Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tổ chức một cuộc khảo sát ý kiến công chúng về việc đổi tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ. Một số cái tên kì lạ đã xuất hiện, WHO cam đoan họ sẽ không chọn cái tên nào lố bịch.

Theo Reuters, tên bệnh thường được lựa chọn bởi một ủy ban có chuyên môn y khoa, nhưng ủy ban này đã đóng cửa. Đối với bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) hiện nay, WHO đã quyết định công khai quá trình chọn tên cho công chúng đề xuất.

Tới nay đã có hàng chục cái tên được đề xuất cho căn bệnh này. Trong đó có những tên mang tính chất kĩ thuật. Ví dụ như: OPOXID-22, do bác sĩ cấp cứu Jeremy Faust của Trường Y Harvard đệ trình.

Một số cái tên mang tính chất “dị hợm”, theo Reuters. Chẳng hạn như Poxy McPoxface, do Andrew Yi đệ trình. Cái tên này lấy cảm hứng từ Boaty McBoatface, tên một chiếc tàu ngầm nghiên cứu của Anh. Tên chiếc tàu có dùng chữ boat (tàu) đặt ở cả 2 từ, tạo thành chữ Boaty McBoatface mang tính chất khá vui nhộn. Đó cũng là cái tên do công chúng bầu chọn dành cho chiếc tàu Anh vào năm 2016.

Tương tự, việc đề xuất tên Poxy McPoxface cũng sử dụng chữ Pox (đậu mùa) để ráp vào hai từ mang vần điệu tương tự với tên chiếc tàu Anh.

Ngoài ra, còn có người đề xuất tên mới là TRUMP-22 (viết tắt của chữ: Toxic Rash of Unrecognized Mysterious Provenance of 2022 – tạm dịch là “Cơn phát ban độc hại có nguồn gốc bí ẩn năm 2022”).

Từ này trùng khớp với tên của cựu Tổng thống Donald Trump. Hơn nữa, từ Rash còn có nghĩa là “cơn thịnh nộ”. Như vậy người đề xuất tên này rất có thể là một người ghét ông Trump và có ý nhạo báng ông.

Theo tiêu chí của WHO, những tên như thế này có thể bị coi là mang tính xúc phạm và sẽ không được chọn.

Vì sao phải đổi tên cho “bệnh đậu mùa khỉ”?

Theo Reuters, áp lực về việc đổi tên bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lớn. Một phần vì các nhà phê bình cho rằng tên hiện tại dễ gây hiểu lầm, vì khỉ không phải là vật chủ ban đầu của căn bệnh.

Vì vậy, nhiều người lo ngại cái tên này có thể được sử dụng theo cách phân biệt chủng tộc. Một nhóm các nhà khoa học hàng đầu đã viết một bài báo vào tháng 6 nhằm kêu gọi lựa chọn một cái tên “trung lập, không phân biệt đối xử và không kỳ thị”.

Cho đến năm nay, bệnh đậu mùa ở khỉ chủ yếu chỉ lây lan ở một số quốc gia ở tây và trung Phi.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Congo (ảnh: WHO).

Người phát ngôn của WHO, Fadela Chaib, hôm 16/8 cho biết: “Điều rất quan trọng là chúng tôi phải tìm một cái tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ vì đây là phương pháp tốt nhất để không tạo ra bất kỳ hành vi xúc phạm nào đối với một nhóm người, một khu vực, một quốc gia, động vật, v.v.”.

“WHO rất quan tâm đến vấn đề này và chúng tôi muốn tìm một cái tên không mang tính kỳ thị”, bà Chaib cho biết.

WHO cho biết họ sẽ lựa chọn 1 cái tên trong số các đề xuất. Tiêu chí lựa chọn là “theo giá trị khoa học, khả năng chấp nhận, khả năng phát âm của chúng (và) liệu chúng có thể được sử dụng trong các ngôn ngữ khác nhau hay không”.

“Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không nghĩ ra một cái tên lố bịch”, bà Chaib nói.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 và được đặt tên theo loài động vật đầu tiên có triệu chứng đó. Vào tháng trước, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi có hơn 32.000 ca nhiễm từ hơn 80 quốc gia.

Từ Khóa: