Vụ tố cáo lãnh đạo Trung Quốc của ngôi sao quần vợt Bành Soái đang trở thành tâm điểm quốc tế. Cô đã biến mất khỏi công chúng sau khi tố cáo cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc tấn công tình dục. Sự việc này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Qua đây, thế giới cũng thấy được cuộc đấu đá nội bộ đang diễn ra rất khốc liệt.
Vụ Bành Soái phơi bày vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc
Hôm 4/11, nữ ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) tấn công tình dục mình trên Internet. Bài đăng của cô đã bị xóa trong vòng nửa giờ. Bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc cũng đã ngăn chặn các cuộc thảo luận và báo cáo có liên quan. Bành Soái cũng biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.
Trong khi thế giới lo ngại về sự an toàn của Bành Soái, thì câu chuyện của cô thu hút sự chú ý vào thực tế là: Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và tiếp tục chà đạp lên các giá trị phổ quát.
Hiệp hội quần vợt nữ quốc tế (WTA) dọa rút giải đấu khỏi Trung Quốc vì lo ngại về sự an toàn của Bành Soái. Đây là một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất từ giới thể thao và các chính phủ nước ngoài cho đến nay.
Sau khi các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc công bố hình ảnh và video về bữa ăn tối của cô Bành, chủ tịch WTA, Steve Simon cho biết trong một tuyên bố rằng video này không thể chứng minh rằng Bành Soái được tự do và được hành động theo ý nguyện của mình mà không bị cưỡng ép hay can thiệp.
“Tôi vẫn còn lo lắng về sức khỏe và an toàn Bành Soái, và rằng những cáo buộc tấn công tình dục đang bị kiểm duyệt và che đậy”, ông Simon nói. “Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đang ở ngã ba đường.”
Vụ việc của Bành Soái tiếp tục gióng hồi chuông nhắc nhở thế giới rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục vi phạm nhân quyền và thách thức các giá trị cơ bản của nhân loại. Chúng bao gồm: cuộc diệt chủng và đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; tội ác mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm như các học viên Pháp Luân Công; đàn áp dân chủ và tự do ở Hồng Kông; khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan; kiểm soát Tây Tạng; cản trở các cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19; Và các mối đe dọa đối với nền kinh tế, an ninh mạng và quân sự trên trường quốc tế.
Chính quyền Biden tuyên bố rằng họ đang rất chú ý đến tình hình của Bành Soái và đang xem xét việc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông vào năm tới. Tới nay vẫn chưa rõ Hoa Kỳ có tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh hay không. Các nhà phê bình cho rằng chính quyền Biden nên có lập trường quyết đoán hơn.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã kêu gọi ông Biden tẩy chay Thế vận hội về mặt ngoại giao. Một trong số đó là Thượng nghị sĩ Mitt Romney, người đã dẫn đầu một đạo luật sửa đổi mà Thượng viện đã thông qua vào tháng 6 về yêu cầu tẩy chay ngoại giao do các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra của Trung Quốc. Chủ tịch Hạ viện, Nancy Pelosi, cũng công khai ủng hộ cuộc tẩy chay ngoại giao hồi tháng Năm.
Các nghị sĩ Hoa Kỳ khác ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh bao gồm các Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Tom Cotton, Marsha Blackburn, và người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul và những người khác.
Theo một báo cáo của The Hill, Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành của PEN America và thành viên của Ủy ban Cố vấn Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, tin rằng cộng đồng quốc tế có ảnh hưởng quan trọng đến Trung Quốc tại Thế vận hội Olympic. Chính điều này là cơ hội để thẳng tay chỉ trích hành vi của Bắc Kinh.
“Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đang mở rộng. Theo như hệ thống giá trị của họ, đây là một thế giới khác – một thế giới không tôn trọng tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền được bày tỏ chính kiến và tự do báo chí.”Nossel nói.
Theo The Times, chính phủ Anh cũng đang cân nhắc việc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Liên quan đến sự an toàn của Bành Soái, Liên minh châu Âu và chính phủ Australia cũng kêu gọi Trung Quốc cung cấp “bằng chứng độc lập và có thể kiểm chứng” để chứng minh sự tự do và an toàn của Bành Soái.
Vụ việc của Bành Soái hiện đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng thể thao quốc tế. Rất nhiều vận động viên quốc tế cũng đã lên tiếng về vấn đề an toàn của cô Bành. Họ đều có những thể hiện khác nhau trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhà vô địch Hoa Kỳ Serena Williams, Kim Clijsters của Bỉ và Naomi Osaka của Nhật Bản đều đưa ra kháng cáo khẩn cấp để xác nhận sự an toàn của Bành Soái và viết trên Twitter: “Bành Soái đang ở đâu.”
Enes Kanter, một ngôi sao NBA và tiền đạo trung tâm của Boston Celtics, nói về điều này.
“Thế giới thể thao phải thức tỉnh”, Kanter nói, “Chúng ta cần nhận ra rằng chính quyền độc tài của Trung Quốc không phải là bạn của chúng ta.”
Ông viết trong một chuyên mục trên Wall Street Journal: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là một chế độ độc tài tàn ác sử dụng sức mạnh kinh tế như một vũ khí để đạt được sự phục tùng về ý thức hệ và chính trị”.
Cuộc đấu tranh quyền lực bên trong ĐCSTQ
Ngày 23/11, Hoành Hà (Heng He) nhà phân tích, bình luận về Trung Quốc đã đưa ra ý của mình trong bài viết đăng trên The Epoch Times.
Ông cho rằng, ĐCSTQ thường làm việc ở hậu trường. Những cuộc tranh giành quyền lực đôi khi có thể mở ra một cánh cửa để thế giới bên ngoài có cơ hội được biết những câu chuyện bí mật của ĐCSTQ.
Ví dụ, cuộc hỗn loạn chính trị của ĐCSTQ năm 2012 bắt đầu khi Vương Lập Quân, cảnh sát trưởng kiêm phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh, chạy trốn đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Người này đã ăn mặc như một phụ nữ và mang theo các tài liệu tối mật của chính phủ. Vụ việc này tiết lộ cuộc tranh giành quyền lực giữa các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ. Việc thanh trừng các quan chức cấp cao trong những năm sau đó, dưới thời Tập Cận Bình, đã phơi bày nhiều bê bối và bí mật của ĐCSTQ.
Ông Hoành đưa ra một kết quả khác của cuộc tranh giành quyền lực là ĐCSTQ trừng phạt các thành viên của chính mình. Những người này đã thực hiện nhiều hành vi tàn bạo. Ví dụ, dưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm người đứng đầu bộ phận an ninh, và Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), người đứng đầu “Phòng 610” khét tiếng, đã bị thanh trừng và bị kết án tù. Cả hai đều bức hại các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động nhân quyền.
Theo ông Hoành Hà, có thể trường hợp của Bành Soái là một phần của cuộc tranh giành quyền lực nhằm hạ bệ cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Trong kịch bản này, phe của ông Tập đã sử dụng Trương Cao Lệ để gửi một lời cảnh báo: phe của Giang và các tay chân của ông ta có thể bị hạ gục. Bây giờ Trương đã nghỉ hưu, ông ta không còn sức đánh trả. Trương Cao Lệ được Giang Trạch Dân đề bạt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 để giám sát các lợi ích của phe nhóm của mình. Tình hình này cho thấy các phe phái khác nhau của ĐCSTQ đang tranh giành quyền lực với nhau trước thềm Đại hội toàn quốc sắp tới của ĐCSTQ. Đối với Bành Soái, ý định của họ sẽ là giảm nhẹ hoặc che giấu tình hình khi mục đích của họ đã được thực hiện, để ngăn việc làm tổn hại tới hình ảnh của ĐCSTQ.
Mặc dù những bức ảnh và video của Bành Soái đã được truyền thông Trung Quốc đăng tải lên. Nhưng cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngờ về tính xác thực của nó. Vụ việc của cô Bành đang thúc giục cộng đồng quốc tế hành động vì vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ việc của Bành Soái đang phơi bày cho quốc tế thấy về cuộc đấu đá quyền lực bên trong ĐCSTQ.