Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được chị gái thương xót, nộp hộ 10 tỷ đồng; Quang Hải bị CSGT dừng xe vì va chạm ôtô… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 20/6/2022.
Tóm tắt nội dung
Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị phạt thêm 10 năm tù
Sau ba ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Trần Phương Bình, 63 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) mức án trên vì tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tổng hợp chung với hai án chung thân trong các vụ án trước (đều liên quan sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB), mức án ông Bình phải thi hành là chung thân.
Cùng tội danh, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, 64 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc DAB, bị phạt 11 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 30 năm tù trong vụ án đầu tiên, bà Xuyến bị phạt 30 năm tù (mức án tối đa của hình phạt tù có thời hạn).
Tám bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án 24 tháng tù treo đến 5 năm tù (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Mổ ‘bắt con’ cho thai phụ gặp nạn vụ ôtô đâm hàng loạt xe trong đêm ở Đà Nẵng
Ngày 20/6, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho hay đã mổ cấp cứu cho thai phụ 8 tháng gặp nạn trong vụ đâm xe liên hoàn trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tối 19/6 khiến 5 chiếc xe máy hư hỏng, hai ô tô bị đâm nát phần đuôi.
Bệnh viện thông tin, thai phụ được chuyển vào viện trong tình trạng suy thai cấp, rách tầng sinh môn… Trước tình trạng sức khỏe nhiều nguy hiểm, các bác sĩ đã tiến hành mổ bắt con cho thai phụ. Cháu bé chào đời khi được 8 tháng tuổi (sinh non). Hiện tại, thai phụ và em bé đang được theo dõi sức khỏe (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được chị gái thương xót, nộp hộ 10 tỷ đồng
Chiều 20/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic (Công ty Arktic); và Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội), trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C gây thiệt hại cho nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
Tại tòa, ông Chung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét về số tiền 10 tỷ đồng mà gia đình đã nộp khắc phục hậu quả ở giai đoạn sơ thẩm, số tiền này do chị gái ông Chung nộp, ông đề nghị được phép trao đổi trực tiếp với chị gái để cân nhắc việc có đồng ý nộp hay không.
Chị gái bị cáo Chung được tòa triệu tập, song vì lý do sức khỏe, người này không đến và có đơn xin xét xử vắng mặt. Chủ tọa đã thay mặt, công bố nội dung đơn chị gái bị cáo Chung nộp cho HĐXX.
Theo đó, chị gái ông Chung cho biết thấy em trai bị truy tố ở khung hình phạt cao, bà rất thương xót. Chị gái bị cáo Chung cho rằng nếu gia đình khắc phục hậu quả thì em trai sẽ được giảm nhẹ hình phạt, nên đã vay mượn để nộp 10 tỷ đồng, khắc phục hậu quả cho em trai mà không bàn bạc với bị cáo Chung.
Nội dung đơn được công bố còn thể hiện nếu ông Chung vẫn bị kết tội thì chị gái bị cáo này vẫn tự nguyện khắc phục số tiền 10 tỷ đồng, không đề nghị trả lại (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
100 container hạt điều bị nghi lừa đảo được trả cho doanh nghiệp Việt
Ngày 20/6, Thương vụ Việt Nam tại Italy thông tin toàn bộ các container hạt điều nghi bị lừa đảo tại nước này đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt.
Theo đó, cơ quan này cho biết có 100 container của 6 công ty xuất khẩu Việt Nam ký hợp đồng bán cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Italy. Ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp phối hợp với nhiều đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 container.
“Trong số 74 container đã giao hàng xuống tàu thì có 39 container phía Việt Nam đã kịp thời dừng một số container tại cảng transit (cảng trung chuyển – PV) ở Singapore… cho quay trở lại Việt Nam. Các container đã và đang trên đường đến cảng Italy thì được đề nghị giao lại bộ chứng từ gốc chưa giao cho ngân hàng người mua”, Thương vụ Việt Nam tại Italy cho hay.
Về 35 container mất bộ chứng từ gốc, cơ quan chức năng đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Italy hoặc nước thứ ba. Với 5 container còn nằm tại cảng Italy, sau quá trình làm việc, ngày 27/5, tòa án dân sự Larino đã phán quyết trả lại quyền sở hữu của 3 container.
“Ngày 15 và 16/6, Cảnh sát Kinh tế – Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, cho đến nay toàn bộ 100 container hạt điều đều đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt”, cơ quan này thông tin (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Lời khai ban đầu của nhóm “biến hóa” hàng triệu lít xăng tại Bà Rịa- Vũng Tàu
Theo đó, bà Võ Hoài Phương (sinh năm 1984, giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Gia Khiêm) thuê người làm thêm hệ thống bồn chứa xăng gồm bồn nổi và bồn chôn ngâm dưới đất, cùng hệ thống máy bơm công suất lớn (hệ thống máy này không nằm trong thiết kế của cây xăng đã được cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy) để tích trữ, nhập, xuất xăng dầu.
Người này trực tiếp chỉ đạo các lái xe của công ty chở xăng, hóa chất từ nơi khác về đổ vào các bồn được làm thêm, mua chất tạo màu và hướng dẫn nhân viên cách pha trộn xăng, hóa chất. Sau đó, các chất này được đổ chung vào nhau, thêm bột tạo màu rồi bơm lên các xe chở đi tiêu thụ. Số lượng xăng làm giả được mang đi tiêu thụ khá lớn, có thể lên tới hàng triệu lít (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Quang Hải bị CSGT dừng xe vì va chạm ôtô
Chiều 20/6, MXH lan truyền hình ảnh cầu thủ Quang Hải bị một cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội dừng xe trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Trao đổi với báo Zing sau khi thông tin được lan truyền, đại diện Phòng CSGT công an Hà Nội cho biết theo thông tin ban đầu từ Đội CSGT số 4, ôtô của cầu thủ Quang Hải xảy ra va chạm giao thông với một phương tiện khác khi đang lưu thông trên phố Bạch Mai.
Theo vị này, vụ va chạm nhẹ không gây hậu quả gì. Vị này cũng phủ nhận thông tin trên mạng xã hội cho rằng Quang Hải điều khiển ôtô vượt đèn đỏ, nên mới bị CSGT dừng xe.