Các cuộc xung đột của Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, cho thấy một thực tế là: Quân đội Trung Quốc có thể thổi bùng những “mâu thuẫn nhỏ” thành “xung đột to”; từ đó dẫn đến những hệ quả nguy hiểm cho các bên liên quan, theo bài bình luận của một chuyên gia về chính sách quốc phòng của Mỹ.
- Biển Đông: Hơn 200 tàu Trung Quốc tiến sát đảo Sinh Tồn Đông thuộc tỉnh Khánh Hòa
- Việt Nam phản đối 220 tàu Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức thông báo tập trận ở Biển Đông
Ông Blake Herzinger là một chuyên gia dân sự về chính sách quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; hiện là sĩ quan Cục Dự trữ Hải quân Hoa Kỳ.
Mở đầu bài phân tích trên trang Foreign Policy ngày 29/3, ông Herzinger viết: “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng; với những lời lẽ ngày càng leo thang và nguy cơ tính toán sai lầm của cả hai bên”.
Ông Herzinger chỉ ra rằng: “Các vấn đề quân sự không phải là khía cạnh duy nhất của mối quan hệ song phương; nhưng chúng là khía cạnh nguy hiểm nhất. Khi sự hiện diện an ninh của Trung Quốc mở rộng theo các lợi ích kinh tế của nước này, quân đội hai nước sẽ ngày càng tiếp xúc thường xuyên hơn.”
Tóm tắt nội dung
Từ va chạm nhỏ đến xung đột lớn
Các mối tiếp xúc này có thể xảy ra các va chạm nhỏ; từ đó có thể bùng phát thành một cuộc xung đột lớn. Tác nhân đưa đến cuộc xung đột có thể từ cấp cao – như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hay có thể từ cấp thấp – như những người lính không kiềm chế được nóng giận khi xảy ra tranh cãi.
Ông Herzinger viết: “Khi một mâu thuẫn hàng hải dẫn đến việc các tàu va chạm hoặc một cuộc tranh cãi ở biên giới leo thang thành tiếng súng; ai sẽ là người đưa ra các quyết định tiếp theo và điều đó có thể leo thang, với những hậu quả khủng khiếp?”
Ông chỉ ra rằng có rủi ro là những người lính ở cấp thấp có thể làm bùng phát xung đột; kể cả khi cấp cao không muốn điều đó.
“Liệu quân đội Trung Quốc có khả năng, hoặc thậm chí thèm quan tâm, đến việc xoa dịu và tránh né các cuộc chạm trán nguy hiểm ở cấp thấp? Việc kết hợp sự ngạo mạn ngày càng tăng và chủ nghĩa dân tộc quá khích có khi sẽ dẫn đến những tính toán sai lầm thảm khốc?”
Các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và láng giềng
Xung đột giữa Trung Quốc và Liên Xô, Ấn Độ
Ông Herzinger đề cập đến các vụ xung đột vũ trang của Trung Quốc với các nước láng giềng trong quá khứ. Ví dụ, “năm 1969, các lực lượng Trung Quốc đã kích động một cuộc phục kích tàn bạo vào những người lính biên phòng Liên Xô không hay biết gì tại đảo Zhenbao, một khu vực tranh chấp trên sông Ussuri”, ông viết.
Hai là “cuộc hỗn chiến tầm cao giữa lính biên phòng Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra vào tháng 6 năm ngoái tại Giới tuyến Kiểm soát Thực tế (LAC)” – khu vực tranh chấp giữa hai nước.
Xung đột Việt – Trung năm 1988
Ông Herzinger cũng đề cập đến vụ xung đột Việt – Trung năm 1988. Theo Wikipedia, khi đó hải quân Trung Quốc đã tấn công vũ trang và hải quân Việt Nam hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma.
Việt Nam đã đưa quân ra bảo vệ và xây dựng công trình trên các bãi đá này. Trung Quốc lập tức cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng để giật cờ Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma. Sau đó Trung Quốc dùng pháo trên chiếm hạm bắn vào tàu vận tải hải quân Việt Nam, khiến cuộc chiến nổ ra vào sáng ngày 14/3/1988. Việt Nam bị mất 3 tàu vận tải hải quân; trong khi 64 thủy binh Việt Nam hy sinh.
Ai là người kích phát xung đột?
Ông Herzinger cho rằng “các học giả không biết ai là người thực sự kích phát” các cuộc xung đột này. Đó có thể là một viên chỉ huy cấp địa phương; hoặc cũng có thể là từ chính Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông cho rằng đây là một thiếu sót trong việc kiểm soát lực lượng của Trung Quốc. Chính điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm; không thể kiểm soát được; và có những hậu quả thảm khốc.
Khi Trung Quốc ngày càng tự mãn về khả năng kiểm soát của mình; hoặc tự tin rằng họ có thể chiến thắng trong các cuộc xung đột; thì họ có thể còn trở nên liều lĩnh hơn nữa, theo ông Herzinger. Nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, điều đó có thể bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân tồi tệ.
Mỹ nên đối phó với Trung Quốc như thế nào?
Ông Herzinger cho rằng Hoa Kỳ đang nắm giữ sức mạnh mà Trung Quốc khó có thể đương đầu.
“Cho đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo các lực lượng của họ không nên nổ phát súng đầu tiên vào lực lượng Hoa Kỳ; chính xác là vì Đảng không thể chắc chắn họ có thắng hay không”, ông Herzinger viết.
Ông cho rằng Mỹ nên dựa vào sức mạnh của hệ thống ủy quyền rõ ràng của Mỹ và năng lực của các sĩ quan chỉ huy trong việc đưa ra quyết định thực chiến. Ông gọi đây là “một trong những tài sản lớn nhất của Mỹ trong việc bảo đảm duy trì sự vượt trội gia tăng đối với quân đội Trung Quốc”.
Ông cũng lưu ý rằng không phải hành vi hung hăng nào của Trung Quốc cũng là do chỉ đạo từ Bắc Kinh; mà có thể là từ sự quá khích của cấp dưới ở địa phương. Tuy nhiên “hệ quả của mỗi hành vi đều có thể chấn động toàn cầu”.