Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm, cũng như của các nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng và người dân Tây Tạng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Đạo luật TPSA của Mỹ là hành vi “can thiệp vào vấn đề nội bộ” của Trung Quốc.
Năm 2007, Trung Quốc ban hành cái gọi là “Các biện pháp về Quản lý sự đầu thai của Phật sống”; trong đó yêu cầu sự chuyển sinh của Đạt Lai Lạt Ma phải tuân theo quy định của chính quyền Trung Quốc.
Tây Tạng từng là quốc gia độc lập, cho đến khi bị quân đội Trung Quốc xâm lược năm 1950. Bắc Kinh gọi đây là cuộc “hợp nhất hòa bình Tây Tạng”. Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng, đã rời sang Ấn Độ và sống lưu vong ở đó từ năm 1959 cho đến nay.
Người Tây Tạng hoan nghênh Đạo luật TPSA
Theo NE Now, Chủ tịch Chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay bày tỏ vui mừng khi biết tin Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật TPSA.
Ông Sangay nói: “Tin tuyệt vời! Quả là bước ngoặt khi Nghị viện Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng 2020”.
Đạo luật cũng chính thức công nhận ông Sangay là Tổng thống của chính phủ Tây Tạng lưu vong (CTA). TPSA kêu gọi thành lập Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng.
Trang web của CTA dẫn lời ông Sangay phát biểu: “Bằng cách thông qua TPSA, Nghị viện Mỹ đã gửi đi thông điệp to lớn và rõ ràng rằng Tây Tạng vẫn là ưu tiên của Hoa Kỳ và nước này sẽ tiếp tục ủng hộ kiên định đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma và CTA”.