Hội đồng khoa học không loại trừ khả năng trống đồng bị chìm trên hành trình làm quà thông hiếu giữa cư dân Đông Sơn với quốc gia khác từ hàng nghìn năm trước.
Lý giải về việc tại sao ở miền Tây lại phát hiện ra trống đồng Đông Sơn có niên đại 2.000- 2.300 năm trước, Hội đồng khoa học Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp nêu ra mấy giả thuyết: Cách đây hơn 2.000 năm sông Hậu là đường thông thương từ thượng nguồn ra cửa biển. Do đó khả năng lớn nhất trống đồng bị thất lạc trong chiến tranh hoặc sự thông hiếu (giao lưu, tặng biếu) giữa cư dân Đông Sơn với quốc gia khác, nhưng gặp sự cố khi vận chuyển nên chìm xuống sông.
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Tháp cho biết thêm, một tỉnh miền Tây khác là Cần Thơ từng phát hiện trống đồng Đông Sơn, song các chi tiết hoa văn không còn nguyên vẹn, rõ ràng như mặt trống đồng vừa tìm thấy ở Đồng Tháp.
Được phát lộ sau cú quăng chài
Trước đó, chiều 5/7, Hội đồng Khoa học Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp công bố kết quả thẩm định giá trị lịch sử, giá trị kinh tế của mặt trống đồng do người dân huyện Lai Vung bàn giao.
Bà Đặng Mai Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp, cho biết ngày 29/6, Hội đồng khoa học của Bảo tàng Đồng Tháp gồm 9 thành viên, trong đó có nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Anh Tuấn (TP. HCM), tổ chức thẩm định mặt trống bằng kim loại do anh Đặng Văn Trác (32 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung) cào lưới trên sông Hậu phát hiện và bàn giao.
Kết quả thẩm định, đây là mặt trống đồng Đông Sơn, loại trống Heger I, có niên đại cách nay khoảng 2.000 – 2.300 năm (niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên). Mặt trống có trọng lượng 7,6 kg, đường kính 63 cm.
Đặc điểm trang trí trên mặt trống có ngôi sao 12 cánh, 6 chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, xen kẽ nhau là các vòng hoa văn khắc vạch và vòng tròn tiếp tuyến còn khá rõ. Về giá trị kinh tế, Hội đồng thẩm định đánh giá mặt trống đồng cổ trên có giá trị khoảng 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Thuận cho biết, loại trống đồng phát hiện ở Cần Thơ là loại Hegen 2. So với trống đồng được phát hiện tại Cần Thơ thì mặt trống vừa phát hiện tại Đồng Tháp có chi tiết hoa văn còn khá rõ, bởi vì mặt trống này nằm dưới lòng sông, môi trường yếm khí, không bị oxy hóa mạnh và không bị phá hủy hoa văn trên mặt trống như trên đất liền.
Căn cứ theo pháp luật quy định, Bảo tàng Đồng Tháp đề xuất lãnh đạo Sở Văn hoá – Thể Thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thưởng 14 triệu đồng (tương đương 7% của giá trị 200 triệu đồng của mặt trống đồng) cho anh Trác là người phát hiện và bàn giao hiện vật cổ.
Trước đó, khoảng tháng 3/2022, anh Đặng Văn Trác trong lúc đi cào lưới đánh bắt cá trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Lai Vung đã cào dính một vật thể bằng kim loại, theo báo Một Thế Giới.
Sau khi xem qua, anh Trác thấy đây là mặt trống “cổ” nên đã chủ động liên hệ chính quyền địa phương thông báo sự việc. Đến ngày 27/4, gia đình anh Trác bàn giao cho Bảo tàng Đồng Tháp lưu giữ.
Bạn đọc xem thêm