Tình hình hiện tại của chính quyền Trung Quốc hết sức rối ren, đã xuất hiện thông tin Tổng bí thư ĐCS TQ Tập Cận Bình bị tướng Lý Thượng Phúc – Bộ trưởng Quốc phòng, âm mưu đảo chính.
Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang hỗn loạn bất an, các vụ bắt bớ xảy ra khắp nơi. Sau khi có thông tin lan truyền về việc lãnh đạo cao cấp của Lực lượng không quân bị cách chức và sự mất tích đầy bí ẩn của Bộ trưởng Quốc phòng, tờ The Epoch Times nhận được nguồn tin từ nhiều nơi tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã bị bắt và khai ra 8 tướng lĩnh cao cấp khác trong Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Hiện tại, nội bộ quân đội đang trong tình trạng hỗn loạn và sợ hãi. Ông Tập Cận Bình không còn tín nhiệm các tướng lĩnh, khiến họ mang theo tâm lý “đi cùng ông Tập như đi cùng hổ.”
Cựu nhân viên truyền thông Hoa lục hiện đang sống ở hải ngoại Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian) cập nhật tin tức mới nhất với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, Tướng Lý Thượng Phúc đã bị bắt hôm 01/09. Sau khi bị bắt giữ, ông đã bị quản thúc và nhiều quan chức quân sự nắm giữ chức vụ quan trọng khác cũng đã bị bắt.
Theo ông Triệu Lan Kiện, tướng Lý Thượng Phúc có ý định mưu phản. Ông nói: “Trong tầng lớp hồng nhị đại của nội bộ đảng, rất nhiều người có thái độ cứng rắn phản đối ông Tập, và có một nhóm người bất mãn với ông Tập.”
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ vắng mặt trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. Một số nhà phân tích cho rằng lý do đằng sau sự việc này là ông Tập lo sợ bị ám sát hoặc bị đảo chính trong nước khi đi ra nước ngoài.
Bản đồ mới công bố của Trung Quốc cho thấy nội bộ ĐCSTQ rạn nứt
Bản đồ mới do Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố hôm 28/08 đã tuyên bố chủ quyền đối với nhiều vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thu hút sự phản đối từ các quốc gia có liên quan.
“Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc Phiên bản 2023” thể hiện các tuyên bố lãnh thổ mà nước này đã đưa ra trước đây cũng như những tuyên bố đối với một số vùng lãnh thổ mới.
Những vùng lãnh thổ này, vốn được tuyên bố trong bản đồ mới trong sự kiện “Tuần lễ Công khai Nâng cao Nhận thức về Bản đồ Quốc gia,” là thuộc về Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Philippines, và Đài Loan, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia, và Indonesia.
Trong khi việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các vùng đất của Ấn Độ, như Arunachal Pradesh và Aksai Chin, không có gì mới, thì đây là lần đầu tiên ĐCSTQ đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hòn đảo Ostrov Bolshoy Ussuriysky hầu như bị bỏ hoang của Nga, còn được gọi là đảo Hắc Hạt Tử (Heixiazi) hay đảo Great Ussuri.
Theo “Phụ lục Pháp lý Liên quan đến Biên giới phía Đông Trung-Nga” — được Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đương thời Hồ Cẩm Đào ký hồi năm 2004 và được Trung Quốc phê chuẩn hồi năm 2005 — hòn đảo này đã được chia đều cho hai nước sau khi Moscow bàn giao phần phía tây của hòn đảo cho Bắc Kinh vào năm 2008.
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học sống tại Đức, nói với The Epoch Times rằng, “Mũi phía đông của hòn đảo đó, hiện được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn, nằm đối diện với thành phố Khabarovsk ở nơi xa xôi (thuộc vùng Liên bang Viễn Đông) của Nga. Thậm chí còn có một ngôi làng nhỏ có tên là Ussuriskyi của Nga với một cảng sông nho nhỏ ở mũi phía đông của đảo Hắc Hạt Tử, ngay đối diện Khabarovsk. Điều này sẽ biến người Nga sống ở ngôi làng nhỏ đó trở thành ‘người Trung Quốc.’”
Ngoài các lãnh thổ của Ấn Độ và Nga, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và “đường 10 đoạn” ở phía đông Đài Loan. Kể từ khi bản đồ này được phát hành, thì Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia, và Philippines đã đệ đơn khiếu nại chính thức phản đối bản đồ này. Nga vẫn chưa có phản ứng gì và Hoa Kỳ gọi hành động này là “trái pháp luật.”
Các chuyên gia cho biết, bản đồ mới chạm đến tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc và thời điểm phát hành bản đồ cho thấy cái nhìn sơ lược về tình hình nội bộ của ĐCSTQ, nơi các bè phái khác nhau không ngừng giành giật quyền lực.
Ông Lehberger nói, “Bản đồ này phản ánh chính xác về căng thẳng chính trị tại Trung Quốc và phần nào là một loại bằng chứng về chủ nghĩa ái quốc và lòng trung thành tuyệt đối với giáo lý độc đoán của ông Tập. Bộ Tài nguyên ban hành bản đồ này, chứ không phải Bộ Ngoại giao. Vì vậy, đây cũng là một cuộc chạy đua trong nội bộ ĐCSTQ để xem trong số họ, ai là người [trung thành nhất].”
Trong khi đó, Claude Arpi, một nhà nghiên cứu về Tây Tạng gốc Ấn Độ, tác giả sinh ra tại Pháp, kiêm nhà sử học, tin rằng tấm bản đồ này thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ ĐCSTQ.
Ông Arpi nói: “Tôi cho rằng ông Tập hiện không phải là người điều khiển ở Trung Quốc và ông ta không có toàn quyền kiểm soát tất cả các bộ. Ông Tần Cương là bằng chứng cho điều đó. Suy đoán duy nhất của tôi là có lẽ một phe phái [đối nghịch với] ông ta muốn làm trầm trọng thêm sự chia rẽ với các quốc gia lân bang bằng cách tái xuất bản tấm bản đồ.”
Bản đồ này được công bố ngay trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Ấn Độ và hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 tại Jakarta hồi đầu tháng 9 này. Ông Arpi tin rằng thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Arpi cho biết như sau: “Việc phát hành bản đồ vào đúng lúc đó giống như một kiểu phá hoại chuyến công du ngoại quốc của ông Tập Cận Bình, đồng thời cho biết thêm rằng mọi thứ dường như không thuận lợi cho ông Tập sau mật nghị Bắc Đới Hà hồi tháng trước. Ông đặc biệt chú ý đến vòng đàm phán biên giới bất thành lần thứ 19 giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi giữa tháng Tám.”
Khi sự chia rẽ này diễn ra ở Trung Quốc, điều đó thường có nghĩa là có hai quan điểm đối lập nhau mạnh mẽ, quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn (thường do Quân Giải phóng Nhân dân lãnh đạo đưa ra) và ‘quan điểm ngoại giao.’ Một lần nữa, điều đó có nghĩa là có sự chia rẽ sâu sắc trong giới lãnh đạo cao cấp. Điều này sẽ giải thích tại sao ông Tập từ chối [tham dự] các cuộc họp ASEAN và G-20 mà thay vào đó quyết định cử thủ tướng của mình, người còn rất mới mẻ trong lĩnh vực ngoại giao đến dự thay.”
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cách duy nhất để chống lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh là các nước có chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm phải hiệp sức lại để ngăn chặn chế độ này.