Tình trạng phong tỏa kéo dài khiến người dân ở Thiên Tân, Thâm Quyến, Tây An (Trung Quốc) đồng loạt biểu tình phản đối quy mô lớn. Họ kêu gọi chính phủ mở cửa thành phố, đảm bảo vấn đề nhu yếu phẩm cho người dân. Chuyên gia cho rằng, các biện pháp phong tỏa cực đoan có thể kích hoạt hàng loạt những hệ luỵ nghiêm trọng.

Người dân đồng loạt biểu tình phản đối phong tỏa ở Thiên Tân, Thâm Quyến và Tây An

Epochtimes trích dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Thiên Tân, tính đến ngày 19/1, Thiên Tân có 40 khu vực được phong tỏa và kiểm soát. Những trường hợp có tiếp xúc trực tiếp hoặc có tiếp xúc với những người nhiễm bệnh đều bị đưa đến các khu tập trung bên ngoài. Những người còn lại đều phải tuân thủ nghiêm ngặt là cách ly tại nhà. Họ không được phép ra ngoài. Cứ 24 giờ là có các cuộc tuần tra trong cộng đồng.

Trước đó ngày 18/1, người dân đã biểu tình lớn ở thị trấn Đại Tứ, huyện Tây Thanh, Thiên Tân. Họ bị nhốt lại và không được về nhà. Họ cáo buộc chính phủ chỉ phân phát lương thực thực phẩm cho người dân địa phương nhưng bỏ rơi những cư dân nhập cư. 

Còn ở Thâm Quyến, người dân bị nhốt trong thời gian dài. Họ đã xuống đường biểu tình. Rất đông người dân đã la hét, đối đầu với cảnh sát, yêu cầu nhà chức trách dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Nhưng sau đó một người biểu tình đã bị nhiều cảnh sát bắt giữ.

Sau Thiên Tân và Thâm Quyến, người dân tại một khu vực bị phong tỏa 35 ngày qua ở Tây An cũng biểu tình phản đối. Người dân khu vực này đang phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao cắt cổ.

Cuộc chất vấn và đôi co giữa cảnh sát và người dân đã diễn ra. Cảnh sát bắt một số người dân vì họ phản đối giá lương thực, thực phẩm cao ngút trời.

Cũng vẫn ở Tây An, một cộng đồng đã phải đóng cửa gần một tháng. Chính quyền chỉ gửi hàng đến một lần và người dân đã dùng hết. Hôm 20/1, cửa hàng rau duy nhất trong cộng đồng đã bị cảnh sát chặn lại.

Hành động này đã khiến người dân bất bình mạnh mẽ. Video cho thấy có cư dân chụp ảnh số điện thoại muốn trình báo, nhưng bị công an giật điện thoại. Một cụ bà 80 tuổi trong video đã bị thương chảy máu ở miệng.

Một sự cố khác đã nổ ra ngày 20/1 tại khu dân cư Hoa Thành, Tây An. Nơi này đã bị phong tỏa trong 35 ngày. Đoạn video cho thấy, gần 100 chủ cửa hàng đã tập trung tại lối vào của khu dân cư. Mọi người hô khẩu hiệu “thả người ra đi” và yêu cầu trả lại tài sản.

Mục tiêu “quét sạch” Covid của Trung Quốc có vấn đề

Về ba cuộc biểu tình lớn nổ ra liên tiếp ở Thiên Tân, Thâm Quyến và Tây An, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) cho rằng, hiện tượng này phản ánh vấn đề lớn nhất, đó là tính không bền vững của chính sách ‘zero Covid’.

Ông nói với rằng trong thời gian bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, việc đóng cửa thành phố được các nhà chức trách ủng hộ vì cho rằng nó đã dập tắt dịch bệnh ở Vũ Hán. Nhưng bản chất của việc phong tỏa cực đoan chỉ là giải pháp tình thế trong trường hợp khẩn cấp, tương tự như một biện pháp thời chiến.

Nếu áp dụng biện pháp này ở mọi nơi và trong mọi điều kiện, đặc biệt là trong thời gian kéo dài, thì giải pháp này sẽ gây ra những hệ luỵ khôn lường, theo ông Viễn. Nó sẽ gây ra những thảm họa thứ cấp, như tốn kém nhân lực và vật lực.

Ông Viễn nói thêm: “Từ Tây An đến Thâm Quyến và Thiên Tân, các cuộc biểu tình ồ ạt nổ ra liên tiếp, điều chưa từng có tiền lệ”.

Ông Viễn cho rằng việc phong tỏa và kiểm soát quá nghiêm ngặt khiến người dân thiếu thốn lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến người dân gia tăng biểu tình; từ la hét đến tụ tập quy mô lớn để phản đối hoặc đổ xô đến cơ quan công quyền, theo ông Viễn.

Ông cho rằng việc lạm dụng phong tỏa như hiện nay không hỗ trợ sinh kế của người dân, hoặc có hỗ trợ mà không đủ. Biện pháp này chỉ phục vụ cho thành tích chính trị của giới quan chức địa phương; trong khi đó, cuộc sống của người dân bị phớt lờ.

Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn chỉ ra rằng, trước đó không có cuộc biểu tình quy mô lớn nào nổ ra, mặc dù chính quyền có thực hiện các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên lần này làn sóng biểu tình quy mô lớn lại đồng loạt nổ ra cùng một lúc ở nhiều nơi.

Điều đó cho thấy, nếu mô hình phong tỏa nghiêm ngặt này tiếp tục, sẽ còn có các sự cố lớn hơn và khốc liệt hơn như thế này. Đây không phải là vấn đề liệu các cá nhân có thực hiện chính sách hay không, mà là một căn bệnh thể chế do mô hình ‘zero Covid’ này gây ra, theo ông Đường Tĩnh Viễn.

Chính quyền Trung Quốc đang triển khai các biện pháp phong tỏa cứng rắn với hy vọng đảm bảo an toàn cho Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2 tới. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh ở các địa phương vẫn không khả quan. Thậm chí các biện pháp cực đoan còn đẩy người dân vào bế tắc, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa bùng nổ ở nhiều nơi.

Từ Khóa: