Chiều chủ nhật, tôi ngồi trước bậc thềm quan sát những đứa trẻ trong xóm chơi với nhau. Chúng thường chơi trò chơi yêu thích “Ta là chúa tể”.

Trò chơi “Ta sẽ là Chúa tể”

Một cậu bé học lớp ba vừa cao vừa khôn lanh nhất; là người khởi xướng nên cậu nghiễm nhiên trở thành Chúa tể. Trò chơi thật đơn giản: “Chúa tể” đầu đội cái giỏ tre; tay cầm cây kiếm tất nhiên cũng bằng nhựa; cậu giơ kiếm lên cao và hét vang “Ta là chúa tể”; sau đó “Chúa tể” nghiêm mặt quát to “lính đâu!”.

Những đứa trẻ khác sẽ khúm núm cung kính “Thưa chủ nhân”. Chúa tể sẽ sai vặt “Quân lính” đi rót nước, lượm rác, mua kem, hoặc đôi khi trừng phạt một “Tên phản bội”, bắt “hắn” lại và nhốt vào nhà tù…

Một lúc sau “Quân lính” nhìn chung tỏ vẻ chán ngán; có cô bé mới nhập bọn lắc đầu nguầy nguậy “Không công bằng, phải oẳn tù tì để chọn ra người làm Chúa tể chứ; đâu phải mình anh, ai cũng thích làm chúa tể hết mà”.

Trò chơi của những đứa trẻ khiến người xung quanh cười nghiêng ngả.

Quan sát một trong những phương thức dạy ở trường học

Một hôm, cô bạn tôi đang làm giáo viên ở một trường tiểu học Quốc tế kể rằng: ở lớp cô chia lần lượt mỗi học sinh sẽ được làm lớp trưởng trong một tuần. Bởi cô nghiệm ra rằng; để có những cách thức dạy dỗ hoặc điều chỉnh thích hợp với các bạn nhỏ, điều cần nhất là giáo viên phải thấy được bản tính của đứa trẻ một cách rõ ràng.

Cũng giống như người lớn, tính cách con trẻ sẽ bộc lộ rõ nhất khi ta trao cho chúng trách nhiệm và uy quyền trong vai trò thủ lĩnh.

Trong khi ngồi nhìn những đứa trẻ ngây thơ chơi trò “Ta là chúa tể”; tôi mới nhận ra ý tưởng của cô bạn thật tuyệt vời. Chính Abraham Lincoln (Vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ), ông cũng từng nói “Gần như tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được nghịch cảnh; nhưng nếu muốn kiểm tra tính cách của một người nào đó, hãy trao cho anh ta uy quyền”.

“Ai cũng muốn được làm chúa tể” cô bé kia đã nói như vậy.

Quyền lợi và trách nhiệm luôn song hành

Chúng ta thường mơ trở thành thuyền trưởng trên mọi con tàu. Bởi làm chúa tể, làm thuyền trưởng thì hẳn nhiên sẽ được nể trọng hơn, được oai hơn, được sai khiến và đôi khi trừng phạt những người khác.

Nhưng cũng nghĩa là phải gánh trên vai trách nhiệm và cả những phiền toái. Ví như khi con tàu sắp chìm, thì thuyền trưởng luôn phải rời đi cuối cùng; và là người gánh chịu trách nhiệm cao nhất. Khi lớn lên, chúng ta hiểu rằng không phải ai cũng trở thành người “Đứng mũi chịu sào”.

Phần đông chúng ta sẽ trở thành thủy thủ; và cho rằng quyền lực chỉ đi kèm với chức vụ hay địa vị.

Tác giả Brain Tracy trong cuốn sách “100 quy luật bất biến trong kinh doanh”, ông đúc kết có bốn kiểu quyền lực khác nhau:

  • Quyền lực chuyên môn
  • Quyền lực cá nhân (thương hiệu cá nhân)
  • Quyền lực địa vị, chức vụ
  • Quyền lực được phong tặng.

Nghĩa là dù không thể có được quyền lực từ chức vụ hay địa vị cao; nhưng chúng ta cũng có khả năng tác động đến người khác bằng năng lực chuyên môn hoặc (và) nhân cách sống của mình. Vì vậy, nếu bạn có địa vị thì đừng áp chế người khác; và nếu bạn không có địa vị thì cũng đừng sợ hãi.

Bởi địa vị cao là những con tàu lớn trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió. Cơn gió quyền lực có thể đưa chúng ta đi xa, nhưng cũng có thể khiến ta lật nhào. Những con tàu vĩ đại như Titanic vẫn có thể chìm.

Ý nghĩa cuộc sống qua trò chơi “Ta là Chúa tể”

Đìa vị và quyền lực luôn hấp dẫn con người (Ảnh minh họa Pixabay).
Đìa vị và quyền lực luôn hấp dẫn con người (Ảnh minh họa Pixabay).

Chúng ta biết rằng, một khi càng dễ điều khiển người khác; thì chúng ta càng khó điều khiển bản thân mình. Và cũng dễ dàng nhận ra con người thật của ai đó, khi họ nắm giữ quyền lực.

Dường như không ai trong chúng ta có thể vượt qua sự cám dỗ của quyền lực. Nhưng cách sử dụng quyền lực khiến chúng ta khác nhau.

Có người xem quyền lực là mục đích tối thượng; công việc chỉ là chiếc cầu nối đến với quyền lực. Họ dùng nó để thống trị người khác, để mưu lợi cho riêng bản thân mình.

Cũng có người xem quyền lực là một công cụ hữu ích; giúp họ làm tốt hơn công việc. Họ dùng nó để khơi gợi cảm hứng, tài năng của người khác; nhằm đạt được những mục tiêu chung, mang lại lợi ích cho càng nhiều người càng tốt.

Bạn sẽ chọn là mẫu người nào khi có quyền lực trong tay? Bạn sẽ là ai trước uy quyền của người khác? Câu hỏi này cũng xứng đáng được trả lời trong cuộc sống mỗi chúng ta.

Một ngày nào đó “Quyền lực” sẽ đến với bạn, mong rằng bạn sẽ nhớ đến câu “Dấu chân của quyền lực, thường là những dấu chân trên cát” – Edward Counsel. Những thứ quyền lực hữu hình đó sẽ mất dần theo thời gian; còn nhân cách đẹp sống mãi với những người ở lại.

Theo nhabup

Xem thêm: