Người đàn ông sống sót sau 4 ngày rơi giữa biển; Hiệu phó bỏ trường đi Hàn Quốc tìm việc… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 8/6/2023.
Tóm tắt nội dung
Bà Phạm Thu Hằng làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Sáng 8/6, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định cho bà Phạm Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, giữ chức quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, kiêm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Bà Phạm Thu Hằng đảm nhận cương vị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thay bà Lê Thị Thu Hằng, sau khi bà Lê Thị Thu Hằng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trước bà Phạm Thu Hằng, Bộ Ngoại giao từng có 4 nữ phát ngôn viên là: bà Hồ Thể Lan, bà Phan Thúy Thanh, bà Nguyễn Phương Nga (hiện là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), bà Lê Thị Thu Hằng.
Người đàn ông sống sót sau 4 ngày rơi giữa biển
Giữa tháng 5, ông Trần Văn Việt (quê Kiên Giang) theo tàu cá Ngọc Lợi ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đi biển. Trên tàu có 17 người, đánh bắt ở vùng biển Bến Tre – Kiên Giang. Đầu tháng 6, sau hai tuần lênh đênh ngoài khơi, một thuyền viên bị thương do dây cảo (dùng để kéo lưới) đập vào đầu, tàu dừng khai thác để đưa nạn nhân vào bờ.
Khoảng 19h ngày 1/6, tàu cách đất liền khoảng 200 hải lý (hơn 370 km). Lúc này ông Việt đi bên mạn tàu ra phía sau để tắm, không may chân vấp thanh ngang, rớt xuống biển. Ông hét to kêu cứu nhưng tiếng máy nổ lớn, các bạn thuyền lo sắp xếp ngư cụ sau chuyến đánh bắt nên không ai hay.
“Giữa biển rộng lớn, lại không có gì bám víu, tôi cố bơi đến những nơi có đèn sáng với hy vọng được các tàu cá cứu, nhưng bơi mãi không tới”, ông kể.
Lúc này ngư dân hơn 20 năm làm nghề đánh bắt hầu như hết hi vọng, nghĩ mình bỏ mạng giữa biển cả. Tuy nhiên trong đầu hiện lên hình ảnh vợ và hai đứa con nhỏ ở nhà, ông cố vùng vẫy tay chân để nổi người lên. Cơ thể ông bị đẩy theo dòng hải lưu, không có gì ăn, đói rét. Lâu lâu trên biển có vài cơn mưa nhưng chỉ lắc rắc vài hạt, ông cố há miệng ngước lên, chỉ hứng được vài giọt.
“Khi khát tôi phải uống đỡ vài ngụm nước biển mặn chát”, ông Việt cho biết. Sau hai đêm một ngày, ông đói quá, kiệt sức, bất tỉnh, phó mặc cho số phận. Tuy nhiên lúc này cơ thể ông không bị chìm dưới nước. Lâu lâu mở mắt ra, ông vẫn thấy cơ thể trôi vô định. Sau 4 ngày ba đêm, khi đã hoàn toàn bất tỉnh, ông được tàu lưới ghẹ của Phan Rang phát hiện. Sau khoảng 1 giờ sau, ông Việt tỉnh và kể lại sự tình… (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Hiệu phó bỏ trường đi Hàn Quốc tìm việc
Theo nhà chức trách huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Văn Quỳnh (Phó hiệu trưởng trường THCS Kỳ Xuân) gửi đơn xin nghỉ phép tới lãnh đạo trường THCS Kỳ Xuân với lý do đi khám chữa bệnh, sáng 9/3. Trưa cùng ngày, ông nhắn tin vào nhóm của trường trên MXH, viết rằng “xin nghỉ để tìm việc mới phù hợp, gửi lời chào tạm biệt đồng nghiệp”. Mọi người sau đó liên lạc hỏi thăm ông song không được.
Làm việc với gia đình ông Quỳnh, ban giám hiệu trường được xác nhận rằng Hiệu phó đi Hàn Quốc tìm việc làm mới chứ không phải đi khám bệnh như ghi trong đơn xin nghỉ phép.
Từ đó cho đến nay, trường THCS Kỳ Xuân ba lần gửi giấy mời ông Quỳnh đến làm việc nhưng ông đều vắng mặt. Theo đề xuất của Hội đồng trường, UBND huyện Kỳ Anh kỷ luật ông này bằng hình thức buộc thôi việc hôm 8/6. Trong quyết định, ông Quỳnh bị đánh giá là “vi phạm nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập”.
Ông Quỳnh năm nay 45 tuổi, có hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục. Vợ ông cũng là giáo viên một trường THCS trên địa bàn (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Vụ cả nhà nhập viện sau bữa ăn: Cha đã mất, mẹ đang nguy kịch
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), 3 trường hợp nghi ngộ độc nấm chuyển từ Tây Ninh lên là người trong một gia đình. Bệnh nhân gồm chồng, vợ và con gái 17 tuổi.
Cách thời điểm nhập viện khoảng 3-4 ngày, gia đình bệnh nhân đã hái nấm và xào với mướp ăn. Người chồng ăn nhiều nhất với khoảng nửa phần nấm xào mướp, người vợ và con gái ăn phần còn lại.
Từ 8-12 giờ sau, lần lượt 3 người có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng rất nhiều, mức độ ngày càng nặng hơn. Các bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển lên TP. HCM vào ngày 6/6.
Trong quá trình chuyển viện, người chồng bị khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng. Tuy nhiên, ông tử vong tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Người vợ và con gái được chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng suy gan gấp, men gan tăng rất cao kèm theo rối loạn đông máu.
Sau hai ngày điều trị, người con gái 17 tuổi đã cải thiện nhưng phải theo dõi thêm chức năng gan và rối loạn đông máu. Trong khi đó, người vợ vẫn nguy kịch, rối loạn chức năng gan diễn tiến xấu. Bệnh nhân được điều trị tích cực với lọc máu nhưng có nguy cơ nặng nề hơn, tiên lượng khó qua khỏi (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).
Có thể bạn quan tâm: