Vụ vận chuyển trái phép 30 ngàn tỷ qua biên giới: Tiền này của ai?; Kẻ chém 3 người từng được gia đình nạn nhân nhận làm con nuôi… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 11/6/2022.
Tóm tắt nội dung
Hà Nội: Thí sinh F0 được xét học bạ vào lớp 10
Thí sinh F0 có giấy xác nhận của cơ sở y tế trong trường hợp được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế và xác nhận của địa phương nếu điều trị tại nhà.
Nếu rơi vào một trong hai trường hợp này, thí sinh được xét học bạ hoặc vẫn tham gia thi nếu có nguyện vọng dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội.
Nếu không muốn xét tuyển, thí sinh F0 năm nay vẫn được dự thi tại phòng riêng nhưng phải đảm bảo cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Dù lựa chọn hình thức nào, phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp của thí sinh phải nộp đơn đề nghị xét tuyển và giấy xác nhận F0 hoặc đơn tự nguyện dự thi trước 14h ngày 17/6. Thí sinh chỉ được chọn một hình thức và không tham gia hình thức còn lại.
Trong trường hợp phát hiện F0 sau mốc 14h ngày 17/6 đến trước 8h ngày 19/6, thí sinh vẫn được nộp đơn xin xét tuyển hoặc tự nguyện thi và hoàn thành các giấy tờ còn lại sau (đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).
Xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Quảng Trị
Ngày 2/6, hộ ông Ngô Quang Phi ở Đội 1, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) có đàn vịt 10 ngày tuổi bị chết rải rác khoảng 300 con.
Nhận tin báo, cơ quan chức năng đến lấy mẫu kiểm tra, thời điểm kiểm tra có khoảng 900 con bị bệnh và chết. Vịt bị bệnh có các biểu hiện: Sốt, mắt đục, nghẹo đầu và xoay vòng.
Đến chiều 9/6, Chi cục Thú y vùng III có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm cho thấy, vịt của hộ ông Phi có kết quả dương tính với virrus cúm gia cầm subtype H5N1.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng đã tiếp tục tổ chức tiêu hủy 830 con gia cầm, tổng số gia cầm tiêu hủy là 1.730 con (đọc toàn bản tin trên báo Lao Động).
Hơn 100 công an vây bắt 5 người trốn trại
Chiều 11/6, một lãnh đạo công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã bắt giữ được 5 người trốn khỏi nhà tạm giữ công an thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Sáng cùng ngày, công an tỉnh Đắk Lắk đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với công an tỉnh Hưng Yên tổ chức vây bắt 5 người trốn khỏi nhà tạm giữ.
“4 người bị bắt giữ vào buổi sáng, người còn lại vừa bị bắt giữ. 5 người bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Cư M’gar và huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk” – vị này thông tin thêm (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Vụ vận chuyển trái phép 30 ngàn tỷ qua biên giới: Tiền này của ai?
Như báo PLO đã đưa tin, mới đây, VKSND TP. Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền cực lớn, lên tới hơn 30 ngàn tỷ đồng.
13 bị can cùng bị truy tố về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, trong đó có Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi) và chồng là Phạm Anh Tuấn (38 tuổi, cùng trú tại Tây Hồ, Hà Nội).
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến 2020, vợ chồng Nguyệt cấu kết cùng các đồng phạm hợp thức hoá hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30 ngàn tỷ đồng ra nước ngoài. Nguyệt còn lôi kéo nhiều người trong gia tộc tham gia đường dây phạm tội.
Một vấn đề được đặc biệt quan tâm trong vụ án, đó là số tiền hơn 30 ngàn tỷ được vận chuyển trái phép qua biên giới là của ai, vì sao lại chuyển trái phép ra nước ngoài? Tuy nhiên, cáo trạng chưa đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi này.
Theo đó, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định 11 cá nhân là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt.
Tuy nhiên, đến nay, do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nhóm trên nên công an TP. Hà Nội đã tách tài liệu vụ án liên quan đến các đối tượng giao tiền, nhận tiền từ khách rồi chuyển cho Nguyệt; đồng thời tách tài liệu liên quan đến các đối tượng là người có tiền chuyển ra nước ngoài để tiếp tục điều tra, xử lý sau (đọc toàn bản tin trên báo Pháp Luật TP. HCM).
Kẻ chém 3 người từng được gia đình nạn nhân nhận làm con nuôi
Ông Phạm Văn Huy – Chủ tịch UBND xã Thạch Lập cho biết, nghi phạm Lê Văn Lượng không phải là người dân địa phương. Khi Lượng lên 12-13 tuổi, mẹ mất, bố bỏ đi nên cậu bé mồ côi từ huyện Lang Chánh lang thang lên làng Đỗ Sơn, xã Thạch Lập.
Thời điểm này, người dân làng Đô Sơn vẫn đang rất nghèo đói, nhưng thấy hoàn cảnh cậu bé mồ côi đáng thương, lại hiền lành chăm chỉ nên gia đình anh trai của ông Phạm Thăng Long (bố chồng nạn nhân H.) nhận làm con nuôi.
Lượng lớn lên trong sự bao bọc, cưu mang của gia đình bố nuôi và người dân làng Đô Sơn. Khi đến tuổi trưởng thành, họ là người mai mối, đứng ra tổ chức hôn lễ cưới vợ cho Lượng.
Vợ chồng Lượng sinh được hai người con gái, từ một cậu bé mồ côi hiền lành, chăm chỉ dần dần Lượng sa vào các bữa ăn nhậu và nghiện rượu. Từ đó, cuộc sống vợ chồng bất hòa, con đi làm ăn xa, vợ bỏ nhà đi, Lượng lại quay trở lại quãng đời “mồ côi”.
Cũng theo ông Huy, giữa Lượng và các nạn nhân không hề có mâu thuẫn, hiềm khích hay thù ăn gì với nhau. Đây hoàn toàn là sự bột phát, việc Lượng chém những người có ơn bao bọc, cưu mang, giúp đỡ mình khiến chính quyền địa phương và người dân rất bất ngờ (đọc toàn bản tin trên báo Người Đưa Tin).