Hơn 10 năm mới gặp được người chồng tâm thần mất tích, chị Cường mừng mừng tủi tủi bảo “cũng lo đấy” vì chưa biết làm cách nào giữ được anh ở nhà.
- Chàng trai Pháp gốc Việt 27 năm tìm người mẹ bỏ rơi mình: ‘Con cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con. Mong mẹ đừng cảm thấy tội lỗi’
- Mẹ tìm thấy con bị mất tích sau 44 năm, nhờ công nghệ ADN hay sự an bài của số phận
Nhờ một video trên Tiktok, chị Đinh Thị Cường (sinh năm 1970, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã tìm được người chồng bị bệnh tâm thần, mất tích cách đây hơn 10 năm.
Một ngày tháng 5/2021, đang lướt điện thoại, chị Cường chợt thoáng thấy khuôn mặt quen thuộc giống chồng mình đã mất tích hơn 10 năm nay. Chị xem đi xem lại những hình ảnh đó, đến khi điện thoại hết pin mới thôi.
Không dám tin vào mắt mình, chị đưa video cho anh em, hàng xóm xác nhận giúp xem có giống với chồng mình không. “Người bảo giống, người bảo không, 13 năm nay rồi, tôi cũng không còn chắc chắn nữa”, chị Cường nói với VietNamNet.
Nói vậy nhưng chị vẫn không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Chị nghĩ, chồng mình trước có hình xăm trên ngực, nên dù bao năm tháng, gương mặt nếu có thay đổi thì hình xăm hẳn vẫn còn. Chị nhắn tin cho người quay video, nhờ xác minh giúp bằng cách vạch áo người đàn ông xem ngực anh có hình xăm không.
Sau khi chị Tuyết (người quay video trên TikTok) đi tìm được và kiểm tra, chụp thêm hình ảnh gửi qua, chị Cường xác nhận đó là người chồng đã đi lạc hơn 10 năm trước. Ngày 11/5, gia đình chị Cường khấp khởi đi từ Phú Thọ lên Tuyên Quang để đón người thân về đoàn tụ.
“Anh ấy ở quanh trong làng tôi bao nhiêu năm nay, chúng tôi cũng hay đưa đồ ăn cho anh ấy nên anh hay qua lại nhà, có hôm còn ngủ trước cửa. Anh ấy lúc tỉnh lúc mê, thỉnh thoảng đi đâu mấy tháng rồi quay lại. Cũng có nhiều người từng quay video anh ấy, nhưng chắc có duyên nên chị vợ xem trúng cái tôi đăng” – chị Nguyễn Ánh Tuyết (35 tuổi, hiện trú tại xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nói trên Tuổi Trẻ.
Lấy phải chồng tâm thần, vợ vẫn một lòng ‘không ai tốt bằng anh’
Theo Tuổi Trẻ, anh Đinh Văn Phú là người dân tộc Mường (sinh năm 1976, ở xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ), mắc bệnh tâm thần và đã đi lạc gia đình từ hơn 10 năm trước.
Vợ anh – chị Cường, cũng người Mường, hơn chồng 6 tuổi. Năm chị 28 tuổi, cả hai làm lễ cưới. Nhớ lại chuyện xưa, chị Cường bảo: “Anh ấy ngày xưa đẹp trai lắm, lại hiền lành, chăm chỉ. Có nhiều người đến với tôi nhưng tôi vẫn chọn anh ấy dù nhà anh nghèo, bố lại là thương binh, chấn thương sọ não”.
Hai vợ chồng cùng nhau làm lụng, cuộc sống vất vả nhưng chị không chê trách chồng điểm gì, cho đến khi chị phát hiện anh có những biểu hiện bất thường.
Có những hôm anh Phú đi làm về khuya, chị Cường nằm trong gian buồng thấy anh ở ngoài cười khành khạch, lại có tiếng lẩm bẩm nói chuyện. Chị ra ngoài kiểm tra, chỉ thấy anh ngồi một mình. Chị chỉ nghĩ do anh uống rượu với anh em, bạn bè nên say.
Chỉ cho đến khi anh vừa cười vừa la hét, có hôm đánh chị tơi bời. Đánh xong, hôm sau anh lại bảo: “Tao đánh mày ư? Sao tao lại như thế nhỉ?”. Lúc tỉnh lúc mê, anh không nhớ những việc mình đã làm.
Năm con trai anh chị 4 tuổi, bé gái mới 7 tháng tuổi, gia đình mới chính thức biết anh Phú bị bệnh tâm thần. Lúc này, anh đã không còn làm gì được nữa, chỉ biết đập phá nhà cửa, đi lang thang.
Gần 7 năm sau, chị và gia đình bàn bạc và quyết định đưa anh tới Trung tâm Bảo trợ xã hội nhờ Nhà nước chăm sóc để chị yên tâm làm ăn nuôi con.
Được 3 – 4 tháng thì anh bỏ trốn, chị cũng đi tìm mà không có thông tin gì về anh. Mỗi năm chị lại lên trung tâm một lần để hỏi thăm nhưng cũng vô vọng.
Trong suốt những năm anh Phú mất tích, cứ chỗ nào báo về có người giống anh là chị lại lên đường. Chị vẫn nhớ trên ngực chồng có một hình xăm.
Nuôi con một mình chỉ bằng nghề nông khiến chị trăm đường vất vả, nhưng chị không khi nào từ bỏ ý định tìm chồng. Từ khi chồng chị mất tích cũng có nhiều người tìm đến hỏi chị, có người tốt, người xấu, nhưng chị vẫn một lòng với chồng.
“Người ta nói ra nói vào, chỉ trích, vu oan cho tôi. Có nhiều người đàn ông đến với tôi, người đã có gia đình, người không, có cả người tử tế, có cả người đe doạ tôi, nhưng tôi đều không theo người ta. Với tôi, không ai tốt bằng anh Phú…”, chị tâm sự.
‘Mừng thật nhưng cũng lo đấy’
Bố bỏ nhà đi từ khi các con còn bé, đến nay con trai đầu của anh chị nay đã 21 tuổi, đang làm công nhân. Còn bé gái đang học lớp 12, ngoan ngoãn nghe lời mẹ và rất thương nhớ bố.
Chị Cường kể, từ tối qua (11/5), khi anh Phú về nhà, cô bé cứ xoắn xuýt lấy bố, thức mãi để chăm sóc cho bố mà không chịu đi ngủ.
Nhưng khổ nỗi, sau bao nhiều năm xa cách, giờ gặp lại vợ con, anh Phú lại chẳng nhận ra. Song được cái, có người thân đeo khẩu trang, anh vẫn nhớ.
Chị Cường mừng mừng tủi tủi và hy vọng vào những tiến triển tiếp theo của chồng.
Tối hôm qua, cả nhà chị đi ngủ rất muộn vì anh em, họ hàng tới hỏi thăm chật kín nhà. Trước khi về, các em của anh Phú đã lấy gỗ chèn cửa từ bên ngoài, nhưng sáng nay chị Cường ngủ thiếp đi, không biết anh dậy từ lúc nào. Mở mắt đã không thấy chồng trong nhà, chị lại hoảng hốt đi tìm. Hoá ra, anh Phú đang lang thang ngoài đường làng cách nhà 300-400 mét.
“Mừng thật nhưng cũng lo đấy”, chị tâm sự. Chị cũng đắn đo không biết sắp tới sẽ phải làm như thế nào để giữ chồng ở yên trong nhà để mình còn phục vụ và đi làm.
Trong niềm vui đoàn tụ với chồng, chị Cường cũng không quên ơn người đã giúp chị tìm lại anh. “Đó là chị Nguyễn Ánh Tuyết. Chị ấy đã đưa chồng tôi về nhà, cho ăn uống, giữ anh ấy lại để đợi gia đình lên đón anh về. Tôi vô cùng biết ơn chị ấy”.