Một báo cáo mới đây cho biết hàng loạt quốc gia đang phát triển phải vay vốn Trung Quốc với các điều khoản “bí mật, bất thường” có lợi cho Bắc Kinh.

Theo Reuters ngày 31/3, dữ liệu của phòng thí nghiệm AidData của Hoa Kỳ tại Đại học William & Mary trong 3 năm về các hợp đồng cho vay của Trung Quốc cho thấy 24 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang vay vốn Trung Quốc theo 100 hợp đồng. Trong đó, một số quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất; trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Hợp đồng cho vay của Trung Quốc có nhiều thỏa thuận mở rộng bất thường, có lợi cho Bắc Kinh

Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm 65% nợ song phương với trị giá hàng trăm tỷ USD trên khắp châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và châu Á.

Giáo sư luật tại Đại học Georgetown ở Hoa Kỳ, Anna Gelpern viết trong báo cáo: “Trung Quốc là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới. Nhưng chúng tôi thiếu thông tin cơ bản về các điều khoản và điều kiện cho vay của nước này”.

Các nhà nghiên cứu tại AidData, Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) có trụ sở tại Washington, Viện Kiel của Đức và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã so sánh các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các hợp đồng cho vay lớn khác để đưa ra đánh giá có hệ thống về các điều khoản pháp lý đối với nước ngoài của Trung Quốc.

Báo cáo dài 77 trang của họ cho thấy, một số dấu hiệu bất thường đối với các thỏa thuận mở rộng trong hợp đồng tiêu chuẩn nhằm tăng cơ hội trả nợ cho chủ nợ Trung Quốc.

Chúng bao gồm các điều khoản bảo mật nhằm ngăn người vay tiết lộ các điều khoản của khoản vay; các thỏa thuận tài sản thế chấp không chính thức có lợi cho Trung Quốc hơn với các chủ nợ khác. Điều khoản cam kết sẽ giữ cho khoản nợ không bị tái cơ cấu tập thể. Nhóm tác giả của báo cáo gọi đó là điều khoản “không có Câu lạc bộ Paris”.

Trung Quốc cấm các quốc gia đi vay tái cơ cấu khoản vay theo điều kiện bình đẳng

Báo cáo cũng cho thấy, các hợp đồng cũng tạo cơ hội đáng kể để Trung Quốc hủy bỏ các khoản vay hoặc đẩy nhanh việc trả nợ.

Thành viên cấp cao tại CGD, ông Scott Morris và đồng tác giả của báo cáo, đã chất vấn vai trò của Trung Quốc – với tư cách là một trong các nền kinh tế lớn G20. Các nền kinh tế này đã đồng ý dựng một “khuôn khổ chung” để giúp các quốc gia nghèo hơn đối phó với khủng hoảng kinh tế và áp lực của dịch COVID-19. “Khuôn khổ chung” yêu cầu các chủ nợ, kể cả chủ nợ tư nhân, phải được đối xử bình đẳng.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho biết hầu hết các hợp đồng của Trung Quốc được kiểm tra đều cấm các quốc gia tái cơ cấu các khoản vay đó theo các điều kiện bình đẳng và phối hợp với các chủ nợ khác.

Ông Morris nói với Reuters: “Đó là một lệnh cấm rất nổi bật và nó dường như đi ngược lại với những cam kết mà Trung Quốc đang đưa ra tại G20”.

Ông nói thêm, có thể Trung Quốc sẽ không thực thi những điều khoản đó trong các hợp đồng cho vay của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi về bình luận trên.

Dữ liệu các nhà nghiên cứu kiểm tra bao gồm 23 hợp đồng Trung Quốc ký với Cameroon; 10 với Serbia và Argentina và 8 với Ecuador.