1016-screen-shot-2020-10-07-at-090938
Video trên Telegraph cho thấy cảnh sát Trung Quốc dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình ở Hồng Kông (ảnh chụp màn hình)

Trong phiên họp của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 6/10, Đức đại diện cho 38 quốc gia khác lên án Trung Quốc về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông. Đại sứ Đức tại LHQ, ông Christoph Heusgen, kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn Duy Ngô Nhĩ đào thoát khỏi Trung Quốc.

Ông Heusgen cho biết các nước phương Tây cũng “quan ngại sâu sắc” về luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt với Hồng Kông. Giới quan sát cho rằng đạo luật này đã chính thức kết liễu nền dân chủ tại Hồng Kông, trái ngược với lời hứa của Bắc Kinh khi tiếp quản thành phố này từ Anh Quốc vào năm 1997.

Ông Heusgen phát biểu: “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình nhân quyền ở Tân Cương và những diễn biến gần đây ở Hồng Kông”.

Ông bày tỏ: “Trước những lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng nguyên tắc không gửi trả”.

Theo quy định của Liên Hợp Quốc, nguyên tắc “không gửi trả” (non-refoulement) cấm các quốc gia chuyển giao các cá nhân trở về nước của họ, nếu người đó có nguy cơ bị bắt bớ, tra tấn hoặc bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở đất nước của họ.

Trung Quốc phản pháo

SCMP cho biết, Trung Quốc và các đồng minh của họ tại Liên Hợp Quốc đã phản pháo lại, cho rằng các quốc gia phương Tây đang can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Ngược lại, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đã đọc một bài phát biểu lên án Mỹ vi phạm nhân quyền. Trung Quốc đưa ra bài phát biểu này thay mặt cho 26 quốc gia khác, trong đó có Belarus, Triều Tiên, Iran, Syria và Venezuela.

Ông Trương nói: “Cái chết của George Floyd và vụ bắn Jacob Blake vẫn đang xảy ra… Những vụ việc này cho thấy tình trạng phân biệt chủng tộc lâu đời và sâu sắc, sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất bình đẳng xã hội” ở Mỹ. Ông Trương đề cập đến vụ việc ông George Flyod, một nghi phạm da màu tử vong khi bị cảnh sát Mỹ ghì cổ xuống đường. Trong một vụ việc khác, cảnh sát Mỹ đã bắn ông Blake khi cố gắng bắt ông vì một vụ tranh chấp bạo lực gia đình. Cả hai vụ việc đều dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ tại Mỹ.

SCMP cho biết, Cuba đã dẫn đầu một nhóm 45 quốc gia ca ngợi các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của chính quyền Trung Quốc trích tuyên bố chung của các nước đồng minh, trong đó “đánh giá cao việc Trung Quốc thực hiện một loạt các biện pháp nhằm đối phó với các mối đe dọa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan phù hợp với luật pháp, để bảo vệ nhân quyền của tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương”.

Theo kết quả nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ ở khu vực Tân Cương. Bác bỏ những lời chỉ trích của phương Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng đó là biện pháp để “chống khủng bố” và “đào tạo nghề” cho người Duy Ngô Nhĩ.