Giả thầy tu, cướp tiệm vàng; Ngư dân Quảng Ngãi tố bị tàu Trung Quốc tấn công… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 30/8/2023.

Choáng với phí nhập học đại học, có nơi thu 13 loại phụ phí, nhiều khoản phí ‘lạ’

Các trường đại học công bố điểm chuẩn, gửi giấy báo nhập học cho thí sinh, kèm theo là các khoản học phí và phí phải nộp. Không ít trường có đến cả chục loại phí khác nhau khiến thí sinh choáng váng.

“Không tăng học phí nhưng cả chục khoản lệ phí khác nhau thì có khác gì tăng học phí. Các anh chị khóa trước nói WiFi của trường khá chậm trong khi sinh viên bắt buộc phải đóng 500.000 đồng cho khoản này”.

Đây là một trong số nhiều ý kiến của tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM trên một diễn đàn đại học có hàng trăm ngàn thành viên. Điều này xuất phát từ phụ lục học phí và các khoản phí với 13 loại khác nhau do Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM gửi cho thí sinh trúng tuyển.

các khoản tiền
Thông báo học phí và các khoản phí Trường đại học Ngân hàng TP. HCM gửi tân sinh viên năm học 2023-2024 (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ Online).

Theo đó, ngoài học phí 14 triệu đồng đối với chương trình chuẩn, thí sinh nhập học phải đóng gần 10 khoản lệ phí khác. Trong đó, lệ phí nhập học 280.000 đồng, lệ phí thư viện chính quy 690.000 đồng, giáo trình tài liệu số do trường biên soạn 800.000 đồng, gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến – WiFi học tập 500.000 đồng, kiểm tra tiếng Anh đầu vào 345.000 đồng, kiểm tra tin học 345.000 đồng. Đây là các khoản phí bắt buộc.

Ngoài ra còn có các khoản phí tự chọn khác như kỹ năng mềm 600.000 đồng, tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 4.500.000 đồng, tin học căn bản 445.000 đồng. Chỉ tính riêng các khoản phí bắt buộc, mỗi sinh viên phải đóng 2,68 triệu đồng.

Ở nhiều trường đại học khác, thí sinh nhập học cũng phải đóng nhiều khoản phụ phí khác nhau. Khoản phí thư viện, giáo trình điện tử, đồng phục được nhiều trường triệt để thu khi thí sinh nhập học. Phí khám sức khỏe thì mỗi nơi một giá, chênh lệch vài trăm ngàn đồng… (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ Online).

Giả thầy tu, cướp tiệm vàng

Hôm 26/8, Nguyễn Văn Sỹ, 25 tuổi, từ Đăk Lăk đến ngôi chùa ở huyện Tuy Phước để làm lễ báo hiếu. Tại đây, anh ta nhờ người cạo trọc đầu. Tiếp đó, do Sỹ có nhiều biểu hiện không bình thường nên nhà chùa đã đưa ra quốc lộ 19 để đón xe về quê.

Tuy nhiên, Sỹ không về Đăk Lăk. Tối 29/8, anh ta đi bộ trên quốc lộ 1A qua thị trấn Diêu Trì trong vẻ ngoài của một thầy tu. Sỹ ghé vào tiệm vàng Mỹ Linh 2 trên đường Trần Phú, bất ngờ dùng tay đập vỡ tủ kính trưng bày, vơ vét nhiều vòng trang sức loại lớn rồi bỏ chạy.

Sự việc xảy ra trong hơn chục giây. Chủ tiệm vàng hô hoán, cùng người dân truy đuổi, khống chế được Sỹ, thu giữ khoảng 5 chiếc vòng bị cướp.

Tối 29/8, Sỹ bị Công an huyện Tuy Phước bắt về hành vi Cướp tài sản.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết cơ quan điều tra tình nghi người này “không bình thường”, đang đưa đi giám định tâm thần (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Ngư dân Quảng Ngãi tố bị tàu Trung Quốc tấn công

Vào khoảng 19h30′ tối 29/8, tàu cá QNg 90495 TS do ngư dân Huỳnh Văn Hoanh (43 tuổi) làm chủ, ngư dân Huỳnh Văn Tiến (26 tuổi) làm thuyền trưởng, cả hai cùng ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 8 thuyền viên đã trở về cảng Sa Kỳ sau chuyến biển kinh hoàng để trình báo với cơ quan chức năng về việc bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc truy đuổi, tấn công bằng vòi rồng làm 2 ngư dân bị thương và hư hỏng tài sản.

ngư dân bị thương
Ảnh chụp màn hình trên báo Tiền Phong.

Theo trình báo của ngư dân Huỳnh Văn Hoanh cùng các thuyền viên, khoảng 5h ngày 28/8/2023 khi tàu cá QNg 90495 TS đang trên đường di chuyển từ đảo Phú Lâm về bãi Xà Cừ (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) có tọa độ 16°38′ đến 16°33’N- 112°05′ đến 111°21’E để hành nghề, đã bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 4201 truy đuổi, sử dụng vòi rồng phun nước với áp lực lớn.

Hậu quả, khiến ngư dân Huỳnh Văn Hoanh (chủ tàu, máy trưởng) bị gãy tay phải và ngư dân Huỳnh Văn Tiến (thuyền trưởng) bị chấn thương vùng đầu.

ngư dân bị thương 1
Ảnh chụp màn hình trên báo Tiền Phong.

Đến khoảng 15 giờ cùng ngày (28/8), sau khi tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 4201 bỏ đi thì xuất hiện 1 tàu sắt Trung Quốc khác mang số hiệu 4104 tiến lại gần yêu cầu được lên tàu cá QNg 90495 TS để cứu chữa cho các thuyền viên. Tuy nhiên, do lo sợ bị bắt giữ nên các ngư dân trên tàu cá đã từ chối và chạy về đất liền (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).

4 trẻ trong căn nhà cháy bị bỏng phải nhập viện cấp cứu

Thông tin từ báo Dân trí, khoảng 16h ngày 29/8, người dân phát hiện căn nhà ở khu phố Bình Nguyên 1, phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) bốc cháy nên hô hoán.

Người dân địa phương dùng vật dụng chữa cháy tại chỗ dập lửa và trình báo lực lượng chức năng. Sau đó, 4 trẻ em bị kẹt bên trong đám cháy bị bỏng được cảnh sát đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Các nạn nhân được xác định là T.M.T. (6 tuổi), T.M.K. (5 tuổi), T.M.K. (3 tuổi) và T.M.K. (1 tuổi).

trẻ nhập viện
Ảnh chụp màn hình trên báo Dân trí.

Một số nhân chứng cho biết, thời điểm xảy ra vụ cháy chỉ có 4 trẻ bên trong, không có người lớn. Vụ cháy khiến toàn bộ căn nhà bị thiêu rụi, ước tính về tài sản khoảng 50 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm: