Cổ nhân có câu: “Người thiện thì ta thiện, người không thiện ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”. Việc thiện là việc làm cao cả, xưa nay đều được người đời ca tụng, vậy thì có việc thiện nào mà chúng ta không nên làm?
Có nhiều người vì ôm giữ quan niệm về “thiện” một cách cực đoan, đến nỗi đối với kẻ hành ác vô độ mà vẫn thiện. Kết cuộc, gây ra thống khổ cho bản thân và biết bao người vô tội.
Chuyện ngụ ngôn: con ếch cho con bò cạp đi nhờ qua sông
Ếch tin vào lời hứa của bò cạp
Có một chú bò cạp đang di chuyển chầm chậm bên bờ sông, thình lình chú nhìn sang bên kia bờ sông, thấy cả đàn bò cạp dòng họ của chú đang hoảng loạn vì một đám cháy ở gần đó, chú lo lắng tìm mọi cách để bơi qua sông dập tắt đám cháy đó. Nhưng chú không biết bơi, chú suy nghĩ một lúc, nhưng không có giải pháp nào để qua sông. Trong cơn tuyệt vọng, chú nhìn thấy một chú ếch gần đó. Mừng quá, chú bò cạp bò lại gần và xin chú ếch giúp đỡ đưa qua sông để cứu họ hàng nhà mình.
Chú ếch nhìn bò cạp chằm chằm với vẻ hoài nghi:
Bò cạp nói: Bạn làm ơn đưa tôi qua sông để tôi giúp họ hàng tôi trong cơn hỏa hoạn nhé?
– Anh có đảm bảo an toàn khi tôi đưa anh qua sông không? – chú ếch hỏi bạn.
– Anh yên tâm, tôi đảm bảo mà… – bò cạp trả lời.
– Nhưng giống loài của anh ác lắm, chỉ biết cắn, hút máu những con vật khác thôi?
– Không, không, tôi là loài bò cạp tốt, không làm hại ai đâu.
Tin tưởng kẻ ác và cái kết mất mạng
Sau một hồi năn nỉ, cam kết và hứa hẹn đủ điều, cuối cùng chú ếch đồng ý cõng bò cạp qua sông. Đến giữa sông, bò cạp dùng vòi chích chú ếch, nọc độc lan rất nhanh, chú ếch sắp chết và bắt đầu chìm xuống lòng sông. Trong lúc trút hơi thở cuối cùng, chú ếch quay lại hỏi bò cạp:
– Tại sao anh hứa không hại tôi, bây giờ nuốt lời và chích tôi, tôi chết anh cũng đâu có sống được?
Bò cạp trả lời: Tôi cũng không biết tại sao nữa?
Bản năng của bò cạp là tìm con mồi để tiêu diệt, bản chất của nó chính là “độc”. Có một số người, khi hoàn cảnh thay đổi, họ sẽ thay đổi. Nhưng không phải tất cả, vì rằng “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Thiện với kẻ ác, có lòng từ bi mà không có trí tuệ, thiện ấy là tai họa.
“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”
Nhiều người họ tự biết bản thân là người xấu, nhưng cái biết ấy không khiến họ thay đổi. Họ hành ác hết lần này đến lần khác, thậm chí họ biết trước sẽ có một ngày họ phải trả giá cho những tội lỗi mà họ đã gây ra. Tuy nhiên, bản chất “ác” đã ngấm vào máu, họ không thể quay đầu.
Cũng phải phải xã hội không cho họ cơ hội sửa sai, không phải hoàn cảnh khiến họ không chọ được sống lương thiện. Bản thân họ chính là không thể tự ước thúc lấy mình.
Kết cục, họ hại người, hại mình; sống một cuộc đời đầy tội lỗi, lúc chết cũng chưa hết sự oán hận của tha nhân. Mặc dù họ rất đáng thương nhưng thiện với những kẻ như vậy, thì chẳng phải chúng ta đã tự đặt mình vào chỗ chết hay sao?
Con ếch tin tưởng con bò cạp, bài học cho con ếch là quá đắt bởi vì khi biết bản thân quá ngốc thì nó cũng chẳng còn cơ hội để sống.
Chuyện cổ Phật gia: Làm việc thiện
Thương nhân đi quyên góp tiền từ thiện
Chuyện kể rằng ở Tô Châu, Trung Quốc vào thời nhà Minh có người họ Nguyên nổi tiếng nhân đức, hay làm việc thiện. Không chỉ dân chúng địa phương vô cùng ngưỡng mộ mà cả giới quyền quý cũng kính trọng, muốn kết giao. Danh tiếng lừng lẫy đến nỗi một thương nhân ở xa lặn lội đến Tô Châu để được đàm đạo, quyên góp. Khi gần đến địa phương mà họ Nguyên cư ngụ thì trời tối, thương gia nọ bèn ngủ lại ở một ngôi chùa nhỏ bên đường.
Sau bữa cơm chay, sư trụ trì hỏi thương nhân về lý do lặn lội đường xa, ông đáp: “Bạch sư phụ, tôi buôn bán lâu ngày có dành dụm được chút ít, muốn làm từ thiện để tích đức cho mình và con cháu. Nghe nói ở gần đây có nhà họ Nguyên đức cao vọng trọng, chuyên làm từ thiện giúp dân nghèo, tôi bèn tìm đến, vừa là kết hợp có chuyện làm ăn, vừa quyên góp tiền cho ông Nguyên làm từ thiện”.
Sư nghe xong mỉm cười khuyên: “Mọi chuyện không nên chỉ nhìn bề ngoài, làm từ thiện phải có tâm ngay chính, nếu không thì chẳng những không tích đức mà còn tạo nghiệp nặng. Không biết về người mà cứ quyên tiền như vậy thì cũng chẳng tích đức được”. Ngạc nhiên, thương nhân muốn hỏi rõ nhưng sư trụ trì không giải thích thêm, bảo ông đi nghỉ sớm.
Làm từ thiện lấy danh tiếng, ăn chặn tiền bố thí bị đọa địa ngục
Đêm đó, thương nhân đang ngủ bỗng tỉnh giấc vì nghe tiếng kêu khóc thảm thiết, bèn bật dậy ra ngoài xem. Trước mắt ông là khung cảnh xa lạ, mờ mờ ảo ảo, nhưng tiếng khóc than lại rất rõ. Ông đi tới thì thấy một người bị gông cùm nằm trong vạc dầu sôi sùng sục.
Một quỷ sứ quát to: “Họ Nguyên người Tô Châu phải ngâm vạc dầu đủ 1.000 năm vì tội lừa gạt tiền của người khác để mưu lợi cho bản thân. Hắn dùng danh nghĩa từ thiện để làm giàu cho mình nên tội càng nặng. Tiền quyên góp được, hắn chỉ dùng một phần nhỏ làm từ thiện, còn lại dùng để sống xa hoa, tiêu xài vô độ”. Nói rồi quỷ sứ ra lệnh cho thuộc hạ tiếp tục hành tội họ Nguyên.
Thương nhân kinh sợ, nhìn lại người trong vạc dầu rất giống với miêu tả về con người họ Nguyên nổi tiếng nhân đức nọ. Ông toát mồ hôi, rón rén tìm đường trở về phòng, nằm xuống rồi ngủ thiếp đi. Hôm sau tỉnh giấc, ông vội đến gặp trụ trì, kể lại chuyện đêm qua.
Làm từ thiện phải xuất phát từ tâm thiện, ấy là chân thiện.
Nhà sư nói: “Làm từ thiện phải từ tâm, không nhất thiết phải quyên nhiều tiền bạc. Thí chủ nếu muốn làm từ thiện tích đức thì hãy tự làm lấy. Cái kết của họ Nguyên trong giấc mơ đêm qua thực chất là điềm báo về điều sắp xảy ra cho ông ta”.
Thương nhân như bừng tỉnh, cảm tạ nhà sư và ra đi, từ đó về sau hành thiện đúng như lời khuyên, vừa giúp được nhiều người vừa tích phúc cho mình và con cháu.
Thiền sư cứu lũ ác quỷ thoát khỏi hoả ngục
Trong “Thái Bình quảng ký” có câu chuyện như sau:
Xưa tại Thiểm Châu – Trung Quốc có một thiền sư xuất gia từ nhỏ. Ông một lòng tĩnh tọa tham thiền, tuyên dương Phật pháp, đạo hạnh cao thâm. Đệ tử của ông lên đến mấy trăm người.
Một hôm trong lúc ông đả tọa thì có thiên nhân đến thỉnh ông lên Thiên cung giảng pháp cho chúng sinh ở đó một chuyến. Đến nơi Thiên Vương cho tùy tùng ra đón tiếp long trọng. Sau khi giảng Pháp xong, ông tính đi dạo trên Thiên cung một vòng, thấy cảnh trên tiên giới quả thật mỹ lệ. Vật chất và màu sắc đều không giống với nơi thế gian.
Đang dạo bước đột nhiên ông nghe từ phía xa có tiếng rên rỉ vọng lại, âm thanh thê lương động lòng người. Khi đến gần ông thấy cột đồng lớn, cao ngàn trượng, đường kính vài trăm thước dựng đứng. Ở đó, phía trên có rất nhiều lỗ nói thông trái, phải. Bên trong có nhốt mấy vạn con quỷ dạ xoa, chúng đều có móng vuốt răng nanh nhìn rất kinh hãi. Có con bị xích cổ, con thì bị cùm gông ở xương ức.
Thấy thiền sư tiến đến, chúng liền khẩn cầu: “Chúng tôi vì ăn thịt người nên bị Thiên Vương giam cầm ở đây, cầu xin ngài hãy từ bi cứu giúp. Nếu được thả ra ngoài, chúng tôi tuyệt đối sẽ không hại người nữa”
Phóng thích kẻ ác, hoạ loạn nhân gian
Vì phải chịu đói chịu khát, đến khi nói, miệng dạ xoa phun đầy lửa rất đáng thương. Trông bộ dạng chúng thê thảm như vậy, thái độ lại rất thành khẩn nên thiền sư gật đầu đồng ý. Nói xong ông liền về gặp Thiên Vương kể lại câu chuyện. Nghe xong Thiên Vương đáp:
– Đám ác quỷ này bản chất vốn là gian manh, nguy hiểm, chuyên ăn thịt người, thủ đoạn rất xảo trá, không đáng tin. Nếu thả chúng ra sẽ hại người vô tội.
Nghe cũng có đạo lý, nhưng nhớ đến sự thành khẩn của chúng quỷ, vị thiền sư sót thương, bèn cầu xin thêm lần nữa. Thấy vậy, Thiên Vương bèn lệnh cho người dẫn đám quỷ đến căn dặn phải cải tà quy chính, sau đó thả ra.
Với kẻ tà ác phải dùng pháp trị
Phóng thích chúng không lâu, một vị sơn thần đột nhiên xuất hiện bẩm báo. Rằng không biết từ đâu xuất hiện mấy con quỷ dạ xoa chạy đến nhân gian, giết rất nhiều người để ăn, không có cách nào thu phục bọn chúng.
Thiên Vương quay sang nói với vị thiền sư: “Ngài đã hiểu điều ta nói chưa? Việc thiện nhỏ nuôi dưỡng điều ác lớn. Lời thề thốt của những con ác quỷ làm sao có thể tin tưởng được”. Nói xong liền bảo các vị thần tiên bắt nhốt chúng lại.
Lúc này thiền sư mới sáng tỏ, sau khi quay về nhân gian, ông đã tóm lược những điều mắt thấy tai nghe. Ông còn mời người về vẽ tranh để lưu truyền lại bài học cho người đời sau.
Những con ác quỷ, nhất định phải dùng pháp trị. Khoan dung đối với chúng mà nói thì cái giá phải trả chính là tính mạng của vô số người vô tội.