Theo báo cáo Tự do Internet 2021 do Freedom House công bố vào ngày 21/9/2021, Việt Nam có số điểm cao gấp đôi Trung Quốc về chỉ số tự do internet, nhưng vẫn cùng một thứ hạng là “không có tự do internet”.
Báo cáo này được thực hiện đối với 70 quốc gia thuộc 6 khu vực trên thế giới. Trung Quốc đạt số điểm thấp nhất (10 điểm); và được xác định là quốc gia có tình trạng tự do internet tồi tệ nhất thế giới. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Trung Quốc nằm ở vị trí này.
Ngược lại với Trung Quốc, Đài Loan lại đạt mức điểm cao nhất (80/100) về tự do internet trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng với 76 điểm.
Cũng theo báo cáo, Việt Nam đạt 22 điểm; cao gấp 2,2 lần số điểm của Trung Quốc; nhưng vẫn thuộc nhóm các nước “không có tự do internet” tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cùng trong nhóm này, còn có Thái Lan (36 điểm); Pakistan (25 điểm); Myanmar (17 điểm).
Theo báo cáo của Freedom House, một dấu hiệu mới là việc chính phủ và các công ty mạng có tranh chấp về giám sát internet. Một số chính phủ muốn ép các công ty mạng phải tiết lộ thông tin người dùng. Các công ty internet thì không muốn làm như vậy; vì cho rằng đó là vi phạm quyền riêng tư của người dùng.
Trong năm qua, các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ ở ít nhất 48 quốc gia đã ban hành các quy định mới về nội dung, dữ liệu hoặc các vấn đề cạnh tranh và độc quyền của các công ty công nghệ.
Báo cáo cho biết những hành động này của chính phủ xuất phát từ một số trường hợp quấy rối trực tuyến và thao túng thị trường; nhưng một số chính phủ cũng dùng chúng để đàn áp quyền tự do ngôn luận và thu thập dữ liệu riêng tư.
Hàng loạt các hành động chấn chỉnh của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty công nghệ đã thể hiện xu hướng này ở mức độ lớn nhất.
Năm thứ 7 liên tiếp Trung Quốc đứng cuối bảng
Trung Quốc áp dụng hình phạt tù nặng đối với các cá nhân, các nhà báo độc lập đưa ra những thông tin, bình luận bị coi là không phù hợp trên Internet.
Báo cáo cho biết các quy định mới của Trung Quốc đã hình sự hóa một số phát ngôn liên quan đến về binh lính, “anh hùng” và “liệt sĩ.” Các nhà chức trách đã kết án những người bất đồng chính kiến trên Internet với các mức án tù nặng. Trong đó điển hình là hình phạt 18 năm tù giam đối với ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường. Nguyên do là ông này đã đưa ra một bài báo chỉ trích cách xử lý không hiệu quả của các nhà chức trách đối với dịch Covid-19.
Báo cáo cho biết, vào năm 2021, nội dung liên quan đến Covid-19 vẫn là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt nhiều nhất. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các tài khoản mạng xã hội và các tài khoản khác có liên kết với chính phủ đưa ra hàng loạt tuyên truyền tràn ngập không gian mạng, tuyên truyền bôi nhọ vắc-xin Mỹ và dẫn dắt luận điệu của Bắc Kinh về nguồn gốc Covid-19.
Ngoài ra, người dùng internet tại Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với các hậu quả pháp lý từ các hoạt động bình thường như chia sẻ tin tức, nói về tôn giáo hoặc giao tiếp với người thân và bạn bè ở nước ngoài.
Việt Nam cũng bị xếp vào nhóm không có tự do Internet
Theo thang điểm đánh giá được viết trong báo cáo của Freedom House, số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0. Việt Nam năm nay được đánh giá ở mức 22/100 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, 6 điểm về giới hạn nội dung và 4 điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.
Báo cáo trích dẫn dự thảo nghị định do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo và đưa ra hồi tháng 2/2021 nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật An Ninh Mạng của Việt Nam. Nghị định có thêm những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam. Những dữ liệu phải lưu trữ bao gồm tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, các thông tin sinh trắc, sức khỏe.
Báo cáo cho rằng, vì lý do liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội, dự thảo nghị định cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng.
Theo báo cáo, việc các công ty mạng xã hội tuân thủ hoàn toàn những quy định của Việt Nam có thể dẫn tới việc các nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền sẽ đối mặt nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân khi cất lên nói bất đồng chính kiến.