Japan Times cho biết, sau khi quân đội Trung Quốc thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, các nhà ngoại giao Nhật Bản đã quyết định đặt ưu tiên cho chiến lược “dài hạn và có tầm nhìn lớn” lên trên các giá trị “dân chủ và nhân quyền”.

Những thông tin này được tiết lộ trong một bản tài liệu dài 3.123 trang, được Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố theo yêu cầu của hãng tin Jiji Press. Tài liệu này lần đầu tiên đã làm sáng tỏ các chi tiết về chính sách ngoại giao của Tokyo sau vụ đàn áp gây chấn động thế giới.

Các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo năm 1989 đã thu hút hàng trăm ngàn người ủng hộ ở Quảng trường Thiên An Môn, đặt ra thách thức yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc phải mở rộng tự do, dân chủ và chấm dứt tham nhũng. Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội dùng xe tăng và súng ống càn quét cuộc biểu tình trong biển máu vào ngày 4/6/1989.

0230-screen-shot-2020-09-21-at-090158
Cư dân mạng chia sẻ hình ảnh về vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Bắc Kinh công bố số người thiệt mạng là hơn 300 người, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng con số thực tế lên tới hàng nghìn người. Theo Independent, một tài liệu ngoại giao của Anh Quốc xác định số người bị giết hại ở Thiên An Môn ít nhất là 10.000 người.

Trong khi các đồng minh phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc, Nhật Bản đã nhanh chóng nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Trung Quốc. Trong một tài liệu ngày 21/6/1989, Bộ Ngoại giao cũng đưa ra kế hoạch kiềm chế việc liên kết các gói hỗ trợ ODA của Nhật Bản với tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

0502-screen-shot-2020-09-21-at-090402
Cư dân mạng chia sẻ hình ảnh về vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Trong một tài liệu khác vào ngày 22/6/1989, các nhà ngoại giao Nhật Bản đặt ưu tiên cho “quan điểm lâu dài và toàn cục” lên trên “các giá trị của đất nước chúng ta (dân chủ và nhân quyền)”. Tài liệu cho rằng “không khôn ngoan” khi “cô lập Trung Quốc thông qua sự lên án chung của phương Tây”.

Japan Times cho biết, lý do tại sao Tokyo không muốn chọc giận Bắc Kinh có thể được tìm thấy trong một tài liệu vào ngày 11/7, trong đó chỉ ra rằng: “Chúng tôi cũng biết rõ Trung Quốc theo chủ nghĩa cô lập có hại như thế nào đối với hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Đồng thời, Tokyo cũng lo ngại rằng tư cách thành viên của họ ở phương Tây có thể bị nghi ngờ nếu họ thể hiện sự khác biệt quá so với các đồng minh của Mỹ và châu Âu.

Theo Japan Times, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng lập trường của Nhật Bản như một cách thức để chấm dứt sự lên án của quốc tế đối với vụ giết hại những người ủng hộ dân chủ năm 1989. Tới nay, Bắc Kinh vẫn kiểm duyệt mọi từ khóa liên quan đến vụ Thảm sát Thiên An Môn, đồng thời ngăn cản các gia đình lên tiếng hoặc tưởng niệm cho những người thân yêu của họ bị giết hại trong sự kiện này.