Chuyến bay phải dừng khẩn cấp khi hành khách hỏi nhau ‘súng ở đâu’; Xe cấp cứu tông ôtô cảnh sát trên cao tốc Trung Lương… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 8/11/2023.

Chuyến bay phải dừng khẩn cấp khi hành khách hỏi nhau ‘súng ở đâu’

Sáng 8/11, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, một chuyến bay tối qua (7/11) phải dừng khẩn cấp vì hành khách nói chuyện với nhau về việc cất súng trong hành lý.

Theo đó, tối 7/11, chuyến bay mang số hiệu VN186 khởi hành từ Đà Nẵng – Hà Nội dự kiến cất cánh lúc 19h25.

Trong quá trình lên máy bay, có hai hành khách là N.Đ.T (sinh năm 1993) và L.X.Q (sinh năm 1983) đền đến từ tỉnh Thái Bình) nói chuyện qua lại với nhau.

Một hành khách hỏi người đi cùng liên quan đến việc “để súng ở đâu” thì nhận trả lời “đã cất trong hành lý”.

Lúc này, tiếp viên hỏi lại thì “hai hành khách trên trình bày là chỉ nói đùa”. Cơ trưởng buộc phải yêu cầu cắt hai khách trên và lập biên bản tại máy bay sau đó yêu cầu an ninh hỗ trợ.

Nhận thông tin, lực lượng An ninh hàng không, Cảng vụ Hàng không miền Trung đã đến vị trí tàu bay đỗ bến số 27.

Đánh giá tính chất mức độ sự việc, Cảng vụ Hàng không miền Trung ra quyết định áp giải 2 hành khách tung tin trên xuống khỏi tàu bay, tái kiểm tra an ninh đối với toàn bộ hành khách, hành lý xách tay và tiến hành lục soát tàu tàu bay.

Đến 21h cùng ngày, kết thúc quá trình lục soát đối với tàu bay, hành khách, hành lý nhưng không phát hiện vật phẩm nguy hiểm, chất cấm chất nổ.

Đến 22h cùng ngày chuyến bay chuyến bay VN186 tiếp tục thực hiện hành trình (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).

Bắt tàu đánh cá chở 50 nghìn lít dầu lậu

Thông tin từ báo Dân Việt, vào 5h40 ngày 8/11, trong quá trình tuần tra tại vùng biển Nam Tây Nam đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, lực lượng chức năng kiểm tra tàu KG 91482 TS do ông Lê Duy Lâm (sinh năm 1987, trú tại TP. Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu KG 91482 TS có 5 thuyền viên.

tàu lậu chở dầu
Ảnh chụp màn hình trên báo Dân Việt.

Bước đầu, ông Lê Duy Lâm khai nhận, tàu đang vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm. Sau đó, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Xe cấp cứu tông ôtô cảnh sát trên cao tốc Trung Lương

Gần 10h ngày 8/11, nam tài xế 26 tuổi lái xe cấp cứu tư nhân chạy trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chở nam thanh niên đi từ bệnh viện Chợ Rẫy về Cần Thơ. Khi đến đoạn qua thị xã Cai Lậy xe cấp cứu tông vào đuôi ôtô đặc chủng của Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 (Cục CSGT) làm việc trên đường.

Lúc này hai CSGT đã xuống xe để kiểm tra ôtô 4 chỗ nên không bị ảnh hưởng. Tai nạn khiến nam thanh niên trên xe cấp cứu chấn thương nhẹ. Ôtô đặc chủng biến dạng phần đuôi, vỡ kính cửa sổ, trong khi xe cấp cứu hư hỏng phần đầu. Sự cố khiến cao tốc qua khu vực ùn tắc trong hai giờ.

Tường trình với cảnh sát, tài xế xe cứu thương cho biết do chạy đường dài buồn ngủ, thiếu quan sát đã đâm vào ôtô đặc chủng. Trước đó người này đã nghỉ khoảng một tiếng trên trạm dừng (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Đi bệnh viện, có bảo hiểm nhưng phải ra ngoài mua băng gạc, kim tiêm

Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế này đang xảy ra tại hai bệnh viện đa khoa tỉnh ở Bình Phước và Bình Dương khiến bệnh nhân bức xúc.

Bị gãy xương đòn, anh T.P. (ngụ huyện Bù Đăng) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, bộ nẹp… và yêu cầu anh mua bên ngoài.

Tổng số tiền anh T.P. bỏ ra mua số vật tư này hơn 12 triệu đồng. Song dù có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng bác sĩ thông báo anh không được bảo hiểm chi trả. Điều này khiến anh T.P. rất bức xúc.

Tương tự, anh C. được chẩn đoán bị rạn xương bánh chè và được bác sĩ chỉ định ra nhà thuốc bên ngoài mua hàng loạt vật tư y tế gồm kim tiêm, gạc phẫu thuật, nẹp khóa mâm chày… với chi phí hơn 8 triệu đồng.

Cũng như các bệnh nhân khác, anh không được bảo hiểm chi trả dù có BHYT.

Trong khi đó, ông N.V.N. được chuyển viện vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị với chẩn đoán sỏi thận hai bên. Sau đó, ông được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da.

Tuy nhiên, trước ngày phẫu thuật, bác sĩ đưa một danh sách vật tư y tế như găng tay, băng gạc, kim tiêm, ống hút phẫu thuật, ga trải giường… và yêu cầu người nhà ông N. ra ngoài mua.

Ông N. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị 3 lần và đều phải tự bỏ tiền mua nhiều vật tư y tế với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng. Trong khi BHYT của ông thuộc diện cựu chiến binh, được hỗ trợ 100%.

Việc thiếu vật tư y tế đã xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương từ lâu. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước thiếu cả thuốc lẫn vật tư y tế.

Giải thích về tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế, ngành y tế Bình Phước cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ Online).

Có thể bạn quan tâm: