Năm 2019, cây cầu Kênh Năng Ấp 7 được khánh thành tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đằng sau cây cầu mới này là một câu chuyện về tình người ấm áp và nhân văn.
- Cầu 240 tỷ hóa ‘cây cầu cô đơn’ vì không có đường dẫn
- Người phụ nữ bỏ tiền túi hơn 3 tỷ đồng xây hai cây cầu vượt cho con đi học
Vụ tai nạn xe chở bia
Tháng 12/2018, nhiều báo đài đưa tin vụ tai nạn lật container chở bia trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Lúc đó, cả trăm thùng bia đổ xuống đường. Khi này, anh Thảnh (49 tuổi, Tiền Giang) đang chở khách nhưng thấy tai nạn nên dừng lại, phụ tài xế thu gom lượng bia nằm trên mặt đường. Tốn chút thời gian mà giúp được người, đường lại mau trống.
Nhớ lại khoảnh khắc lúc đó, anh Thảnh chia sẻ với Vnexpress: “Đâu phải chỉ mình tôi, rất nhiều người khác cũng dừng xe lại hỗ trợ. Dân ở đây họ hiền, tốt lắm. Ai cũng thông cảm với người tài xế gặp tai nạn nên đều hết lòng giúp đỡ. Đó là điều tôi tự hào về quê hương Tiền Giang”.
Anh Thảnh chia sẻ người dân quê anh có thể không dư dả về vật chất nhưng lòng tử tế lúc nào cũng tràn đầy. Nói không xa, bà chị gần bên nhà anh thường biếu người già neo đơn trong xóm bánh, sữa… dù nhà chị cũng không khá giả.
Cho đi là nhận lại
Cảm kích trước cách hành xử nhân văn của người dân địa phương – bia Tiger, thương hiệu chịu thiệt hại trực tiếp trong vụ tai nạn trên đã quyết định xây cây cầu Kênh Năng Ấp 7 tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành như một món quà cảm ơn. Nhờ có cây cầu mới này, bà con vận chuyển hàng hóa sẽ dễ dàng hơn, cũng giúp giảm bớt khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như cấp cứu người bệnh.
Cây cầu Kênh Năng Ấp 7 được sử dụng loại vật liệu tái chế thân thiện với môi trường. Theo đó, nắp chai sau khi thu gom đã được xử lý ở nhiệt độ thấp giúp ngăn chặn khí thải độc hại ra môi trường trong quá trình bóc tách lớp cao su bên trong nắp. Tiếp đến, chúng được nung chảy và phối trộn với các nguyên liệu khác để trở thành nguyên liệu sử dụng trong xây dựng, hỗ trợ việc xây cầu.
Hy vọng câu chuyện về cây cầu ở tiền Giang sẽ giúp lan tỏa đến cộng đồng bài học về lối sống đẹp, làm việc Thiện và giúp đỡ người khác. Bởi vì làm việc tốt không phải để nhận lại điều gì, mà chính quá trình “cho đi” ấy đã giúp cả người cho và người nhận được thọ ích. Người cho đi sự giúp đỡ cảm nhận được niềm hạnh phúc, ý nghĩa khi biết chia sẻ với người khác; người nhận sự giúp đỡ sẽ cảm kích, biết ơn và mang tình cảm tốt đẹp ấy để giúp đỡ những người khác. Lặp đi lặp lại, sự tử tế sẽ được âm thầm lan tỏa và mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng!