Trong bối cảnh bị chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt giám sát và đe dọa cắt giảm tài trợ liên bang, nhiều trường đại học danh tiếng tại Mỹ đã và đang thực hiện những bước đi quyết liệt nhằm củng cố nền tảng tài chính.
- Tổng thống Trump khẳng định không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Powell
- Tiêu dùng thắt chặt – Người dân giật mình với giá thực phẩm leo thang
- Trung Quốc cảnh báo các đối tác thương mại: Đừng đứng về phía Mỹ
Tóm tắt nội dung
Chạy đua phát hành trái phiếu để tăng dòng tiền
Tháng này, Đại học Princeton đã phát hành trái phiếu trị giá 320 triệu USD, nối tiếp bước đi tương tự của Đại học Northwestern với 500 triệu USD và Harvard với con số đáng chú ý: 750 triệu USD. Đây không chỉ là các khoản huy động vốn thông thường, mà là phản ứng chiến lược trước những biến động ngày càng gia tăng từ chính phủ liên bang.
Trong khi đó, dù chưa bị nhắm đến trực tiếp, Đại học Yale cũng đang âm thầm tìm cách bán danh mục đầu tư cổ phần tư nhân trị giá hàng tỷ USD, một động thái chưa từng có trong hoạt động đầu tư giáo dục của trường này.

Áp lực từ các chính sách “cải tổ” giáo dục đại học
Tổng thống Trump thời gian qua đã nhiều lần chỉ trích hệ thống giáo dục đại học Mỹ, cho rằng một số trường có xu hướng “thiên tả” và “bài xích Do Thái”, đồng thời yêu cầu cải tổ toàn diện trong giảng dạy và tuyển sinh. Theo đó, hàng loạt trường đại học lớn bị đưa vào diện rà soát hoặc cắt giảm tài trợ.
Các báo cáo cho biết chính quyền Trump đã đình chỉ hoặc đóng băng hơn 10 tỷ USD ngân sách liên bang dành cho các trường đại học hàng đầu, trong đó có nguồn vốn nghiên cứu, tài trợ học thuật và hợp tác chiến lược với các cơ quan như NASA, Bộ Quốc phòng hay Bộ Năng lượng.
Biện pháp tài chính chưa từng thấy kể từ khủng hoảng 2008
“Hầu hết các trường chưa đến mức hoảng loạn, nhưng họ muốn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, Greg Dowling – chuyên gia tư vấn đầu tư tại FEG – nhận định. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, các trường cũng không phải dùng đến quy mô huy động vốn như hiện nay.
Princeton, Harvard, Northwestern hay Brown đều chấp nhận phát hành trái phiếu chịu thuế thay vì miễn thuế như truyền thống, dù chi phí cao hơn, nhưng giúp họ linh hoạt hơn trong sử dụng vốn – đặc biệt là để bù đắp thâm hụt ngân sách trong giai đoạn bất ổn.
Nguồn tài chính khổng lồ nhưng bị ràng buộc
Harvard – với quỹ dự trữ hơn 50 tỷ USD – và nhiều trường khác đều sở hữu nguồn tài chính lớn, nhưng phần lớn trong số đó bị giới hạn bởi các điều kiện từ nhà tài trợ hoặc được quy hoạch cho mục tiêu dài hạn, không thể sử dụng linh hoạt.
Yale hiện cũng đang tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư cổ phần tư nhân trị giá 5,5 tỷ USD, nhưng do tính chất đầu tư dài hạn, việc rút vốn sớm đồng nghĩa với chịu mức chiết khấu sâu.
Làn sóng phản đối từ giới học thuật
Trước làn sóng can thiệp ngày càng rõ rệt từ chính quyền Trump, nhiều đại học trên khắp nước Mỹ đã lên tiếng. Ngày 21/4, Harvard chính thức khởi kiện Nhà Trắng vì quyết định đóng băng tài trợ. Một ngày sau, hơn 220 lãnh đạo giáo dục cùng ký tên vào bản tuyên bố chung lên án sự “lạm quyền” và “chính trị hóa giáo dục”.
“Chúng tôi cùng cất lên tiếng nói phản đối sự can thiệp chính trị chưa từng có tiền lệ từ chính phủ, đang đe dọa nền giáo dục đại học của nước Mỹ”, trích từ tuyên bố chung của các hiệu trưởng, nhà quản lý và tổ chức giáo dục đại học.
Theo WSJ, Harvard Crimson, Daily Princetonian