Cửa hàng hải sản bị phóng hỏa trong đêm, 2 mẹ con thoát chết; 5 người ngạt khí khi nạo vét cống ở Sài Gòn… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 26/7/2023.

Cửa hàng hải sản bị phóng hỏa trong đêm, 2 mẹ con thoát chết

Lúc 2h ngày 11/7, khi bà Đoàn Thị Loan (48 tuổi) đang cùng con trai ngủ trong căn nhà cũng là cửa hàng bán hải sản tươi sống thì hai thanh niên chở nhau bằng xe máy dừng lại gần cửa hàng để người ngồi sau đến châm lửa đốt thùng xốp, gây ra vụ cháy lớn.

Sau khi phóng hỏa, hai người tẩu thoát. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội. May mắn có người dân phát hiện, hô hoán nên bà Loan cùng con trai kịp thời thoát nhờ sang nhà hàng xóm bên cạnh.

Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần như toàn bộ tài sản bên trong căn nhà và hải sản tươi sống, với thiệt hại ước tính cả tỷ đồng. Toàn bộ quá trình xảy ra sự việc được camera an ninh gần đó ghi lại.

phóng hoả
Nam thanh niên châm lửa đốt thùng xốp để bên ngoài cửa hàng kinh doanh hải sản tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (ảnh chụp màn hình video).

Sau khi xảy ra sự việc, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26/7, một lãnh đạo Công an thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) cho biết đang tập trung điều tra vụ việc phóng hỏa một cửa hàng bán hải sản tươi sống tại khu 4 phường Quảng Yên gây thiệt hại lớn.

Bà Loan cho biết trong quá trình buôn bán hải sản, bà có nhiều người nợ mình số tiền lớn và cũng có nhiều “đối thủ” mà bản thân không thể biết hết. Việc bị phóng hỏa đốt nhà khiến mọi người trong gia đình mất ăn, mất ngủ những ngày qua.

Thêm 2 vụ ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua ở miền núi Quảng Nam

Ngày 26/7, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phước Sơn vừa có báo cáo về 2 vụ ngộ độc khi sử dụng món cá ủ chua liên quan đến người dân trên địa bàn xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn).

Vụ thứ nhất xảy ra khoảng 11h ngày 21/7, tại phòng trọ ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), anh Hồ Văn Nguyên (33 tuổi) tổ chức dùng cơm trưa cùng Hồ Văn Đèo 22 tuổi, Hồ Thị Hia 24 tuổi (vợ Nguyên), Hồ Văn Quốc 25 tuổi. Bữa ăn gồm các món cá niên do anh Nguyên tự đánh bắt tại suối Nước Mỹ thuộc xã Phước Chánh mang về Đà Nẵng tự làm ủ chua, cùng món cơm, cá nục tươi chiên, canh rau nấu với cá nục.

Vụ thứ hai, khoảng 11h ngày 23/7, tại khu vực rừng núi xã Phước Chánh, nhóm 7 người dùng cơm gồm món ăn sau cá thập cẩm (ca niên, cá rô, cá trắng) do anh Hồ Văn Theo tự đánh bắt tại suối Nước Mỹ (thuộc xã Phước Chánh) tự làm ủ chua ăn kèm cơm.

Trước đó, từ tháng 3 đến nay, tại huyện Phước Sơn xảy ra nhiều vụ ngộ độc sau khi ăn cá muối ủ chua. Trong đó, có khiến 1 người chết, nhiều người nhập viện điều trị, trong đó có 3 ca nặng phải thở máy. Đây là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

5 người ngạt khí khi nạo vét cống ở Sài Gòn

Khoảng 9h sáng 26/7, tốp công nhân mở nắp cống rộng khoảng một m2 để xuống vớt rác, giảm ngập tại hệ thống cống ở số 3A20 đường Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai. Cống sâu khoảng 2 m, có nước ngập ngang ngực người lớn. Khi thấy các đồng nghiệp bị bất tỉnh phía dưới, một người đã báo lực lượng chức năng.

Nhận được tin báo, cảnh sát mang bình dưỡng khí, mặt nạ phòng độc xuống dưới cống. Chừng năm phút sau, 5 công nhân bất tỉnh được đưa lên mặt đất. Các nạn nhân ướt sũng, quần áo dính đầy bùn, nước đen hôi thối. Một công nhân 38 tuổi tử vong, 4 người khác (22-36 tuổi) được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể các công nhân bị ngạt khí metan và Hydro sulfua (H2S).

Đại diện công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thông tin 4 nạn nhân đã tỉnh, đang được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện. Về việc nhóm công nhân có đeo mặt nạ phòng độc, đo khí độc khi xuống nạo vét cống hay không, đại diện công ty từ chối trả lời, song nói “hàng năm các công nhân được tập huấn để đảm bảo an toàn”.

Tuy nhiên theo các hộ dân ở gần miệng cống, trước khi làm việc nhóm công nhân mang đồng phục, dùng xà ben cạy nắp rồi xuống dưới, không đeo mặt nạ (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Nữ kế toán trường học cho vay lãi nặng

Ngày 26/7, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Công an huyện Bá Thước vừa phá chuyên án, bắt giữ 7 người phụ nữ cho vay “tín dụng đen”.

Khám xét nơi ở những người này, lực lượng công an đã thu giữ nhiều hợp đồng mua bán, giấy phép lái xe, căn cước công dân và các tài liệu, sổ sách ghi thông tin khách hàng liên quan đến việc cho vay lãi nặng.

Theo công an, đây đều là các điểm cho vay lãi nặng có quy mô hoạt động lớn với tổng số tiền cho vay lãi nặng khoảng gần 7 tỷ đồng. Với lãi suất từ 3.000 đến 6.000 đồng/triệu/ngày, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, những người này đã cho trên 500 người dân trên địa bàn huyện Bá Thước vay và thu lời bất chính hơn 1,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số 7 người bị bắt giữ có Lê Thị Hoa (sinh năm 1968; ngụ thị trấn Cành Nàng) hiện đang là kế toán Trường THCS Điền Trung (xã Điền Trung, huyện Bá Thước) (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

Có thể bạn quan tâm: