Hà Nội lập đỉnh gần 9.000 ca Covid-19 trong 24h; Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt 1: ‘Nếu bỏ chữ p trong sách thì tội tôi to lắm, có thể bỏ tù được rồi’; Ba cháu ‘thất học’ vì bị trộm điện thoại, bà thương rơi nước mắt… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 24/2/2022.
Tóm tắt nội dung
Số ca Covid-19 tăng vọt lên 69.128 F0
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ngày 24/2 cho biết, cố ca Covid-19 tăng vọt lên 69.128 F0 tại 62 tỉnh, thành; nhiều hơn hôm qua gần 8.800 ca. Trong đó, Hà Nội lập đỉnh 8.864 F0, tiếp theo là Bắc Giang 4.171 F0.
Trong ngày có 19.062 F0 khỏi bệnh; 111 trường hợp tử vong.
Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt 1: “Nếu bỏ chữ p trong sách thì tội tôi to lắm, có thể bỏ tù được rồi”
Mới đây, dư luận hoang mang trước ý kiến của thầy Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thầy Vịnh cho rằng, trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tác giả đã hoàn toàn loại bỏ âm p (pờ) ra khỏi chương trình học. Điều này dẫn tới hệ lụy về mặt ngôn ngữ của học sinh cũng như dịch thuật…
Chia sẻ với báo báo Dân Việt, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết: “Tôi không hiểu tại sao mọi người sẵn sàng chia sẻ ý kiến mà không có cơ sở gì. Nhiều người nói sách bỏ hẳn chữ p. Nếu bỏ chữ p thì tội tôi to lắm, có thể bỏ tù được rồi.
Xin khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GDĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định “cứng”, không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi”… (đọc toàn bản tin trên báo Dân Việt).
Công an khuyến cáo: Đừng “vô tư” đăng ảnh CCCD gắn chip lên mạng!
Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa khuyến cáo người dân không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân gắn chíp trên MXH để tránh nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.
“Các đối tượng có thể dùng hình ảnh căn cước công dân (hay chứng minh nhân dân) hai mặt của công dân (đưa lên mạng) đăng ký tài khoản ngân hàng, hoặc vay tiền trên app, dùng để đăng ký số điện thoại trả sau và có thể bị dùng để đăng ký mã số thuế ảo…”- cơ quan công an cho hay (đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).
Cựu chủ tịch TP. Trà Vinh lĩnh 10 năm tù
Ngày 24/2, sau 10 ngày xét xử, ông Diệp Văn Thạnh (53 tuổi, cựu chủ tịch UBND TP. Trà Vinh) bị TAND tỉnh Trà Vinh tuyên phạt 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Cùng tội danh, ông Trần Trường Sơn, 46 tuổi, cựu phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh, lĩnh 6 năm tù.
15 người khác bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 6 năm tù (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Ba cháu “thất học” vì bị trộm điện thoại, bà thương rơi nước mắt
Ngày 24/2, bà Nguyễn Thị Gái (62 tuổi) cho biết, chiều 23/2, khi bà đang ru cháu ngoại ngủ tại nhà trong hẻm 8 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP. HCM) thì có một người phụ nữ bán vé số thập thò phía trước.
Sau một hồi quan sát, người này đi vào bên trong, tiến lại bàn thờ ông Địa lấy 2 điện thoại di động và một iPad giấu vào nách rồi đi ra ngoài. Diễn biến vụ việc được camera an ninh ghi lại.
Theo bà Gái, trước Tết gia đình bà vay 5 triệu đồng từ chủ nhà trọ kế bên để mua điện thoại, iPad cho 2 cháu ngoại và một cháu nội học online tại nhà. Do dịch bệnh nên gia đình bà Gái vẫn chưa trả được số tiền trên.
“Cả gia đình tôi bỏ cơm vì buồn rầu. Mấy đứa cháu chạy ra các tiệm cầm đồ để hỏi thăm nhưng không có kết quả. Giá trị tài sản bị mất hơn 7 triệu đồng”, bà Gái cho hay (đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).
Mời quý độc giả xem thêm video tin tổng hợp (24/2): F0 tăng kỷ lục, 80.000 CA MẮC/24H. Việt Nam đối diện ‘áp lực chưa từng có’