Khi xung đột vũ trang diễn ra giữa Nga và Ukraine, Trung Quốc lựa chọn im lặng. Tuy nhiên, chiến tranh ở Ukraine đã gây ra rủi ro cho hàng tỷ đô la của Bắc Kinh. Đồng thời Trung Quốc phải đối mặt với ít nhất 2 thách thức khó giải quyết. 

Chiến tranh gây ra rủi ro cho hàng tỷ đô la trong thương mại Ukraine-Trung Quốc

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Các chuyên gia cho rằng một cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài có thể gây rủi ro cho hàng tỷ đô la thương mại giữa Trung Quốc và Ukraine. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Kim ngạch thương mại Ukraine-Trung Quốc đã tăng trong năm 2017 lên 7,69 tỷ USD và đạt 8,82 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2018, theo trang web của Bộ Kinh tế Ukraine. Bộ cho biết hai bên đặt mục tiêu vào năm 2019 là 10 tỷ đô la mỗi năm.

Hơn nữa, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine vào năm 2019, theo dữ liệu do công ty luật Crane IP của Ukraine thu thập . Các nhà phân tích ước tính thương mại hai chiều ngày nay từ 10 tỷ đến 20 tỷ USD mỗi năm.

Không chỉ vậy, Ukraine cũng xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như ngô, lúa mạch và dầu hướng dương. Khoảng một phần ba lượng ngô của Trung Quốc đến từ Ukraine. 

Vào năm 2017, một tập đoàn của Trung Quốc đã đồng ý xây dựng tuyến thứ tư cho cùng một hệ thống tàu điện ngầm nơi Huawei đang lắp đặt 4G.

Ngoài vấn đề về kinh tế, Trung Quốc còn để mắt đến ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Ukraine và các bộ phận của lò phản ứng hạt nhân từ Ukraine.

Và nếu chiến tranh tiếp diễn, việc xây dựng tàu điện ngầm ở Kyiv sẽ dừng lại, cơ hội cho Huawei và các công ty viễn thông đưa sản phẩm của mình vào đây sẽ ngừng lại. Ngay cả việc đưa ngũ cốc và những thứ như quặng sắt ra khỏi Ukraine cũng sẽ trở thành một vấn đề. 

Đáng chú ý, Bắc Kinh đang yêu cầu chính phủ Ukraine bồi thường 4,5 tỷ USD cho việc mua lại cổ phần kiểm soát của Motor Sich, một nhà sản xuất động cơ máy bay và trực thăng của Ukraine. Như vậy, hàng tỷ USD của Trung Quốc ở Ukraine đang nằm ở mức rủi ro cao. Nếu Nga dành chiến thắng và có quyền kiểm soát Ukraine, thì nơi đây cũng phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Như vậy đối với Trung Quốc mà nói, đây là một tổn thất đang đợi chờ.

Hiện tại Trung Quốc đang đối mặt với ít nhất 2 thách thức lớn mà Tổng thống Nga Putin gây ra.

Thách thức thứ nhất: Giải quyết vấn đề Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk như thế nào?

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Luhansk ở miền Đông Ukraine, đồng thời ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào hai nước cộng hòa này để thực hiện “gìn giữ hòa bình” theo “yêu cầu” của hai nước cộng hòa. 

Trên thực tế, Ukraine là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Hai nước cộng hòa nói trên được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Ukraine. Cho nên bất kỳ chính phủ nước ngoài nào đơn phương công nhận nền độc lập của vùng đất thuộc quốc gia khác chắc chắn là hành động vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của quốc gia này.

Chính vì điều này, Nga đã bị nhiều quốc gia lên án. Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraine.

Trước đó, vào ngày 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự Hội nghị An ninh Munich. Vương Nghị nhấn mạnh rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng và bảo vệ. Đây là quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế thể hiện mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc. Đó cũng là lập trường nhất quán, mang tính nguyên tắc của Trung Quốc. Và điều đó cũng áp dụng tương tự cho Ukraine.

Nhưng sau khi ông Putin chính thức có hành động chống lại Ukraine, trong cuộc họp báo chiều 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã né tránh hơn 11 câu hỏi về hành động của Nga ở Ukraine. Các câu hỏi cứ lặp đi lặp lại về việc liệu Bắc Kinh có tin rằng hành động của Nga là một cuộc xâm lược và liệu nó có vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine hay không.

Tại sao bà Hoa Xuân Oánh lại né tránh những câu hỏi này? 

Nếu ông Putin có thể công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa thuộc miền đông của Ukraine, thì Mỹ cũng như đồng minh có thể công nhận nền độc lập của Đài Loan và rồi lại đưa quân đến “gìn giữ hòa bình”. Điều này đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho kế hoạch thôn tính Đài Loan.

Cho nên việc Trung Quốc phớt lờ khi Nga công nhận độc lập 2 vùng đất và tấn công Ukraine là điều hoàn toàn dễ hiểu. 

Thách thức thứ 2: Làm thế nào để giải quyết mối quan hệ với các nước phương tây do Hoa Kỳ đứng đầu?​​

Kể từ khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ nổ ra vào năm 2018, quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng với ảnh hưởng từ phong cách “ngoại giao chiến binh sói” của chính quyền Bắc Kinh, quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Canada, Litva và nhiều nước khác cũng xấu đi nghiêm trọng. Để tránh bị cô lập về mặt ngoại giao chưa từng có, Bắc Kinh đã cố gắng hợp tác với Nga để chống lại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Putin và  giới cầm quyền Trung Quốc hoàn toàn không phải là những người giống nhau, ông Putin chỉ đang sử dụng Bắc Kinh để tối đa hóa lợi ích của Nga.

Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, nếu Trung Quốc chọn đứng về phía Nga và trở thành “một phe” đối với Nga, thì chắc chắn nó sẽ trở thành kẻ thù của toàn bộ thế giới.

Từ Khóa: