Ảnh minh họa (Nguồn Pixabay). |
Loại hình du lịch này được gọi là du lịch bền vững, bởi nó bảo tồn được văn hóa cộng đồng, văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc, giữ lại được vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đó.
Vai trò của du lịch cộng đồng đối với người dân địa phương
Thông thường du lịch cộng đồng được dự án phi lợi nhuận hoặc các nhà đầu tư triển khai với mong muốn mang lại thay đổi tích cực cho bà con dân tộc thiểu số. Việc thay đổi cách làm kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa bản địa giúp họ có cuộc sống tốt hơn trên chính mảnh đất quê hương của họ.
Bà con được tư vấn, đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn làm du lịch. Họ được hướng dẫn hoàn thiện các sản phẩm du lịch: Lưu trú, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm tham quan, hoạt động hướng đến du lịch bền vững.
Người dân bản địa tự tay dệt vải |
Các hộ dân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, mỗi nhà cung cấp một loại dịch vụ mà không bị cạnh tranh lẫn nhau. Các nghề thủ công như dệt vải, sản phẩm mây tre đan, làm gốm… được khôi phục và phát triển.
Loại hình du lịch cộng đồng ít chịu tác động của suy thoái kinh tế so với hình thức du lịch thông thường, bởi người dân vẫn canh tác và có cuộc sống bình dị, truyền thống như xưa trên mảnh đất của họ.
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng bền vững có sự phối hợp quản lý của các cấp chính quyền địa phương cùng các bộ quy tắc ứng xử mà người dân và du khách cùng cam kết thực hiện.
Vai trò của du lịch cộng đồng đối với du khách
Du khách ăn, ngủ, sinh hoạt cùng người dân bản địa ở Homestay do chính người dân làm chủ. Họ được tham gia các khâu của quá trình làm ra sản phẩm bản địa như: Trồng, thu hoạch sản phẩm địa phương, thực hiện các thao tác trong quá trình làm thủ công, mỹ nghệ… Họ cũng khám phá cảnh quan, tận hưởng không khí văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của người dân bản địa.
Du khách được hướng dẫn bảo vệ môi trường như hạn chế xả rác vô cơ, được dùng những sản phẩm tẩy rửa mang tính tự nhiên. Họ cũng trồng cây phủ xanh đồi núi trọc chống lại biến đổi của khí hậu, được tìm hiểu và thực hiện bộ quy tắc ứng xử phù hợp với tập tục, văn hóa bản địa.
Bản Khau Phạ nơi người dân tự làm du lịch cộng đồng |
Với các loại hình du lịch thông thường, du khách có xu hướng tận hưởng, nghỉ ngơi với tiện ích sang trọng ở nơi đến. Còn loại hình du lịch cộng đồng bền vững, người đi du lịch khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân bản địa bằng cách gia nhập sinh hoạt như người dân địa phương. Đồng thời họ tiêu dùng sản phẩm của người dân với mong muốn đóng góp cho người dân bản địa một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam
Việt nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này, với hơn 50 dân tộc anh em, địa hình núi non hùng vĩ, trải dài trên dải đất hình chữ S. Ba miền Bắc, Trung, Nam mang sắc thái văn hóa vùng miền riêng biệt, từ ẩm thực, tín ngưỡng truyền thống, trang phục cổ truyền, đến giọng nói, tất cả tạo nên sự đa dạng văn hóa.
Nhờ văn hóa dân tộc đặc trưng như vậy, Việt nam là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là loại hình du lịch mới đem lại nguồn lợi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội mà vẫn bảo tồn được giá trị văn hóa địa phương.
Công việc thường nhật của người dân tộc thiểu số |
Độc giả có thể trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng như: Mai Châu- Hòa Bình, Đà Bắc-Hòa Bình, Khau Phạ – Mù Cang Chải, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…
Đến với Bản Lác – Mai Châu – Hòa Bình bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức những món ngon đặc sản của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Thái… Bản Lác đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, giúp gia tăng đáng kể cho thu nhập của bà con nơi đây.
Khau Phạ – Mù Cang Chải là một trong tứ đại đèo Tây Bắc, du khách có thể chiêm ngưỡng ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa vàng qua những hoạt động bay trên mùa nước đổ… Nhóm phi lợi nhuận (KPF) đã hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng, tạo thêm sinh kế, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa.
Tây Nguyên cũng được xem là một điểm lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng vì nơi đây rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống. Các địa điểm thu hút khách du lịch tại Tây Nguyên gồm có Buôn Mê Thuật, Lang Bi Ang, Đà Lạt…
Đồng bằng sông Cửu Long là cái tên nổi bật khi nhắc đến loại hình du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực cũng như những đặc sắc khác của vùng miền Nam Bộ. Loại hình du lịch sinh thái khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang rất phát triển với các địa danh nổi tiếng như Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau, Rừng U Minh…
Du khách có thể tham gia cấy, gặt lúa cùng người dân tộc |