Người Mỹ cần chú ý hơn nữa tới những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc, theo tiến sĩ Anders Corr, nhà xuất bản tạp chí Rủi ro Chính trị.
Trong bài bình luận cá nhân đăng trên The Epoch Times hôm 20/7, TS Corr viết: “Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục bức hại những người vô tội?”
Đã 23 năm kể từ khi lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công, môn khí công tu luyện gồm 5 bài tập và các nguyên tắc sống theo Chân – Thiện – Nhân.
Theo báo cáo của Freedom House, giới cầm quyền Trung Quốc “theo dõi trên diện rộng, giam giữ tùy tiện, tra tấn khủng khiếp và giết người phi pháp” đối với các học viên Pháp Luân Công.
Đặc biệt nghiêm trọng là nạn thu hoạch nội tạng do chính quyền bảo trợ nhắm vào các học viên tại Trung Quốc. Ông bình luận: “Cuộc đàn áp này là một cuộc diệt chủng theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc”.
Trong khi ĐCSTQ rầm rộ tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công trên khắp thế giới, ông Corr cho biết cách phản ứng của các học viên thường là cầm biểu ngữ có ghi: “Pháp Luân Đại Pháp là tốt” hoặc “Hãy chấm dứt cuộc bức hại”.
Bên ngoài Trung Quốc, Pháp Luân Đại Pháp được tự do tập luyện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ông Corr cho biết, vào dịp 20/7 năm nay, học viên Pháp Luân Công tại các quốc gia cũng dùng cách hòa bình để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tại Trung Quốc. Ông liệt kê các cuộc tuần hành ôn hòa của học viên Pháp Luân Công tại nhiều thành phố trên thế giới, như Washington, London, New York, San Francisco, Melbourne, Toronto…
TS Anders Corr cho biết: “Các nguyên tắc của Pháp Luân Công hoàn toàn trái ngược với những gì ĐCSTQ thực thi hàng ngày”.
Ông cho rằng đó là lý do giới cầm quyền Bắc Kinh có “ác cảm” đối với Pháp Luân Công. Tuy nhiên, trong giai đoạn lịch sử này, khi những quy tắc quốc tế như dân chủ, nhân quyền đang đối mặt với thách thức từ ĐCSTQ, thì Pháp Luân Công có ý nghĩa quan trọng trong việc phản kháng lại những độc hại từ Bắc Kinh.
Theo nhà nghiên cứu, người Mỹ nên lo ngại về ĐCSTQ không chỉ vì những vi phạm nhân quyền mà họ gây ra; mà còn bởi vì tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở biên giới Trung Quốc.
“Mặc dù Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận nhất của mình cuối cùng cũng tỉnh táo trước mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra chậm chạp. Chúng tôi cũng chậm thừa nhận những vi phạm nhân quyền (của ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công ở Trung Quốc”, ông Corr viết.
Chỉ đến năm 2021, chính phủ Hoa Kỳ và một số cơ quan chính phủ khác trên toàn cầu mới bắt đầu công nhận cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa làm như vậy đối với Pháp Luân Công, mặc dù bằng chứng về tội ác diệt chủng đối với môn này là nhiều hơn, theo ông Corr.
Ông cho rằng người Mỹ nên hỗ trợ các học viên Pháp Luân Công lên tiếng về cuộc đàn áp của ĐCSTQ.
“Việc ủng hộ và sát cánh với Pháp Luân Công là vì lợi ích quốc gia của Mỹ, không chỉ vì chúng ta có lịch sử ủng hộ nhân quyền”, theo TS Corr.