Sáng 22/7 thêm 2.967 ca; Thứ trưởng Bộ Y tế: ‘TP.HCM thực sự quá tải’; F0 nào được cách ly ở nhà, F0 nào chuyển cơ sở quản lý và F0 nào vào bệnh viện?; Hà Nội: Phun khử khuẩn toàn bộ thị trấn Quốc Oai vì chùm ca bệnh phức tạp; Bình Dương không đủ sức, TP. HCM đảm nhận điều trị 506 ca nhiễm ở Cơ sở cai nghiện ma tuý Bố Lá…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 22/7/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Sáng 22/7 thêm 2.967 ca, tổng số mắc lên trên 71.000 ca

Bản tin sáng 22/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 2.967 ca mắc COVID-19, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh đã 2.433 ca. Đến nay, tổng số ca mắc tại Việt Nam đã lên đến 71.144 ca.

Tính từ 19h30 ngày 21/7 đến 6h ngày 22/7 có 2.967 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 2965 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.433), Long An (233), Bình Dương (64), Đồng Nai (53), Tiền Giang (41), Vĩnh Long (38), Bến Tre (28), Đà Nẵng (27), An Giang (15), Kiên Giang (10), Hậu Giang (5), Bình Phước (5), Hải Phòng (3), Cần Thơ (3), Hà Nội (2), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Huế (1) trong đó có 181 ca trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế: ‘TP.HCM thực sự quá tải’

Theo Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết số lượng bệnh nhân tăng nhanh mỗi ngày khiến TP.HCM thực sự quá tải. Ông nói: “Với quy định về cách ly F1 tại nhà và giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân Covid-19 do Bộ Y tế mới ban hành không chỉ áp dụng cho các vùng dịch như TP.HCM mà thực hiện ở tất cả các địa phương. Áp dụng như vậy sẽ giúp giảm tải được 1/3 trường hợp cách ly điều trị trong cơ sở y tế, nhường chỗ cho các bệnh nhân mới”.

Còn PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng TP.HCM bị quá tải hệ thống bệnh viện; bị động trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực y tế. Việc này thể hiện rõ khi nhiều trường hợp F0 có biến chứng nặng chưa được chuyển đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Ông Nhung nhận định “Hệ thống bệnh viện chỉ cần chịu trách nhiệm cho khoảng 16% bệnh nhân mức độ trung bình, nặng và nguy kịch thì mới đáp ứng được yêu cầu giảm biến chứng, giảm tử vong”. Còn lại “giao cho đội ngũ y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế tư nhân cùng chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể kết hợp nguồn lực sẵn có của người dân để quản lý và theo dõi ngoài bệnh viện (tại nhà, khu cách ly tập trung, khách sạn, bệnh viện dã chiến…) khoảng 84% số người nhiễm không triệu chứng hoặc rất nhẹ”.

bệnh nhân
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện (ảnh chụp màn hình báo VTC News).

F0 nào được cách ly ở nhà, F0 nào chuyển cơ sở quản lý và F0 nào vào bệnh viện?

Theo Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng bộ phận thường trực chống dịch ở phía Nam thống nhất phân loại các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm, trường hợp bệnh nhân nặng để tránh tình trạng quá tải cho hệ thống y tế như sau:

1- Đối với trường hợp nghi nhiễm khi xét nghiệm bằng test nhanh dương tính thì được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm – cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập. Khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính nếu nồng độ virus ở mức độ thấp (CT> 30) thì được quản lý và theo dõi y tế tại nhà.

2- Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân sẽ chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người nhiễm COVID-19 ban đầu. Cơ sở này được hình thành từ các khu ký túc xá, nơi lưu trú, bệnh viện dã chiến… mức độ ban đầu.

3- Đối với bệnh nhân có triệu chứng tiến triển, được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương.

4- Đối với bệnh nhân có tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch thì đưa ngay đến các cơ sở điều trị có khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh do TS Nguyễn Tri Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành.

Bình Dương không đủ sức, TP. HCM đảm nhận điều trị 506 ca nhiễm ở Cơ sở cai nghiện ma tuý Bố Lá

Theo Tuổi trẻ, vào chiều 21/7, liên quan đến việc cơ sở cai nghiện ma tuý Bố Lá có 450/607 người cai nghiện dương tính và 56/82 nhân viên dương tính, lực lượng của Bình Dương quá tải nên TP.HCM phải đảm nhiệm việc thực hiện cách ly, điều trị cho 450 người cai nghiện trong 4 khu và 1 khu riêng cho nhân viên. 

Bình Dương không đủ sức, TP. HCM đảm nhận điều trị 506 ca nhiễm ở Cơ sở cai nghiện ma tuý Bố Lá
Cơ sở cai nghiện Bố Lá đã được hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự và đề nghị mở rộng xét nghiệm sau khi xuất hiện nhiều ca nghi nhiễm COVID-19 – (ảnh: Ngân Hà).

TP.HCM đã cử 1 tổ bác sĩ đến Bình Dương, nếu bệnh chuyển nặng thì những người cai nghiện sẽ chuyển lên Bệnh viện Nhân Ái (tỉnh Bình Phước), còn đối với nhân viên thì chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương hoặc Bệnh viện củ Chi.

Hà Nội: Phun khử khuẩn toàn bộ thị trấn Quốc Oai vì chùm ca bệnh phức tạp

Theo Tuổi trẻ, vào chiều 21/7, Bộ tư lệnh thủ đô huy động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ, 4 xe chuyên dụng phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai và các đơn vị liên quan tổ chức khử khuẩn khắp các tuyến đường, ngõ, ngách tại thị trấn Quốc Oai.

Hà Nội: Phun khử khuẩn toàn bộ thị trấn Quốc Oai vì chùm ca bệnh phức tạp
4 xe chuyên dụng, trong đó có 1 xe cỡ lớn đã được điều tới phun khử khuẩn những tuyến đường chính của thị trấn Quốc Oai, Hà Nội (ảnh: Tuổi trẻ).

Trong 10 ngày qua, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng, ghi nhận 22 ca nhiễm, 165 F1 và hơn 1.300 trường hợp F2. Trong 24 giờ qua, tình hình phức tạp hơn khi liên tiếp phát hiện 7 trường hợp F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây và hàng trăm trường hợp tiếp xúc liên quan.

WHO: Biến thể Delta sẽ thống trị trong vài tháng tới, nguy cơ biến thể mới độc hơn

Theo NDTV, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Delta sẽ là biến thể chính trong vài tháng tới. Biến thể Delta này được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, hiện đã có mặt tại 124 lãnh thổ và gây ra phần lớn các ca mắc COVID-19 tại nhiều nước lớn.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Lây nhiễm càng cao thì biến thể sẽ xuất hiện càng nhiều, có khả năng còn nguy hiểm hơn biến thể Delta”. Đồng thời ông cho biết càng thêm nhiều biến thể thì khả năng càng lớn một trong số đó sẽ kháng các loại vắc xin đang có và việc nghiên cứu phải bắt đầu lại từ đầu.

Xem thêm: Mời quý vị xem video bản tin sáng ngày 22/7/2021