Ung thư tuyến tụy được mệnh danh là “vua ung thư biểu mô” và là căn bệnh gây tử vong cao. Hiện đây là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ ba ở Hoa Kỳ, với tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ 12%. Các chuyên gia y tế nói rằng do chưa có phương pháp tầm soát hay chẩn đoán sớm hiệu quả nên việc thực hiện các phương pháp phòng ngừa ung thư tuyến tụy trong cuộc sống hàng ngày là rất quan trọng.

Tuyến tụy là cơ quan nằm trong ổ bụng, ngay sau dạ dày. Ung thư tuyến tụy là do DNA của các tế bào trong tuyến tụy có những biến đổi (đột biến) và phát triển thành khối u. Hầu hết các bệnh ung thư tuyến tụy là ung thư biểu mô tuyến tụy (xảy ra trong niêm mạc của các ống dẫn trong tuyến tụy).

Theo ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 64,050 người (33,130 nam và 30,920 nữ) có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy và khoảng 50,550 người (26,620 nam và 23,930 nữ) sẽ chết vì căn bệnh này ở Hoa Kỳ vào năm 2023.

Hiểu về ung thư tuyến tụy

Theo trang web của Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston, các triệu chứng và biểu hiện của ung thư tuyến tụy bao gồm:

1. Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân.

2. Đau vùng thượng vị hoặc bụng.

3. Mệt mỏi.

4. Không có cảm giác thèm ăn.

5. Nôn mửa, tiêu chảy.

6. Vàng da (có biểu hiện vàng da và lòng trắng mắt nhưng không đau).

7. Thay đổi thể trạng bệnh nhân tiểu đường.

8. Nước tiểu vàng đậm.

9. Phân màu nhạt và ngứa khắp người.

Các yếu tố nguy cơ ung thư tuyến tụy bao gồm:

1. Hút thuốc.

2. Tiểu đường lâu năm.

3. Viêm tụy mạn tính (viêm tuyến tụy, đặc biệt là ở những người hút thuốc).

4. Trên 55 tuổi.

5. Béo phì.

Ngoài ra, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tụy và di truyền cũng là các yếu tố góp phần. Yếu tố di truyền có thể gây ra một hoặc nhiều đột biến gen, bao gồm một số bệnh của hội chứng ung thư gia đình như viêm tụy di truyền, hội chứng đa u các tuyến nội tiết loại 1, ung thư vú-buồng trứng di truyền, ung thư ruột kết không polyp di truyền, và hội chứng đa nốt ruồi ác tính gia đình không điển hình.

Ngoài ra, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lưu ý mức độ tiếp xúc cao với một số hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp giặt khô và gia công kim loại có thể làm người lao động gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy.

Nhiều triệu chứng nói trên rất phổ biến. Việc có những triệu chứng này không nhất thiết đồng nghĩa với việc bị ung thư tuyến tụy nên cần phải có chẩn đoán chuyên nghiệp.

Phương pháp kiểm tra

Bác sĩ phẫu thuật Ryoichi Nakahara thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 14/03 rằng các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy hiện nay bao gồm chụp cắt lớp, xét nghiệm mẫu, quét cộng hưởng từ và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), nội soi ổ bụng, cộng hưởng từ mật tụy (MRCP).

Bác sĩ Nakahara nói rằng: “Hầu hết các bệnh về tụy, kể cả u tụy, thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu và rất khó phát hiện ở giai đoạn này. Một khi được chẩn đoán thì đã thường ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.”

Phương pháp điều trị

Bác sĩ Nakahara nói thêm rằng, giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tụy được điều trị bằng phẫu thuật là lựa chọn đầu tiên. Tùy thuộc vào vị trí khối u mà có cách tiếp cận cắt bỏ khác nhau. Nếu ung thư tuyến tụy xảy ra ở phía bên phải sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy để loại bỏ một phần ba tuyến tụy, ống mật, túi mật và tá tràng. Nếu ung thư tuyến tụy xảy ra ở phía bên trái, một nửa tuyến tụy và lá lách sẽ bị cắt bỏ. Với cả hai loại phẫu thuật kể trên thì loại phẫu thuật nào cũng đều đồng thời cắt bỏ hạch bạch huyết.

Ngoài ra, phương pháp điều trị phù hợp sẽ được quyết định theo nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, tình trạng sức khỏe và thể tích khối u của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nakahara, các phương pháp điều trị bao gồm:

1. Cắt bỏ tuyến tụy: phù hợp với các khối u sớm ở phía trước tụy và hiện là loại phẫu thuật duy nhất có thể chữa khỏi ung thư tuyến tụy.

2. Cắt tụy-tá tràng bảo tồn môn vị: phù hợp với các khối u tuyến tụy sớm, môn vị trong dạ dày được giữ lại để thức ăn xuống tá tràng bình thường.

3. Phẫu thuật cắt toàn bộ tụy là đại phẫu: phù hợp với những bệnh nhân mà tế bào ung thư đã bao phủ toàn bộ tụy. Không chỉ cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy mà cả túi mật, tá tràng và môn vị của bệnh nhân ở phần dưới cùng của dạ dày, một phần của ống mật và các hạch bạch huyết xung quanh cũng bị cắt bỏ. Tuy nhiên, bệnh nhân trải qua loại phẫu thuật này cần sử dụng insulin và các sản phẩm thay thế enzyme suốt đời.

4. Hóa trị, điện trị liệu, thuốc nhắm trúng đích: Các phương pháp này không chữa được khối u, có hại cho cơ thể và bệnh nhân phải chịu đựng ở các mức độ khác nhau.

Bác sĩ Nakahara cho biết: “Bởi vì có nhiều dây thần kinh và mạch máu quan trọng xung quanh tuyến tụy nên cần phải cắt bỏ rộng. Ung thư tuyến tụy nặng thì không phù hợp phẫu thuật. Cũng có nhiều bệnh nhân ung thư tuyến tụy đã mất cơ hội được phẫu thuật điều trị”.

Thói quen lành mạnh hàng ngày phòng ngừa ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy rất khó điều trị và việc phòng ngừa tích cực rất quan trọng. Bác sĩ Nakahara gợi ý rằng có thể phòng ngừa căn bệnh này tốt hơn thông qua sáu thói quen lành mạnh sau:

1. Bỏ thuốc lá: Khoảng 25% trường hợp ung thư tuyến tụy được cho là do hút thuốc lá. Chất nicotin trong thuốc lá ảnh hưởng đến quá trình bài tiết của tuyến tụy. Hút thuốc có thể thúc đẩy chất gây ung thư N-nitrite đi vào ống mật, sau đó trào ngược vào ống tụy do đó gây ra ung thư tuyến tụy.

2. Cách ăn uống cân bằng: Ăn các bữa ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, ít chất béo. Ăn nhiều ngũ cốc, đậu, cá, tôm, các loại rau như rau xanh, bắp cải, củ cải, bông cải xanh và các loại trái cây như sung, kiwi, nho, v.v.

3. Tập aerobic ngoài trời: Nên tập thể dục thường xuyên như đi bộ, đạp xe và bơi lội. Lượng vận động thích hợp có thể huy động sinh lực, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, rèn luyện cơ bắp, có tác dụng rất lớn trong việc duy trì chức năng của các cơ quan và mô, đồng thời có tác dụng chống ung thư.

Vào tháng 7/2022, một nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu từ Trường Y thuộc Đại học New York đã xuất bản một bài báo nghiên cứu trên tạp chí ung thư quốc tế Cancer Cell. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong một mô hình chuột mắc ung thư biểu mô tuyến tụy (PDA), các bài tập aerobic làm chậm sự phát triển của khối u PDA bằng cách điều chỉnh khả năng miễn dịch toàn thân và trong khối u.

Tập thể dục thúc đẩy huy động miễn dịch và tích lũy tế bào miễn dịch thâm nhiễm IL15Rα+ CD8 xâm nhập khối u. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục có lợi trong việc chống lại các khối u và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.

4. Khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế. Khám sức khỏe và sàng lọc thường xuyên có thể cải thiện tỷ lệ phát hiện ung thư tuyến tụy sớm—phát hiện sớm cộng với điều trị sớm có thể làm giảm sự phát triển thêm của ung thư.

5. Tự bảo vệ mình trong môi trường lao động: Người lao động tiếp xúc với hóa chất trong thời gian dài phải đeo khẩu trang, găng tay.
6. Phát triển tâm trạng lành mạnh: Căng thẳng có thể dẫn đến mệt mỏi về thể chất, suy giảm chức năng miễn dịch, rối loạn nội tiết và rối loạn trao đổi chất trong cơ thể. Theo thời gian, căng thẳng sẽ dẫn đến suy giảm thể chất làm cho cơ thể dễ bị vi khuẩn và virus tấn công hơn.